13 thg 7, 2011

Nghiệm thu Đề án Xác định vị trí việc làm ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam



Ngày 7/7/2011, Bộ Nội vụ và BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả nghiên cứu Đề án “Xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức theo ngạch của BHXH Việt Nam”. Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn; Thứ trưởng, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Lê Bạch Hồng, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Thị Xuân Phương cùng Hội đồng nghiệm thu và các đơn vị có liên quan.
Ngành BHXH được xây dựng theo hệ thống gồm cơ quan BHXH ở Trung ương, 63 BHXH cấp tỉnh và 694 BHXH cấp huyện. Tổng biên chế toàn ngành được giao năm 2010 là 18.500 người. Hiện nay, số biên chế theo ngạch công chức và hợp đồng chuyên môn nghiệp vụ là 13.986 người, số biên chế theo hợp đồng khoán gọn và vụ việc là 1.658 người. Những năm gần đây, số lượng người tham gia BHXH, BHYT không ngừng tăng: Số người tham gia BHXH năm 2008 là 7,4 triệu người với 166.396 đơn vị sử dụng lao động và 38 triệu người tham gia BHYT nhưng đến năm 2010 là khoảng 9 triệu người tham gia BHXH với 199.087 đơn vị sử dụng lao động, hơn 50 triệu người tham gia BHYT.
Theo TS. Trần Anh Tuấn – Chủ nhiệm đề tài thì số lượng công chức viên chức theo ngạch của BHXH Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu. Toàn ngành hiện nay mới có 13 chuyên viên cao cấp, 636 chuyên viên chính, 8.302 chuyên viên và tương đương, 3.164 cán sự và tương đương trở xuống. Trong khi đó khối lượng công việc theo chức năng, nhiệm vụ của Ngành ngày càng tăng cả về quy mô, phạm vi, tính chất phức tạp, mức độ bận việc trong tổ chức thực hiện từ Trung ương đến địa phương, với mức tăng khối lượng nhiệm vụ từ 20% đến 30%; Diện bao phủ của chính sách rộng, phát sinh những khó khăn, phức tạp theo từng loại hình bảo hiểm như nợ đọng, chậm đóng, đóng không đầy đủ, trốn đóng,… dẫn đến khối lượng nhiệm vụ các cấp đều tăng.


TS. Trần Anh Tuấn khẳng định, việc xác định số vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức theo ngạch từ đó làm cơ sở xây dựng chỉ tiêu biên chế cần có phù hợp với nhiệm vụ hiện nay của ngành BHXH Việt Nam gắn tỷ lệ tăng đối tượng tham gia BHXH, BHYT BH thất nghiệp hàng năm là cần thiết. 

Đề tài được xây dựng đảm bảo tính thực tiễn, tính khoa học, tính toàn diện và tính hệ thống; kết hợp giữa tính chủ động của các đơn vị cấu thành cơ quan BHXH Trung ương, BHXH tỉnh và BHXH huyện gắn với thẩm quyền quyết định của Bộ Nội vụ và thẩm quyền quản lý đội ngũ công chức, viên chức của BHXH Việt Nam. Bên cạnh đó, việc xác định vị trí việc làm đã tính đến đặc điểm, tính chất đặc thù hoạt động của BHXH Việt Nam và các yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ, chức năng của hệ thống ngành BHXH Việt Nam.

Đề án điều tra, khảo sát thực tế ở 10 tỉnh đại diện cho các vùng miền trên cơ sở khối lượng công việc bình quân 3 năm của từng lĩnh vực và số biên chế đề xuất của lĩnh vực tương ứng, nhiều hội thảo xin ý kiến của các chuyên gia đã được tổ chức. Đề án đã xác định được khung vị trí việc làm của BHXH từ Trung ương đến địa phương với 174 vị trí việc làm ở trung ương, 53 vị trí việc làm ở cơ quan BHXH cấp tỉnh, 13 vị trí việc làm ở BHXH cấp huyện; Biên chế đề xuất của toàn ngành là 22.513; Từ đó xác định được cơ cấu ngạch công chức, viên chức của toàn ngành BHXH.

Tại Hội nghị, Hội đồng thẩm định đã có nhiều ý kiến đánh giá cao về đề án:  Đề án được triển khai bài bản, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước và BHXH Việt Nam và Đề án đã có những đóng góp thiết thực trong việc đề xuất vị trí việc làm, gắn với cơ cấu công chức, viên chức theo ngạch.


Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh: ngành BHXH có khối lượng công việc nhiều, cần có một lượng biên chế ổn định để đảm bảo thực hiện các công việc được giao. Kết quả của Đề án là một căn cứ để xây dựng đội ngũ biên chế của ngành, từ đó tùy vào từng giai đoạn để có sự phân bổ, điều chỉnh hợp lý. Nhằm hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân vào 2014, BHXH cho mọi người lao động vào năm 2020, ngành BHXH cần có đủ lực lượng để đảm bảo phục vụ tốt nhất cho nhân dân. 

Phát biểu tại hội nghị, TS. Trần Văn Tuấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ chỉ rõ: Đề án được xây dựng trong quá trình đưa Luật Cán bộ Công chức vào cuộc sống và thực hiện lộ trình cải cách hành chính để cải cách quản lý bộ máy, cán bộ viên chức; Việc BHXH Việt Nam xây dựng đề án là rất kịp thời và đi tiên phong trong việc xác định vị trí việc làm theo ngạch, đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong việc xây dựng, quản lý công chức, viên chức theo cơ cấu biên chế của ngành BHXH nói riêng và cán bộ công chức nói chung. Kết quả của Đề án đã kết hợp kinh nghiệm của nước ngoài với thực tế ở Việt Nam đưa ra những đề xuất hợp lý và khoa học. Đề án đã mô tả đủ các vị trí việc làm ở BHXH từ trung ương đến địa phương. 

Hội đồng nghiệm thu bỏ phiếu nhất trí Đề tài đạt loại Khá và đã được nghiệm thu.
Nguồn baohiemxahoi.gov.vn
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết trên. Nếu có ý kiến hay góp ý gì, mong bạn vui lòng để lại vài dòng vào ô nhận xét bên dưới. Chúc bạn một ngày vui vẻ!