22 thg 11, 2014

BHXH chính thức được thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành



Sáng 20/11, Quối hội đã biểu quyết thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi. Theo đó, từ 1/1/2016, Cơ quan BHXH được thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng bảo (BHXH), bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

BHXH chính thức được thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Dự án Luật. Ảnh: Thảo Nguyên
Hợp đồng dưới 3 tháng tham gia BHXH bắt buộc từ năm 2018

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến đại biểu tán thành quy định người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn 1 đến dưới 3 tháng tham gia BHXH bắt buộc. Một số ý kiến đề nghị quy định nhóm này tham gia BHXH tự nguyện hoặc tham gia BHXH bắt buộc nhưng chỉ áp dụng đối với trường hợp giao kết hợp đồng bằng văn bản.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, mở rộng BHXH bắt buộc cho nhóm đối tượng này là cần thiết. Để đảm bảo tính khả thi, Chính phủ phải đảm bảo tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động, cơ quan BHXH và chính quyền địa phương phải chủ động tổ chức tuyên truyền, vận động, tập huấn đội ngũ cán bộ, có biện pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động cũng như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện quy định này.

Để có thời gian chuẩn bị, tiếp tục hoàn thiện việc ứng dụng công nghệ thông tin đối với công tác quản lý lao động, quản lý đối tượng tham gia BHXH, Dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua quy định thời điểm thực hiện chính sách này bắt đầu từ năm 2018.

Về việc bổ sung người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia BHXH bắt buộc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, quy định này nhằm góp phần đảm bảo an sinh và thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ ở cơ sở.

Tuy nhiên, do có nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội. Kết quả, đa số phiếu tán thành quy định người hoạt động không chuyên trách cấp xã tham gia BHXH bắt buộc có sự hỗ trợ của Nhà nước trong phạm vi 2 chế độ hưu trí và tử tuất với tổng mức đóng 22% của mức tiền lương cơ sở (1.150.000 đồng), trong đó, Nhà nước đóng 14% tương ứng với số tiền là 443 tỷ đồng/1 năm, người lao động tự đóng 8%, tương ứng với số tiền là 253 tỷ đồng/1 năm.

Dự thảo Luật quy định mang tính nguyên tắc việc Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho nông dân, lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện và giao Chính phủ căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước trong từng thời kỳ để quyết định mức hỗ trợ, nhóm đối tượng hỗ trợ và thời điểm hỗ trợ cho phù hợp.

Không làm tăng biên khi BHXH thực hiện chức năng thanh tra

Về giao thẩm quyền thanh tra việc đóng BHXH cho cơ quan BHXH, đa số ý kiến ĐBQH tán thành việc giao chức năng thanh tra việc đóng BHXH cho cơ quan BHXH; một số ý kiến đề nghị cần quy định chức năng này là thanh tra chuyên ngành về đóng, hưởng BHXH; có ý kiến đề nghị không giao thẩm quyền này vì chưa phù hợp với Luật Thanh tra, làm tăng biên chế của ngành BHXH.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã sửa đổi các Điều 7, Điều 8, Điều 93 để làm rõ chức năng của cơ quan BHXH và quy định cơ quan BHXH được thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp nhằm khắc phục tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH của doanh nghiệp.

Theo bà Mai, dự kiến bộ máy thực hiện công tác thanh tra sẽ là đội ngũ cán bộ đang làm công tác kiểm tra của cơ quan BHXH hiện nay để không làm tăng thêm biên chế khi thực hiện thẩm quyền này.

Đồng thời, thanh tra của ngành lao động - thương binh và xã hội, thanh tra của ngành tài chính phải tăng cường chức năng thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, trong đó có việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH của cơ quan BHXH.

Dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua đã bổ sung quy định ủy quyền cấp phó thực hiện xử phạt vi phạm hành chính tại khoản 2 Điều 121 để đảm bảo đồng bộ với Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Để kiểm soát chặt chẽ chi phí quản lý BHXH định kỳ 3 năm một lần Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định mức chi phí quản lý BHXH cụ thể. Quy định này cũng tạo điều kiện cho cơ quan BHXH có khoảng thời gian ổn định hợp lý để chủ động xây dựng, triển khai các kế hoạch, nhiệm vụ.

Cùng với đó, để đồng bộ với Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động, 3 năm một lần, Kiểm toán Nhà nước phải báo cáo Quốc hội kết quả kiểm toán Quỹ BHXH. Ngoài ra, khi có yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện kiểm toán đột xuất đối với Quỹ BHXH.

Luật BHXH (sửa đổi) sẽ có hiệu lực chính thức thi hành từ 1/1/2016.

Thảo Nguyên
(Nguồn: Thanhtra.com)
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết trên. Nếu có ý kiến hay góp ý gì, mong bạn vui lòng để lại vài dòng vào ô nhận xét bên dưới. Chúc bạn một ngày vui vẻ!