20 thg 9, 2007

Nghị định mới về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH

VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC BẢO HIỂM XÃ HỘI CÓ THỂ PHẠT ĐẾN 20 TRIỆU ĐỒNG

Ngày 16/8/2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị định số 135/2007/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội. Các hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định quy định các hành vi vi phạm hành chính; hình thức xử phạt, mức phạt, thẩm quyền xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính.

Đối tượng áp dụng Nghị định này bao gồm: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội mà không phải là tội phạm thì bị xử phạt theo quy định tại Nghị định này. Đối với những hành vi vi phạm về lĩnh vực bảo hiểm xã hội của cán bộ, công chức trong khi thi hành nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội mà không phải là tội phạm thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Ngoài các hình thức xử phạt: cảnh cáo hoặc phạt tiền (từ 100 nghìn đến 20 triệu đồng) còn có thể bị áp dụng một số hình thức khác như: tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động có thời hạn hoặc không thời hạn theo quy định của pháp luật, tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra sau đây: Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội vào quỹ bảo hiểm xã hội trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định xử phạt đối với người có hành vi vi phạm về đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 134 Luật Bảo hiểm xã hội; buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với người sử dụng lao động có hành vi chưa đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội từ 30 ngày trở lên; buộc hoàn trả số tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định xử phạt đối với người sử dụng lao động; buộc sửa lại cho đúng, nộp lại giấy tờ đã làm sai.

Các quy định: hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và mức phạt đối với người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức bảo hiểm xã hội và cơ quan tổ chức khác; thẩm quyền, thủ tục xử phạt; khen thưởng, xử lý vi phạm, khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo được quy định chi tiết trong Nghị định này.

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ Điều 18 Nghị định số 113/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động./.

BTK-TTX (theo website ĐCSVN)
Share: