20 thg 9, 2007

Luật Bảo hiểm y tế đảm bảo quyền lợi cho người lao động

Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) đang được Bộ Y tế dự thảo và sẽ công bố lấy ý kiến nhân dân và các ngành, các cấp trước khi trình Quốc hội xem xét vào cuối năm nay. Nội dung được chú ý và có ở nhiều điều khoản nhất là quyền lợi của người LĐ được đảm bảo tốt hơn, rõ ràng hơn so với trước.

Đối tượng được mở rộng

Theo dự thảo luật, đối tượng tham gia BHYT bắt buộc được mở rộng tới 24 nhóm khác nhau. Người LĐ tham gia BHYT bắt buộc không chỉ là người đang làm việc có giao kết hợp đồng LĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên trong các DN thuộc mọi thành phần kinh tế, các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, đơn vị thuộc các lực lượng vũ trang, không chỉ là cán bộ công chức viên chức, mà còn là những người trước đây đã từng LĐ nay nghỉ việc hưởng lương hưu, người được trợ cấp mất sức LĐ, trợ cấp BHXH hàng tháng.

Đối tượng được cấp thẻ BHYT bắt buộc do Nhà nước cấp kinh phí cũng được mở rộng, bao gồm: Người có công, thân nhân người có công, thân nhân sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp, cựu chiến binh, người trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người nghèo, người dân tộc thiểu số thuộc hộ cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi.

Nhóm đối tượng tham gia BHYT tự nguyện sẽ thuộc diện tham gia bắt buộc vào thời điểm thích hợp bao gồm: Học sinh - sinh viên, hộ gia đình cận nghèo và thân nhân người LĐ. Dự thảo luật cũng nêu rõ căn cứ để xác định mức đóng BHYT bắt buộc là tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp, tiền học bổng với những người có thu nhập thường xuyên, là tỉ lệ phần trăm lương tối thiểu với những người được Nhà nước mua và cấp thẻ BHYT.

Mức hưởng không phụ thuộc mức đóng

Về quyền lợi khám - chữa bệnh, dự thảo luật nêu rõ: Mức hưởng BHYT theo mức độ bệnh tật và trong phạm vi quyền lợi của người tham gia, nghĩa là mức đóng có thể cao, thấp khác nhau tuỳ theo nhóm đối tượng, nhưng khi đi khám - chữa bệnh thì mọi người có thẻ đều bình đẳng, được khám - chữa bệnh như nhau và chi phí điều trị được hưởng BHYT tuỳ theo tình trạng mức độ nặng, nhẹ của bệnh, không phụ thuộc vào mức đóng. Quyền lợi khám - chữa bệnh của người tham gia BHYT được xác định phù hợp với trình độ phát triển ứng dụng khoa học kỹ thuật y tế, khả năng đáp ứng của hệ thống khám chữa bệnh và khả năng cân đối Quỹ BHYT. Bộ Y tế phối hợp với cơ quan BHXH định kỳ rà soát, bổ sung và điều chỉnh quyền lợi người tham gia BHYT phù hợp với khả năng đóng góp.

Để tạo điều kiện thuận tiện cho người có thẻ khi đi khám chữa bệnh, dự thảo luật nêu : Người tham gia BHYT được lựa chọn một cơ sở y tế có hợp đồng khám - chữa bệnh BHYT để đăng ký KCB ban đầu theo hướng dẫn của cơ quan BHYT, được đổi nơi đăng ký ban đầu, được chuyển viện theo đúng tuyến chuyên môn kỹ thuật phù hợp với tình trạng bệnh tật. Trường hợp cấp cứu được khám - chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở KCB BHYT nào. Trường hợp phải làm việc lưu động được hướng dẫn để có nơi đăng ký khám - chữa bệnh ban đầu phù hợp, thuận tiện. Người có thẻ BHYT nếu đi KCB theo yêu cầu riêng, khám - chữa bệnh đúng quy định, nhưng chưa được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT tại bệnh viện thì được thanh toán trực tiếp một phần chi phí điều trị.

Về giải quyết khiếu nại tố cáo, dự thảo luật quy định: Người có thẻ BHYT được yêu cầu tổ chức BHYT, cơ sở khám - chữa bệnh và cơ quan liên quan giải thích, cung cấp thông tin về chế độ BHYT, được khiếu nại tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về BHYT, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, có quyền khởi kiện tại toà án hoặc khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

(Theo LĐ)

Share: