20 thg 9, 2007

Dự thảo nghị định hướng dẫn về Bảo hiểm thất nghiệp

CHÍNH PHỦ

________


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

____________________________________________

Số: /200…/NĐ-CP


Hà Nội, ngày …. tháng …. năm 2007

DỰ THẢO
NGHỊ ĐỊNH

Hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội

về bảo hiểm thất nghiệp

_____________

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

NGHỊ ĐỊNH :

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Nghị định này hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về đối tượng và phạm vi áp dụng; quyền và trách nhiệm của các bên tham gia bảo hiểm thất nghiệp; các chế độ bảo hiểm thất nghiệp; quỹ bảo hiểm thất nghiệp; tổ chức bảo hiểm thất nghiệp; quản lý Nhà nước về bảo hiểm thất nghiệp; khiếu nại tố cáo về bảo hiểm thất nghiệp và một số quy định khác về bảo hiểm thất nghiệp.

Điều 2. Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo khoản 3 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

1. Công dân Việt Nam làm việc với người sử dụng lao động quy định tại Điều 3 Nghị định này theo các loại hợp đồng sau đây:

a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ mười hai tháng đến ba mươi sáu tháng;

c) Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;

d) Hợp đồng làm việc xác định thời hạn từ đủ mười hai tháng đến ba mươi sáu tháng.

2. Trường hợp người lao động giao kết từ hai hợp đồng lao động theo quy định tại điểm a và điểm b Khoản 1 Điều này trở lên với nhiều người sử dụng lao động, hợp đồng lao động giao kết trước được chọn để tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Khi chấm dứt hợp đồng lao động này mà các hợp đồng lao động khác vẫn có hiệu lực thì hợp đồng lao động giao kết ngay sau hợp đồng lao động này được chọn để tiếp tục tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

3. Người đang hưởng lương hưu hằng tháng, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng làm việc với người sử dụng lao động quy định tại Điều 3 Nghị định này theo các loại hợp đồng quy định tại Khoản 1 Điều này không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Các đối tượng quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này sau đây gọi chung là người lao động.

Điều 3. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội là người sử dụng lao động có sử dụng từ mười (10) người lao động trở lên, bao gồm:

1. Doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

2. Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.

3. Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức chính trị xã hội- nghề nghiệp, tổ chức xã hội- nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác.

4. Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật Hợp tác xã.

5. Hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng, trả công người lao động và có đăng ký sử dụng lao động đối với cơ quan quản lý lao động tại địa phương.

6. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.

Điều 4. Cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm thất nghiệp theo Điều 8 Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo hiểm thất nghiệp, chỉ đạo xây dựng, ban hành và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chế độ, chính sách về bảo hiểm thất nghiệp.

2. Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm:

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức nghiên cứu, xây dựng trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp;

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện công tác thống kê, thông tin; tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp;

c) Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các chế độ bảo hiểm thất nghiệp;

d) Kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp; giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm thất nghiệp;

đ) Thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm thất nghiệp;

e) Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật;

g) Tổ chức tập huấn, đào tạo về bảo hiểm thất nghiệp;

h) Hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp.

3. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm:

a) Phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành có liên quan trong việc xây dựng pháp luật, chính sách liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp;

b) Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp thuộc thẩm quyền;

c) Thực hiện báo cáo với cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi, quyền hạn quản lý nhà nước về bảo hiểm thất nghiệp.

4. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm thất nghiệp trong phạm vi địa phương. Sở Lao động- Thương binh và Xã hội có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm:

a) Theo dõi, kiểm tra thực hiện pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp;

b) Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm thất nghiệp;

c) Kiến nghị các Bộ, ngành có liên quan giải quyết những vấn đề về bảo hiểm thất nghiệp thuộc thẩm quyền;

d) Hằng năm báo cáo tình hình thực hiện pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội.

Điều 5. Thanh tra bảo hiểm thất nghiệp theo Điều 10 Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

1. Thanh tra lao động - thương binh và xã hội thực hiện thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm thất nghiệp có các nhiệm vụ sau đây:

a) Thanh tra việc thực hiện các chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp;

b) Thanh tra về nguồn hình thành, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp;

c) Xác minh, kết luận, kiến nghị việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật;

d) Xử phạt theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp; kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp;

đ) Hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm thất nghiệp.

2. Đối tượng thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:

a) Người lao động theo quy định tại Điều 2 Nghị định này;

b) Người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 3 Nghị định này;

c) Cơ quan bảo hiểm thất nghiệp các cấp;

d) Các tổ chức, cá nhân khác liên quan đến việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp.

Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 14 Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

1. Về đóng bảo hiểm thất nghiệp:

a) Không đóng bảo hiểm thất nghiệp;

b) Đóng bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định tại Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội;

c) Đóng bảo hiểm thất nghiệp không đúng thời gian quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp;

d) Đóng bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người lao động thuộc đối tượng áp dụng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 2 Nghị định này.

2. Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm:

a) Kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xoá làm sai lệch những nội dung có liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm thất nghiệp;

b) Làm giả các văn bản để đưa vào hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp;

c) Cấp giấy chứng nhận sai quy định để làm cơ sở hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

3. Sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp không đúng quy định tại Điều 26 Nghị định này.

4. Gây phiền hà, trở ngại, làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động, bao gồm:

a) Cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp của người lao động;

b) Gây phiền hà, trở ngại trong việc thực hiện trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động;

c) Không cấp hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp hoặc không trả hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định.

5. Báo cáo sai sự thật, cung cấp sai lệch thông tin, số liệu về bảo hiểm thất nghiệp.

Chư­ơng II

QUYỀN, TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG, NGƯ­ỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG, TỔ CHỨC BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

Điều 7. Quyền của ng­ười lao động về bảo hiểm thất nghiệp theo Điều 15 Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

1. Được xác nhận đầy đủ những khoản đóng bảo hiểm thất nghiệp trong hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

2. Được nhận lại hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

3. Được hưởng đầy đủ, kịp thời chế độ bảo hiểm thất nghiệp quy định tại Điều 14, Điều 15, Điều 16 và Điều 17 Nghị định này.

4. Được uỷ quyền cho người khác nhận trợ cấp thất nghiệp hàng tháng.

5. Yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp; yêu cầu tổ chức bảo hiểm thất nghiệp cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định tại khoản 10 Điều 12 Nghị định này.

6. Khiếu nại, tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi người lao động, người sử dụng lao động hoặc tổ chức bảo hiểm thất nghiệp có hành vi vi phạm các quy định về bảo hiểm thất nghiệp.

7. Thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Trách nhiệm của ng­ười lao động về bảo hiểm thất nghiệp theo Điều 16 Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

1. Đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ và đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 102 của Luật Bảo hiểm xã hội.

2. Thực hiện quy định về việc lập hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo đúng yêu cầu của tổ chức bảo hiểm thất nghiệp.

3. Bảo quản, sử dụng hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo đúng quy định.

4. Đăng ký thất nghiệp với tổ chức bảo hiểm thất nghiệp khi bị mất việc làm, khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

5. Hàng tháng thông báo với tổ chức bảo hiểm thất nghiệp về việc tìm việc làm trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

6. Sẵn sàng làm việc hoặc tham gia khoá học nghề phù hợp khi được tổ chức bảo hiểm thất nghiệp giới thiệu.

Điều 9. Quyền của ngư­ời sử dụng lao động về bảo hiểm thất nghiệp theo Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

1. Từ chối thực hiện các yêu cầu không đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp;

2. Khiếu nại, tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi người lao động, người sử dụng lao động hoặc tổ chức bảo hiểm thất nghiệp có hành vi vi phạm các quy định về bảo hiểm thất nghiệp.

3. Được thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Trách nhiệm của ngư­ời sử dụng lao động về bảo hiểm thất nghiệp theo Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

1. Đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ, đúng theo quy định tại khoản 2 Điều 102 của Luật Bảo hiểm xã hội.

2. Bảo quản hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động trong thời gian người lao động làm việc tại đơn vị.

3. Thực hiện đúng quy định về việc lập hồ sơ để người lao động đóng và hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

4. Xuất trình các tài liệu, hồ sơ và cung cấp thông tin liên quan theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khi có kiểm tra, thanh tra về bảo hiểm thất nghiệp.

5. Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Quyền của tổ chức bảo hiểm thất nghiệp theo Điều 19 Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

1. Tổ chức quản lý nhân sự, tài chính và tài sản theo quy định của pháp luật.

2. Từ chối yêu cầu chi trả chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi phát hiện có hành vi man trá, làm giả hồ sơ tài liệu.

3. Khiếu nại hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về các hành vi vi phạm các quy định về bảo hiểm thất nghiệp.

4. Kiểm tra việc đóng bảo hiểm thất nghiệp và thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

5. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và quản lý quỹ bảo hiểm thát nghiệp.

6. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.

7. Thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Trách nhiệm của tổ chức bảo hiểm thất nghiệp theo Điều 20 Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

1. Tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp; Hướng dẫn thủ tục thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động, người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

2. Tổ chức thu bảo hiểm thất nghiệp.

3. Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp; thực hiện hỗ trợ học nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động bị thất nghiệp để họ nhanh chóng tìm được việc làm mới; thực hiện việc trả trợ cấp thất nghiệp đầy đủ, thuận tiện và đúng thời hạn.

4. Đóng bảo hiểm y tế cho người đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

5. Lập hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho từng người lao động.

6. Quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

7. Thực hiện các biện pháp bảo toàn và tăng trư­ởng quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

8. Tổ chức thực hiện công tác thống kê, kế toán, hướng dẫn nghiệp vụ về bảo hiểm thất nghiệp.

9. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm thất nghiệp; lưu trữ hồ sơ của người tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

10. Định kỳ sáu tháng, báo cáo Hội đồng quản lý bảo hiểm thất nghiệp về tình hình thực hiện bảo hiểm thất nghiệp. Hằng năm, báo cáo Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước về tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

11. Cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về việc đóng, quyền đư­ợc hưởng chế độ, thủ tục thực hiện bảo hiểm thất nghiệp khi ngư­ời lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu.

12. Cung cấp tài liệu, thông tin liên quan theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

13. Giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo về việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp theo thẩm quyền.

14. Thực hiện hợp tác quốc tế về bảo hiểm thất nghiệp.

15. Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Chương III

CÁC CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

Điều 13. Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo Điều 81 Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

1. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ mười hai tháng trở lên trong vòng hai mươi bốn tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

2. Đã đăng ký thất nghiệp với tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp và có đơn đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo mẫu do tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp quy định.

3. Chưa tìm được việc làm sau mười lăm ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 14. Trợ cấp thất nghiệp theo Điều 82 Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

1. Trợ cấp thất nghiệp là khoản tiền hằng tháng được trả cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp hoặc người được uỷ quyền theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Nghị định này khi có đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 13 Nghị định này.

2. Mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của sáu tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

3. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng phụ thuộc vào thời gian làm việc có đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động và tổng thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật Bảo hiểm xã hội.

Điều 15. Hỗ trợ học nghề theo Điều 83 Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

1. Hỗ trợ học nghề được thực hiện thông qua việc bố trí của tổ chức bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng được tham gia một khoá học nghề phù hợp.

2. Mức hỗ trợ học nghề bằng mức chi phí học nghề ngắn hạn được bố trí cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng. Mức cụ thể do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện.

3. Thời gian được hỗ trợ học nghề được tính kể từ ngày người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng và không quá 6 tháng.

4. Việc tổ chức học nghề cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện.

Điều 16. Hỗ trợ tìm việc làm theo Điều 84 Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

1. Hỗ trợ tìm việc làm được thực hiện thông qua việc tư vấn, giới thiệu việc làm của tổ chức bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng.

2. Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng được tổ chức bảo hiểm thất nghiệp tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.

3. Thời gian được hỗ trợ tìm việc làm được tính kể từ ngày người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng và không quá tổng thời gian mà người lao động đó được hưởng trợ cấp theo quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật Bảo hiểm xã hội.

4. Việc tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện.

Điều 17. Bảo hiểm Y tế theo Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

1. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm y tế.

2. Tổ chức bảo hiểm thất nghiệp đóng bảo hiểm y tế cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Điều 18. Việc đăng ký thất nghiệp với tổ chức bảo hiểm thất nghiệp theo khoản 2 Điều 13 và khoản 4 Điều 8 của Nghị định này được quy định như sau:

1. Trong thời hạn 7 ngày (không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần) kể từ ngày bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động phải đến tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp nơi nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp để đăng ký thất nghiệp.

2. Tổ chức bảo hiểm thất nghiệp chịu trách nhiệm hướng dẫn thủ tục đăng ký thất nghiệp đối với người lao động.

Điều 19. Người lao động khi có đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 13 Nghị định này sẽ hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp vào ngày thứ 16 (không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần) kể từ ngày đăng ký thất nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định này.

Điều 20. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp quy định trong Nghị định này được hiểu là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp được cộng dồn trong tổng thời gian làm việc của người lao động tính từ khi người lao động và người sử dụng lao động bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Điều 21. Người lao động đã có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định này khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong các trường hợp sau đây:

1. Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật.

2. Bị xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải.

3. Bị kết án tù giam theo quyết định của toà án.

4. Chết hoặc mất tích theo tuyên bố của Toà án.

Điều 22. Tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp theo Điều 86 Luật bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

1. Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Không thông báo hằng tháng với tổ chức bảo hiểm thất nghiệp về việc tìm kiếm việc làm;

b) Không chấp nhận việc làm hoặc không tham gia khoá học nghề phù hợp khi tổ chức bảo hiểm thất nghiệp giới thiệu;

c) Bị tạm giam.

2. Việc tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng được chấm dứt vào tháng tiếp theo trong các trường hợp sau:

a) Người lao động tiếp tục thực hiện thông báo hằng tháng với tổ chức bảo hiểm thất nghiệp về việc tìm kiếm việc làm;

b) Người lao động chấp nhận việc làm hoặc tham gia khoá học nghề phù hợp khi tổ chức bảo hiểm thất nghiệp giới thiệu;

c) Người lao động vẫn trong khoảng thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật Bảo hiểm xã hội sau thời gian bị tạm giam.

3. Thời gian tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của người lao động trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này được coi là đã hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng trong tổng thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật Bảo hiểm xã hội.

Điều 23. Chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp theo Điều 87 Luật bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

1. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 87 của Luật Bảo hiểm xã hội.

2. Người bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc các trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 87 của Luật Bảo hiểm xã hội sẽ được hưởng khoản trợ cấp một lần bằng giá trị của tổng trợ cấp thất nghiệp của số thời gian được hưởng trợ cấp thất nghiệp còn lại theo quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật Bảo hiểm xã hội.

Điều 24. Tính lại thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp theo khoản 3 Điều 87 Luật bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

1. Sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Điều 23 Nghị định này thì thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trước đó đã được tính để hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của người lao động không được tính để hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc tiếp theo.

2. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp cho thời gian làm việc tiếp theo được tính lại từ đầu.

Chương IV

QUỸ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

Điều 25. Phương thức đóng bảo hiểm thất nghiệp

1. Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo mức quy định tại khoản 2 Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội và trích tiền lương, tiền công của từng người lao động theo mức quy định tại khoản 1 Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội để đóng cùng một lúc vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

2. Thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động sẽ do tổ chức bảo hiểm thất nghiệp hướng dẫn thực hiện.

3. Hằng tháng, Nhà nước hỗ trợ kinh phí từ ngân sách bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và mỗi năm chuyển một lần vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Điều 26. Tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp theo Điều 105 Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương theo ngạch, bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).

Tiền lương này được tính trên cơ sở mức lương tối thiểu chung tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp.

2. Người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương, tiền công và phụ cấp có tính chất lương (nếu có) ghi trong hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

3. Trường hợp mức tiền lương, tiền công tháng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này cao hơn 20 tháng lương tối thiểu chung thì mức tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội bằng 20 tháng mức lương tối thiểu chung tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Điều 27. Thu bảo hiểm thất nghiệp

Việc tổ chức thu bảo hiểm thất nghiệp do tổ chức bảo hiểm thất nghiệp hướng dẫn thực hiện.

Điều 28. Sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Điều 103 Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

1. Trả trợ cấp thất nghiệp hằng tháng cho người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 14 Nghị định này.

2. Hỗ trợ học nghề cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng theo quy định tại Điều15 Nghị định này.

3. Hỗ trợ tìm việc làm cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng theo quy định tại Điều 16 Nghị định này.

4. Đóng bảo hiểm y tế cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định này.

5. Chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp.

6. Đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ theo quy định. Việc đầu tư và cho vay của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp do Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện.

Điều 29. Chi phí quản lý theo Điều 104 Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

Chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp hằng năm được trích từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp và bằng mức chi phí quản lý của cơ quan hành chính Nhà nước theo quy định của Chính phủ. Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ mức trích chi quản lý bộ máy của tổ chức bảo hiểm thất nghiệp để áp dụng cho từng giai đoạn.

Điều 30. Tổ chức bảo hiểm thất nghiệp được mở tài khoản tiền gửi Quỹ bảo hiểm thất nghiệp tại hệ thống Kho bạc Nhà nước và hệ thống Ngân hàng thương mại của Nhà nước. Số dư trên tài khoản tiền gửi được hưởng lãi suất tiền gửi theo quy định của các Ngân hàng thương mại Nhà nước và Kho bạc Nhà nước.

Điều 31. Hằng năm, Tổ chức bảo hiểm thất nghiệp có trách nhiệm lập dự toán thu, chi quỹ bảo hiểm thất nghiệp, chi bộ máy quản lý, chi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trình Hội đồng Quản lý Bảo hiểm thất nghiệp thông qua và báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính. Bộ Tài chính tổng hợp trình cấp có thẩm quyền theo quy định của Nhà nước.

Điều 32. Hoạt động đầu tư từ quỹ quy định tại khoản 6 Điều 103 Luật bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

1. Tổ chức bảo hiểm Thất nghiệp có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo tồn giá trị và tăng trưởng quỹ từ tiền tạm thời nhàn rỗi. Hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp phải bảo đảm an toàn, bảo toàn được giá trị, có hiệu quả về kinh tế - xã hội và thu hồi được khi cần thiết.

2. Hội đồng Quản lý Bảo hiểm thất nghiệp quyết định việc đầu tư theo các hình thức sau đây:

a) Mua trái phiếu, tín phiếu, kỳ phiếu, công trái của Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại của Nhà nước;

­ b) Cho các ngân hàng thương mại của Nhà nước, Ngân hàng chính sách vay.

3. Tiền sinh lời từ đầu tư, tăng trưởng quỹ bảo hiểm thất nghiệp hàng năm được phân bổ, sử dụng như sau :

a) Trích kinh phí quản lý của hệ thống Bảo hiểm Thất nghiệp theo quy định;

b) Phần còn lại được bổ sung vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Điều 33. Hằng năm, tổ chức bảo hiểm thất nghiệp các cấp có trách nhiệm thực hiện việc quyết toán thu, chi quỹ bảo hiểm thất nghiệp, chi quản lý, chi đầu tư xây dựng cơ bản theo quy định gửi tổ chức bảo hiểm thất nghiệp ở Trung ương để thẩm tra, phê duyệt quyết toán. Tổ chức bảo hiểm thất nghiệp ở Trung ương tổng hợp quyết toán trình Hội đồng quản lý phê duyệt và báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước.

Bộ Tài chính thẩm định quyết toán và tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Điều 34. Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp chịu sự kiểm tra, thanh tra về các hoạt động tài chính quỹ của cơ quan quản lý nhà nước về tài chính, kiểm toán nhà nước.

Điều 35. Bộ Tài chính có trách nhiệm xây dựng quy chế quản lý tài chính đối với tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Chương V

TỔ CHỨC BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

Điều 36. “Bảo hiểm Thất nghiệp” là đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm thất nghiệp và quản lý, sử dụng và bảo toàn tăng trưởng quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Nghị định này.

Điều 37. “Bảo hiểm Thất nghiệp” là tổ chức sự nghiệp được tổ chức thống nhất theo ngành dọc:

- Ở Trung ương là cơ quan “Bảo hiểm Thất nghiệp”.

- Ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp.

- Ở huyện, quận, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tuỳ theo yêu cầu nhiệm vụ của mỗi địa phương, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định thành lập Văn phòng đại diện thuộc chi nhánh.

Cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của Bảo hiểm Thất nghiệp do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định.

Điều 38. Bảo hiểm Thất nghiệp do Tổng giám đốc quản lý và điều hành theo chế độ thủ trưởng. Giúp việc cho Tổng giám đốc có các Phó tổng Giám đốc

Bộ trưởng Bộ lao động – Thương binh và Xã hội bổ nhiệm, miễn nhiệm Tổng giám đốc và các phó tổng giám đốc bảo hiểm thất nghiệp.

Tổng giám đốc điều hành toàn bộ hoạt động của tổ chức Bảo hiểm Thất nghiệp để thực hiện các trách nhiệm, quyền hạn theo quy định tại Điều 11 và Điều 12 Nghị định này, Quy chế tổ chức và hoạt động của Bảo hiểm Thất nghiệp và theo các quyết định của Hội đồng quản lý Bảo hiểm Thất nghiệp.

Quy chế tổ chức và hoạt động cụ thể của Bảo hiểm Thất nghiệp do Bộ trưởng Bộ lao động – Thương binh và Xã hội quyết định theo đề nghị của Hội đồng quản lý Bảo hiểm Thất nghiệp.

Điều 39.

1. Thành lập Hội đồng quản lý Bảo hiểm Thất nghiệp. Hội đồng quản lý Bảo hiểm thất nghiệp có trách nhiệm chỉ đạo và giám sát hoạt động của Bảo hiểm Thất nghiệp.

2. Hội đồng quản lý Bảo hiểm Thất nghiệp gồm đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam và Tổ chức bảo hiểm thất nghiệp.

3. Hội đồng quản lý Bảo hiểm Thất nghiệp có Chủ tịch, các Phó chủ tịch và các thành viên. Chủ tịch Hội đồng quản lý Bảo hiểm Thất nghiệp là Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Các thành viên khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng quản lý Bảo hiểm Thất nghiệp.

4. Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý do Chủ tịch Hội đồng quản lý ban hành.

Điều 40. Nhiệm vụ của Hội đồng quản lý Bảo hiểm Thất nghiệp được quy định như sau:

1. Thẩm định kế hoạch hoạt động hằng năm, giám sát, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch của Bảo hiểm thất nghiệp;

2. Quyết định hình thức đầu tư quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo đề nghị của Tổng giám đốc Bảo hiểm thất nghiệp;

3. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, chiến lược phát triển của ngành, kiện toàn hệ thống tổ chức của Bảo hiểm thất nghiệp, cơ chế quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Chương VI
THỦ TỤC THỰC HIỆN BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

Điều 41. Hồ sơ theo dõi việc đóng, hưởng bảo hiểm thất nghiệp

1. Hồ sơ theo dõi việc đóng, hưởng bảo hiểm thất nghiệp và là cơ sở để giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Nghị định này là Sổ Lao động.

2. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các nội dung trong mẫu Sổ lao động để đáp ứng yêu cầu thực hiện bảo hiểm thất nghiệp và thống nhất ban hành trong cả nước.

Điều 42. Hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo Điều 110 Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

Trong thời hạn ba mươi ngày (không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần), kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 3 Nghị định này nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp của mình và của người lao động cho tổ chức bảo hiểm thất nghiệp, gồm:

1. Tờ khai cá nhân của người lao động theo mẫu do tổ chức bảo hiểm thất nghiệp quy định.

2. Sổ Lao động của người lao động.

3. Danh sách người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp do người sử dụng lao động lập.

4. Bản sao quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép hoạt động của người sử dụng lao động.

5. Giấy phép sử dụng lao động hoặc giấy chứng nhận đăng ký sử dụng lao động do cơ quan quản lý lao động địa phương cấp đối với người sử dụng lao động được quy định tại khoản 6 Điều 3 Nghị định này.

Điều 43. Hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo Điều 125 Luật Bảo hiểm xã hội được quy định gồm:

1. Đơn đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo mẫu do tổ chức bảo hiểm thất nghiệp quy định.

2. Bản sao hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc xác nhận của đơn vị cuối cùng trước khi thất nghiệp về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đúng pháp luật.

3. Sổ Lao động.

Chương VII
KHIẾU NẠI VỀ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

Điều 44. Người khiếu nại về bảo hiểm thất nghiệp theo Điều 130 Luật Bảo hiểm xã hội bao gồm:

1. Người lao động quy định tại Điều 2 Nghị định này.

2. Người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 3 Nghị định này.

Điều 45. Thẩm quyền, trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại về bảo hiểm thất nghiệp theo khoản 2 Điều 131 Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

1. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại về bảo hiểm thất nghiệp:

a) Người sử dụng lao động, thủ trưởng tổ chức bảo hiểm thất nghiệp các cấp có trách nhiệm giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định, hành vi về bảo hiểm thất nghiệp của mình bị khiếu nại;

Trong trường hợp người sử dụng lao động có quyết định, hành vi về bảo hiểm thất nghiệp bị khiếu nại không còn tồn tại thì cơ quan quản lý Nhà nước về lao động cấp huyện có trách nhiệm giải quyết.

b) Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về bảo hiểm thất nghiệp đối với quyết định giải quyết khiếu nại mà người sử dụng lao động, thủ trưởng tổ chức bảo hiểm thất nghiệp đã giải quyết nhưng người khiếu nại không đồng ý hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết và trong cùng thời gian đó người khiếu nại không khởi kiện tại toà án.

2. Trình tự, thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại lần đầu về bảo hiểm thất nghiệp.

a) Khi phát hiện quyết định, hành vi về bảo hiểm thất nghiệp trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình, người khiếu nại gửi đơn đến người, tổ chức đã ban hành quyết định hoặc đã thực hiện hành vi đó;

b) Khi nhận được đơn khiếu nại lần đầu, người, tổ chức có quyết định hoặc hành vi bị khiếu nại phải xem xét thụ lý và giải quyết khiếu nại;

c) Thời hiệu khiếu nại, thủ tục khiếu nại và thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

3. Trình tự, thủ tục khiếu nại, giải quyết khiếu nại lần hai về bảo hiểm thất nghiệp.

a) Trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội hoặc khởi kiện tại toà án;

b) Trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì khởi kiện tại toà án;

c) Thời hiệu khiếu nại, thủ tục khiếu nại và thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Chương VIII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 46. Quy định chuyển tiếp theo khoản 6 Điều 139 Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau

1. Thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội không được tính để hưởng trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về cán bộ, công chức.

2. Thời gian người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội được tính để miễn trách nhiệm trả trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về cán bộ, công chức.

Điều 47. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Các quy định tại Nghị định này được thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2009.

Điều 48. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Điều 49. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;

- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;

- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của QH;

- Văn phòng Quốc hội;

- Toà án Nhân dân Tối cao;

- Viện Kiểm soát Nhân dân Tối cao;

- Kiểm toán Nhà nước;

- Bảo hiểm xã hội Việt nam;

- BQL Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y;

- Cơ quan Trung ương của các Đoàn thể;

- Học viện Hành chính Quốc gia;

- VPCP: BTCN, TBCN, các PCN, BNC, Website Chính phủ, Ban Điều hành 112, Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;

- Lưu: Văn thư, KTTH (5 bản).
Share: