30 thg 3, 2010

Những đường kẻ thanh lịch


(Xinh xinh) - Đường kẻ tinh nghịch nhưng không kém phần cá tính và sang trọng trên những chiếc áo sơ mi sẽ tạo cho bạn gái công sở vẻ ngoài sành điệu và lịch lãm. Hãy thử nhé!
Kẻ sọc tạo nên nét đẹp mang hơi hướng unisex, nếu bạn chọn màu đỏ hoặc hồng trên nền trắng, sẽ thêm phần trẻ trung, nếu bạn kết hợp cùng 1 chiếc mũ bê rê sẽ cực kỳ lạ và nổi bật.





Sự kết hợp tuyệt vời nhất chính là mix với quần kaki trắng, thêm 1 chiếc thắt lưng nhỏ mảnh cùng tone màu với sọc, bạn sẽ là 1 cô nàng sành điệu đúng chất.







Nếu như kẻ sọc mang đến nét thanh lịch và cứng cáp thì caro lại có phần mềm mại và năng động hơn, 1 chiếc sơ mi thụng mặc cùng với quần kỵ sỹ và giầy cao ngang mắt cá, hoặc cao gót, dép bệt đều rất sành điệu.





Cardigan sẽ cho bạn vẻ cá tính và thêm ấm áp trong những ngày gió mùa.





Với kiểu phục trang này, bạn hãy kết hợp với 1 chiếc túi đai dài to bản, sẽ tuyệt hơn là 1 chiếc xắc nhỏ đấy!





Kẻ sọc đen trắng - 2 gam màu cổ điển và sự kết hợp với khăn lụa nhẹ sẽ mang đến cho bạn phong cách của 1 nữ doanh nhân thành đạt và lịch lãm.









Khi kết hợp với vest và quần âu, đều vô cùng trang nhã và yêu kiều.






Quỳnh Anh
(Theo xinhxinh)
Share:

NGHỊ ĐỊNH SỐ 28/2010/NĐ-CP NGÀY 25 THÁNG 3 NĂM 2010 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH MỨC LƯƠNG TỐI THIỂU CHUNG

Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số 28/2010/NĐ-CP Hà Nội, ngày 25 tháng 3 năm 2010

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2002; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 29 tháng 6 năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Bộ luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2007;
Căn cứ Nghị quyết số 56/2006/NQ-QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006 của Quốc hội khóa XI về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2006 – 2010;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Quy định mức lương tối thiểu chung thực hiện từ ngày 01 tháng 5 năm 2010 là 730.000 đồng/tháng.

Điều 2. Mức lương tối thiểu chung quy định tại Nghị định này áp dụng đối với:

1. Cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội;

2. Đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; đơn vị sự nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; đơn vị sự nghiệp ngoài công lập được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật;

3. Công ty được thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước;

4. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ được tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp;

Điều 3. Mức lương tối thiểu chung quy định tại Nghị định này được dùng làm cơ sở:

1. Tính các mức lương trong hệ thống thang lương, bảng lương, mức phụ cấp lương và thực hiện một số chế độ khác theo quy định của pháp luật ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức quy định tại Điều 2 Nghị định này.

2. Tính trợ cấp kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2010 trở đi đối với lao động dôi dư theo Nghị định số 110/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty nhà nước.

3. Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng tính theo lương tối thiểu chung.

Điều 4. Kinh phí thực hiện mức lương tối thiểu chung quy định tại Nghị định này đối với các đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm từ các nguồn:

1. Tiết kiệm 10% chi thường xuyên (trừ tiền lương và các khoản có tính chất lương) đối với từng cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Đối với các đơn vị sự nghiệp có thu, sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ. Riêng các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành y tế sử dụng tối thiểu 35% số thu để lại theo chế độ (sau khi trừ chi phí thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế).

3. Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ của các cơ quan hành chính có thu.

4. Sử dụng 50% số tăng thu ngân sách địa phương.

5. Ngân sách trung ương bảo đảm:

a) Bổ sung nguồn kinh phí để thực hiện mức lương tối thiểu chung trong trường hợp các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện đúng các quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này nhưng vẫn còn thiếu;

b) Hỗ trợ những địa phương khó khăn, chưa cân đối được nguồn với mức bình quân 2/3 so với mức lương tối thiểu chung đối với người hoạt động không chuyên trách xã, phường, thị trấn, ở thôn và tổ dân phố được xác định theo đúng quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ.

Điều 5. Kinh phí khi thực hiện mức lương tối thiểu chung đối với người lao động làm việc trong các công ty quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 2 do công ty bảo đảm và được hạch toán vào giá thành hoặc chi phí sản xuất kinh doanh.

Điều 6. Trách nhiệm hướng dẫn thi hành

1. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sau khi lấy ý kiến Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại diện người sử dụng lao động và Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu chung cho từng thời kỳ; hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu chung đối với các công ty quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 2 Nghị định này; hướng dẫn tính trợ cấp theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định này đối với người lao động dôi dư theo Nghị định số 110/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007.

2. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu chung đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Nghị định này.

3. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sau khi thống nhất với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện mức lương tối thiểu chung đối với các đối tượng thuộc phạm vi quản lý.

4. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm:

a) Hướng dẫn việc tính toán, cân đối nguồn kinh phí để thực hiện mức lương tối thiểu chung theo quy định tại Điều 4 Nghị định này;

b) Thẩm định và bổ sung kinh phí thực hiện mức lương tối thiểu chung cho các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với các trường hợp quy định tại điểm a khoản 5 Điều 4 Nghị định này và bảo đảm nguồn bổ sung có mục tiêu đối với những địa phương khó khăn theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 4 Nghị định này và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 5 năm 2010.

Các quy định nêu tại Nghị định này được tính hưởng từ ngày 01 tháng 5 năm 2010.

2. Bãi bỏ Nghị định số 33/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu chung.

3. Thay thế khoản 1 Điều 3 Nghị định số 97/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động như sau:

“1. Doanh nghiệp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 1 Nghị định này áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định tại Điều 2 Nghị định này để tính đơn giá tiền lương.

Đối với doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này bảo đảm các điều kiện quy định tại Điều 4 Nghị định số 206/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương, thu nhập trong các công ty nhà nước thì được áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm không quá 1,1 lần so với mức lương tối thiểu chung; trường hợp bảo đảm các điều kiện quy định tại Điều 4 Nghị định số 206/2004/NĐ-CP và có lợi nhuận kế hoạch cao hơn từ 5% trở lên so với lợi nhuận thực hiện của năm trước liền kề thì áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm tối đa không quá 1,7 lần so với mức lương tối thiểu chung để tính đơn giá tiền lương”.

Điều 8. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng

Share:

NGHỊ ĐỊNH SỐ 29/2010/NĐ-CP Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc

Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số 29/2010/NĐ-CP Hà Nội, ngày 25 tháng 3 năm 2010

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Bộ Luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2002; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 29 tháng 11 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Bộ luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2007;
Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với các đối tượng sau đây:

1. Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng.

2. Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009, Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2003 và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 1998 của Chính phủ đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng.

3. Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; người đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 04 tháng 8 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng.

4. Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 130/CP ngày 20 tháng 6 năm 1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13 tháng 10 năm 1981 của Hội đồng Bộ trưởng.

5. Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng quy định tại Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Từ ngày 01 tháng 5 năm 2010, tăng thêm 12,3% mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với các đối tượng quy định tại Điều 1 Nghị định này.

Điều 3. Kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng áp dụng đối với các đối tượng quy định tại Điều 1 Nghị định này được quy định như sau:

1. Ngân sách nhà nước bảo đảm đối với các đối tượng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 10 năm 1995, hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 04 tháng 8 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ, hưởng lương hưu theo Nghị định số 159/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ và hưởng trợ cấp hàng tháng quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 1 Nghị định này.

2. Quỹ bảo hiểm xã hội bảo đảm đối với các đối tượng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 10 năm 1995 trở đi, kể cả đối tượng đang hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009, Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2003 và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 1998 của Chính phủ.

Điều 4.

1. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 1 Nghị định này.

2. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc điều chỉnh trợ cấp hàng tháng đối với đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định này.

3. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc điều chỉnh trợ cấp hàng tháng đối với đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định này.

4. Bộ Tài chính có trách nhiệm bảo đảm kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng đối với các đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm.

5. Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm thực hiện việc điều chỉnh, chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với các đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 1 Nghị định này.

Điều 5. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 5 năm 2010.

Các đối tượng quy định tại Điều 1 Nghị định này được tính hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng từ ngày 01 tháng 5 năm 2010.

Điều 6. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng

Share:

CÔNG VĂN SỐ 665/LĐTBXH-BHXH về phụ cấp khu vực

CÔNG VĂN SỐ 665/LĐTBXH-BHXH NGÀY 9 THÁNG 3 NĂM 2010 CỦA BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI VỀ VIỆC THỰC HIỆN PHỤ CẤP KHU VỰC

Kính gửi: Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận được ý kiến phản ánh của một số địa phương và của cử tri tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII về việc thực hiện phụ cấp khu vực đối với người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bao gồm phụ cấp khu vực chưa hưởng lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội một lần mà bị chết từ ngày 01/01/2007 trở về sau. Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:

Việc thực hiện phụ cấp khu vực đối với người hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội một lần, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng, được thực hiện theo Nghị định số 122/2008/NĐ-CP ngày 04/12/2008 của Chính phủ và Thông tư số 03/2009/TT-BLĐTBXH ngày 22/01/2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Theo đó, người lao động nghỉ việc đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần kể từ ngày 01/01/2007 trở đi, mà trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bao gồm phụ cấp khu vực, thì ngoài hưởng lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội một lần theo quy định còn được hưởng trợ cấp một lần tương ứng với thời gian và số tiền phụ cấp khu vực đã đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, theo phản ánh của cử tri và một số địa phương trong quá trình thực hiện gặp vướng mắc đối với người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bao gồm phụ cấp khu vực nhưng chưa hưởng lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội một lần mà bị chết từ ngày 01/01/2007 trở về sau.

Để đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội và tương quan giữa các nhóm đối tượng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố giải quyết để thân nhân của người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bao gồm phụ cấp khu vực nhưng chưa hưởng lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội một lần mà bị chết từ ngày 01/01/2007 trở về sau thì ngoài trợ cấp tuất theo quy định còn được hưởng khoản trợ cấp một lần tương ứng với thời gian và số tiền phụ cấp khu vực đã đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 mục II Thông tư số 03/2009/TT-BLĐTBXH nêu trên./.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Phạm Minh Huân

Share:

10 thg 3, 2010

Thông tư 19/2010/TT-BTC về phí cấp, đổi thẻ BHYT

http://www.bhxhdanang.gov.vn/Pictures/hdthe.jpg



BỘ TÀI CHÍNH

-----------

Số: 19/2010/TT-BTC

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-----------------------------------

Hà Nội, ngày 03 tháng 02 năm 2010

THÔNG TƯ

Về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý
và sử dụng phí cấp lại và đổi thẻ bảo hiểm y tế


Căn cứ Luật Bảo hiểm y tế;

Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;

Căn cứ Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06/3/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Sau khi có ý kiến của Bộ Y tế tại Công văn số 8810/BYT-BH ngày 15/12/2009;

Bộ Tài chính quy định về phí cấp lại thẻ, đổi thẻ bảo hiểm y tế, như sau:

Điều 1.

1. Phí cấp lại thẻ bảo hiểm y tế là khoản thu đối với người tham gia bảo hiểm y tế sau khi đã tiếp nhận thẻ bảo hiểm y tế từ cơ quan quản lý bảo hiểm y tế mà làm mất, nay được cấp lại.

2. Phí đổi thẻ bảo hiểm y tế là khoản thu đối với người tham gia bảo hiểm y tế sau khi đã tiếp nhận thẻ bảo hiểm y tế từ cơ quan quản lý bảo hiểm y tế mà làm rách, hỏng, nay được đổi lại.

3. Không thu phí trong trường hợp đổi lại thẻ do thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu hoặc có sai sót về thông tin ghi trên thẻ do cơ quan đơn vị lập danh sách người tham gia bảo hiểm gây ra.

Điều 2.

Mức thu phí cấp lại, đổi thẻ bảo hiểm y tế quy định như sau:

1. Phí cấp lại thẻ bảo hiểm y tế: 4.000 đồng/thẻ;

2. Phí đổi thẻ bảo hiểm y tế: 2.000 đồng/thẻ.

Điều 3.

Cơ quan có chức năng, nhiệm vụ về cấp, cấp lại, đổi thẻ bảo hiểm y tế là cơ quan thu phí cấp lại, đổi thẻ bảo hiểm y tế theo quy định tại Thông tư này sau đây gọi là cơ quan thu phí).

Điều 4.

Phí cấp lại, đổi thẻ bảo hiểm y tế thu được là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước, được quản lý, sử dụng như sau:

1. Cơ quan thu phí được trích 90% (chín mươi phần trăm) số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho việc thẩm định, xác minh và thu phí theo nội dung chi cụ thể sau đây:

a) Chi thanh toán cho cá nhân trực tiếp thực hiện thẩm định, xác minh và thu phí: tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, các khoản đóng góp theo quy định được tính trên tiền lương (trừ chi phí tiền lương cho cán bộ, công chức đã hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo chế độ quy định), bồi dưỡng làm thêm ngoài giờ theo quy định của pháp luật cho cán bộ, lao động của cơ quan thu phí;

b) Chi cho công tác xác minh, kiểm tra, đối chiếu hồ sơ cấp lại, đổi thẻ bảo hiểm y tế.

c) Chi phí phục vụ trực tiếp cho việc thẩm định, thu phí như: tìm kiếm dữ liệu, văn phòng phẩm, vật tư văn phòng, thông tin liên lạc, điện, nước, cập nhật cơ sở dữ liệu in thẻ bảo hiểm y tế theo tiêu chuẩn, định mức hiện hành;

d) Chi mua sắm vật tư, nguyên liệu và các khoản chi khác liên quan trực tiếp đến việc thẩm định, xác minh và thu phí;

đ) Chi khen thưởng, phúc lợi cho cán bộ, nhân viên trực tiếp thực hiện công việc xác minh, thẩm định và thu phí trong đơn vị theo nguyên tắc bình quân một năm, một người tối đa không quá 3 (ba) tháng lương thực hiện nếu số thu năm nay cao hơn năm trước và tối đa bằng 2 (hai) tháng lương thực hiện nếu số liệu năm nay thấp hơn hoặc bằng năm trước, sau khi đảm bảo các chi phí quy định tại điểm a, b, c, d khoản này.

e) Hàng năm, cơ quan thu phí phải quyết toán thu chi theo thực tế. Sau khi quyết toán đúng chế độ, số tiền phí chưa chi trong năm được phép chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định. Tiền phí trích cho cơ quan thu phí để trang trải chi phí cho việc thẩm định, xác minh và thu phí không phản ánh vào ngân sách nhà nước.

2. Tổng số tiền phí thực thu được, sau khi trừ số tiền được trích theo tỷ lệ quy định tại khoản 1 Điều này, số còn lại (10%) cơ quan thu phí phải nộp vào ngân sách nhà nước theo chương, loại, khoản, mục, tiểu mục tương ứng của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

Điều 5.

Các nội dung khác liên quan đến việc đăng ký, kê khai, thu, nộp, quản lý, sử dụng, công khai chế độ thu phí cấp lại, đổi thẻ bảo hiểm y tế không đề cập tại Thông tư này được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 63/2002 TT-BTC ngày 24/7/2002; Thông tư số 45/2006 TT-BTC ngày 25/5/2006 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí và Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế.

Điều 6.

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung./.

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

(đã ký)

Đỗ Hoàng Anh Tuấn

Share:

Ngày 8/3, Hãy nói với Mẹ rằng "Mẹ ơi, Mẹ ơi, Mẹ có biết hay không ?"




Ngày 8/3 là ngày để ta nhớ về những người phụ nữ yêu quý quanh ta. Đó là người vợ, người chị, người em... Và một người mà bạn không thể không nhớ đến, đó là NGƯỜI MẸ. Cho dù Mẹ có còn hay đã mất thì Mẹ vẫn mãi mãi bên ta! Ngày 8/3 xin bạn hãy cùng tôi hát lên bài ca về NGƯỜI MẸ bạn nhé. Chắc chẳng hạnh phúc nào hơn khi ta còn có Mẹ trên đời này!


Nghi thức "Bông Hồng Cài Áo" thường được tổ chức trong ngày Lễ Vu Lan ở các ngôi chùa Việt Nam hằng năm để tưởng nhớ những bà mẹ đã khuất và vinh danh những bà mẹ còn tại thế với con cháu. Trong nghi thức đó, các em Phật Tử, với hai giỏ hoa hồng, màu đỏ và màu trắng, sẽ đến cài hoa lên áo từng người dự lễ.

Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng.

Đây là một nghi thức thật dễ thương, nhiều ý nghĩa và rất hữu hiệu trong việc giáo dục đại chúng về lòng hiếu thảo và tình người. Nghi thức Bông hồng cài áo đó được giới thiệu đến người Việt từ một cuốn sách cùng tên của thày Nhất Hạnh được viết vào tháng 8, 1962 và sau đó, được phổ thông hóa nhờ bản nhạc, cũng cùng tên cùa nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ.

Qua đây, tôi xin cung cấp đến các bạn một vài thông tin liên quan đến bài hát Bông Hồng Cài Áo:

Bông Hồng Cài Áo

Vietsciences-Thích Nhất Hạnh 03/05/05


Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không "lớn" lên được. Cằn cỗi , héo mòn. Ngày mẹ tôi mất, tôi viết trong nhật ký: Tai nạn lớn nhất đã xẩy ra cho tôi rồi! Lớn đến mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi. Những bài hát, bài thơ ca tụng tình mẹ bài nào cũng dễ, cũng hay. Người viết dù không có tài ba, cũng có rung cảm chân thành; người hát ca, trừ là kẻ không có mẹ ngay từ thuở chưa có ý niệm, ai cũng cảm động khi nghe nói đến tình mẹ. Những bài hát ca ngợi tình mẹ đâu cũng có, thời nào cũng có. Bài thơ mất mẹ mà tôi thích nhất, từ hồi nhỏ, là một bài thơ rất giản dị. Mẹ đang còn sống, nhưng mỗi khi đọc bài thơ ấy thì sợ sệt, lo âu.... sợ sệt lo âu một cái gì còn xa, chưa đến, nhưng chưa chắc chắn phải đến :

Năm xưa tôi còn nhỏ
Mẹ tôi đã qua đời !
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận trẻ mồ côi.

Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
Để dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi...

Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
Mất cả một bầu trời.

Một bầu trời thương yêu dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay, để hôm nay bừng tỉnh thì thấy đã mất rồi. Người nhà quê Việt nam không ưa cách nói cao kỳ. Nói rằng bà mẹ già là kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc thì cũng đã là cao kỳ rồi. Nói mẹ già là một thứ chuối, một thứ xôi, một thứ đường ngọt dịu, người dân quê đã diễn tả được tình mẹ một cách vừa giản dị vừa đúng mức :

Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp mt, như đường mía lau.

Ngon biết bao ! Những lúc miệng vừa đắng vừa nhạt sau một cơn sốt, những lúc như thế thì không có món ăn gì có thể gợi được khẩu vị của ta. Chỉ khi nào mẹ đến, kéo chăn đắp lên ngực cho ta, đặt bàn tay (Bàn tay ? hay là tơ trời đâu la miên ?) trên trán nóng ta và than thở "khổ chưa, con tôi ", ta mới cảm thấy đầy đủ, ấm áp, thấm nhuần chất ngọt của tình mẹ, ngọt thơm như chuối ba hương, dịu như xôi nếp mt, và đậm đà lịm cả cổ họng như đường mía lau. Tình mẹ thì trường cửu, bất tuyệt; như chuối ba hương, đường mía lau, xôi nếp một ấy không bao giờ cùng tận.

Công cha như núi Thái sơn,
nghĩa mẹ như nước trong nguồn chy ra .

Nước trong nguồn chảy ra thì bất tuyệt. Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm yêu thương. Mẹ là giáo sư dạy về yêu thương, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời. Không có mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu. Nhờ mẹ mà tôi được biết tình nhân loại, tình chúng sinh ; nhờ mẹ mà tôi biết được thế nào là tình nhân loại, tình chúng sinh ; nhờ mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi. Vì mẹ là gốc của tình thương, nên ý niệm mẹ lấn trùm ý thương yêu của tôn giáo vốn dạy về tình thương.

Đạo Phật có đức Quan Thế Âm, tôn sùng dưới hình thức mẹ. Em bé vừa mở miệng khóc thì mẹ đã chạy tới bên nôi. Mẹ hiện ra như một thiên thần dịu hiền làm tiêu tan khổ đau lo âu. Đạo Chúa có đức Mẹ, thánh nữ đồng trinh Maria. Trong tín ngưỡng bình dân Việt có thánh mẫu Liễu Hạnh, cũng dưới hình thức mẹ. Bởi vì chỉ cần nghe đến danh từ Mẹ, ta đã thấy lòng tràn ngập yêu thương rồi. Mà từ yêu thương tín ngưỡng và hành động thì không xa chi mấy bước.

Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ ( Mother's Day ) ngày chúa nhật thứ nhì của tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong xắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng.

Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi không có được cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan.

Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món qùa lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Đừng có đợi đến khi mẹ chết rồi mới nói: "trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào nhìn kỹ được mặt mẹ!". Lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua. Trao đổi vài câu ngắn ngủi. Xin tiền ăn quà. Đòi hỏi mọi chuyện. Ôm mẹ mà ngủ cho ấm. Giận dỗi. Hờn lẫy. Gây bao nhiêu chuyện rắc rối cho mẹ phải lo lắng, ốm mòn, thức khuya dậy sớm vì con. Chết sớm cũng vì con. Để mẹ phải suốt đời bếp núc, vá may, giặt rửa, dọn dẹp. Và để mình bận rộn suốt đời lên xuống ra vào lợi danh. Mẹ không có thì giờ nhìn kỹ con. Và con không có thì giờ nhìn kỹ mẹ. Để khi mẹ mất mình có cảm nghĩ: "Thật như là mình chưa bao giờ có ý thức rằng mình có mẹ!"

Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc ở sở về, em hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi em sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang còn sống và đang ngồi bên em. Cầm tay mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Em hỏi: " Mẹ ơi, mẹ có biết không ?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ hỏi em, vừa hỏi vừa cười "Biết gì?" Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, em sẽ nói: "Mẹ có biết là con thương mẹ không ?" Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù người lớn ba bốn mươi tuổi ngừơi cũng có thể hỏi một câu như thế, bởi vì người là con của mẹ. Mẹ và em sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Mẹ và em sẽ đều trở thành bất diệt và ngày mai, mẹ mất, em sẽ không hối hận, đau lòng.

Ngày Vu Lan ta nghe giảng và đọc sách nói về ngài Mục Kiền Liên và về sự hiếu đễ. Công cha, nghĩa mẹ. Bổn phận làm con. Ta lạy Phật cầu cho mẹ sống lâu. Hoặc lạy mười phương Tăng chú nguyện cho mẹ được tiêu diêu nơi cực lạc, nếu mẹ đã mất. Con mà không có hiếu là con bỏ đi. Nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có; không có tình thương hiếu chỉ là giả tạo, khô khan, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ rồi. Cần chi nói đến bổn phận. Thương mẹ, như vậy là đủ. Mà thương mẹ không phải là một bổn phận.

Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên. Như khát thì uống nước. Con thì phải có mẹ, phải thương mẹ. Chữ phải đây không phải là luân lý, là bổn phận. Phải đây là lý đương nhiên. Con thì đương nhiên thương mẹ, cũng như khát thì đương nhiên tìm nước uống. Mẹ thương con, nên con thương mẹ. con cần mẹ, mẹ cần con. Nếu mẹ không cần con, con không cần mẹ, thì đó không phải là mẹ là con. Đó là lạm dụng danh từ mẹ con. Ngày xưa thầy giáo hỏi rằng: "Con mà thương mẹ thì phải làm thế nào?" Tôi trả lời: "Vâng lời, cố gắng, giúp đỡ, phụng dưỡng lúc mẹ về già và thờ phụng khi mẹ khuất núi". Bây giờ thì tôi biết rằng: Con thương mẹ thì không phải "làm thế nào" gì hết. Cứ thương mẹ, thế là đủ lắm rồi, đủ hết rồi, cần chi phải hỏi " làm thế nào " nữa!

Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ. Mẹ như suối ngọt, như đường mía lau, như xôi nếp một. Anh không hưởng thụ thì uổng cho anh. Chị không hưởng thụ thì thiệt hại cho chị. Tôi chỉ cảnh cáo cho anh chị biết mà thôi. Để mai này anh chị đừng có than thở rằng: Đời ta không còn gì cả. Một món quà như mẹ mà còn không vừa ý thì họa chăng có làm Ngọc hoàng Thượng đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng. Nhưng tôi biết Ngọc hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ.

Tôi kể chuyện này, anh đừng nói tôi khờ dại. Đáng nhẽ chị tôi không đi lấy chồng, và tôi, tôi không nên đi tu mới phải. Chúng tôi bỏ mẹ mà đi, người thì theo cuộc đời mới bên cạnh người con trai thương yêu, người thì đi theo lý tưởng đạo đức mình say mê và tôn thờ. Ngày chị tôi đi lấy chồng, mẹ tôi lo lắng lăng xăng, không tỏ vẻ buồn bã chi.

Nhưng đến khi chúng tôi ăn cơm trong phòng, ăn qua loa để đợi giờ rước dâu, thì mẹ tôi không nuốt được miếng nào. Mẹ nói: "Mười tám năm trời nó ngồi ăn cơm với mình, bây giờ nó ăn bữa cuối cùng rồi thì nó sẽ đi ăn ở một nhà khác". Chị tôi gục đầu xuống mâm khóc. Chị nói: "Thôi con không lấy chồng nữa". Nhưng rốt cuộc thì chị cũng đi lấy chồng. Còn tôi thì bỏ mẹ mà đi tu. "Cắt ái từ thân" là lời khen ngợi người có chí xuất gia. Tôi không tự hào chi về lời khen đó cả. Tôi thương mẹ, nhưng tôi có lý tưởng, vì vậy phải xa mẹ. Thiệt thòi cho tôi, có thế thôi. Ở trên đời, có nhiều khi ta phải chọn lựa. Mà không có sự chọn lựa nào mà không khổ đau. Anh không thể bắt cá hai tay. Chỉ khổ là vì muốn làm người nên anh phải khổ đau. Tôi không hối hận vì bỏ mẹ đi tu nhưng tôi tiếc và thương cho tôi vô phúc thiệt thòi nên không được hưởng thụ tất cả kho tàng qúi báu đó. Mỗi buổi chiều lạy Phật, tôi cầu nguyện cho mẹ. Nhưng tôi không được ăn chuối ba hương, xôi nếp một và đường mía lau.

Anh cũng đừng tưởng tôi khuyên anh: "Không nên đuổi theo sự nghiệp mà chỉ nên ở nhà với mẹ!". Tôi đã nói là tôi không khuyên răn gì hết -- tôi không giảng luân lý đạo đức -- rồi mà! Tôi chỉ nhắc anh: "Mẹ là chuối, là xôi, là đường, là mật, là ngọt ngào, là tình thương". Để chị đừng quên, để em đừng quên. Quên là một lỗi lớn : Cũng không phải là lỗi nữa, mà là một sự thiệt thòi. Mà tôi không muốn anh chị thiệt thòi, khờ dại mà bị thiệt thòi. Tôi xin cài vào túi áo anh một bông hoa hồng: để anh sung sướng, thế thôi.

Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên anh, như thế này. Chiều nay, khi đi học hoặc đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ, để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi: "Mẹ ơi, mẹ có biết không?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ nhìn anh, vừa cười vừa hỏi: "Biết gì?" Vẫn nhìn vào mắt mẹ, giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp: "Mẹ có biết là con thương mẹ không?" Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi, thì anh cũng hỏi một câu ấy. Bởi vì anh, bởi vì chị, bởi vì em là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Và ngày mai mất mẹ, Anh sẽ không hối hận, đau lòng , tiếc rằng anh không có mẹ.

Đó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Đóa hoa mầu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi.

(1962)

Trích trang http://www.thuvienhoasen.org/


Tác giả ca khúc Bông hồng cài áo không còn nữa !


Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ và ca sĩ Đăng Lan trong một chương trình ca nhạc của Viện đại học Vạn Hạnh năm 1969. Ảnh: TƯ LIỆU
3 giờ sáng ngày 16.1.2009, trái tim của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã ngừng đập sau chuỗi ngày dài nằm trên giường bệnh. Sự ra đi của người nhạc sĩ tài hoa này đã gây xúc động cho nhiều người, nhất là những ai đã từng yêu mến ca khúc Bông hồng cài áo...

Tuy Bông hồng cài áo ra đời cách đây hơn 40 năm, nhưng ca khúc này vẫn hết sức thân thiết với công chúng, nhất là mỗi dịp Vu lan hằng năm. Và dù không có cuộc bầu chọn nào, Bông hồng cài áo vẫn xứng đáng được liệt vào một trong những bài hát ca ngợi tình mẫu tử tuyệt vời nhất của tân nhạc Việt Nam.

Về hoàn cảnh ra đời của ca khúc này, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ từng tâm sự với người viết: “Năm 1963, do tham gia phong trào đấu tranh của Phật giáo tôi bị chính quyền cũ bắt giam 1 năm tù. Ở trong tù, người tôi nghĩ đến nhiều nhất là mẹ tôi. Cho nên khi ra tù, tình cờ đọc được tập văn xuôi Bông hồng cài áo (của Thích Nhất Hạnh), những tình cảm trìu mến về mẹ lại bùng lên và tôi đã hoàn thành ca khúc Bông hồng cài áo vào năm 1967”.

Tuy lấy ý từ một tập văn xuôi nhưng ca từ của ca khúc này lại rất đậm chất thơ, chất ca dao: “...Mẹ, mẹ là dòng suối dịu hiền. Mẹ, mẹ là bài hát thần tiên. Là bóng mát trên cao, là mắt sáng trăng sao, là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối... Mẹ, mẹ là lọn mía ngọt ngào. Mẹ, mẹ là nải chuối buồng cau. Là tiếng dế đêm thâu, là nắng ấm nương dâu, là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời...”. Ai đã từng hát ca khúc này, nghĩ về mẹ, mà chẳng rưng rưng ngấn lệ.

Tôi có vài lần đến thăm nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ ở cư xá Vĩnh Hội (Q.4, TP.HCM), lần nào sự xúc động mạnh mẽ cũng nguyên vẹn khi chứng kiến những gì đựng trong chiếc hộp nhỏ bằng tre đan hình quả trám: đó là bài thơ Khóc mẹ do nhạc sĩ sáng tác nhân ngày thân mẫu ông từ trần, một mảnh băng tang ghim áo màu đen và... một ống cối bằng đồng ngày xưa cụ bà đã dùng để ngoáy trầu. Chừng đó thôi cũng đủ nói lên tấm lòng thảo hiếu của một người con... Nhạc sĩ kể: “Tôi có may mắn là làm được bài hát ca tụng tình mẹ trong thời gian mẹ tôi còn sống.

Có nhiều lần mẹ tôi dắt cháu nội đi dạo chơi và về nhà rất muộn. Cả nhà lo lắng, hỏi han thì mẹ trả lời: “Đang tính về thì máy thu thanh nhà ai đó phát bài Bông hồng cài áo của con, mẹ bỏ về không đành!”.

Không chỉ có Bông hồng cài áo, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ còn có nhiều ca khúc để đời khác. Đó là những ca khúc được viết trong thời kỳ đất nước chiến tranh nghiệt ngã nhưng ông vẫn thể hiện sự lạc quan, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc, của đất nước bằng cách phổ vào nhạc của mình những làn điệu luyến láy, mượt mà phảng phất âm hưởng dân ca và đầy dân tộc tính (ông thích dùng cung Trưởng tươi vui, rộn ràng): Đường về hai thôn, Vườn dâu lá mới, Thắm đượm duyên quê, Thương quá Việt Nam, Rạng đông trên quê hương Việt Nam, Hoa vẫn nở trên đường quê hương...

Trong phong trào đấu tranh của SV-HS miền Nam, rất nhiều người đã từng hát: “Người đã đi trên non cao, nay đã về trên đồng ruộng sâu, nay đã về trên thành phố mới. Cả tuổi xuân dâng cho quê hương, đem máu mình nuôi lại tình thương, đem máu mình nuôi lại hòa bình...” - những ca từ trong Người về thành phố của Phạm Thế Mỹ như những lời tiên tri khi kết thúc cuộc chiến.

Năm 1968, chỉ duy nhất Phạm Thế Mỹ là nhạc sĩ ở miền Nam dám viết ca khúc tố cáo tội ác của trung đội lính Mỹ do trung úy William Calley chỉ huy đã thảm sát hơn 500 người già, phụ nữ và trẻ em ở làng Mỹ Lai (Quảng Ngãi): “Cả khắp mọi nơi xót xa vô cùng. Cả nước Việt Nam đớn đau vô cùng. Chuyện Calley bắn mẹ giữa ngọn đồi. Mẹ van xin, cúi lạy người từng người. Tội tình gì đâu, mẹ già lạy xin mà chúng vẫn giết. Nhưng đâu phải chỉ một người.

Đâu phải một làng. Đâu phải mình anh là kẻ sát nhân. Đâu phải một làng bị anh giết sạch, mà là rất nhiều. Nhiều kẻ sát nhân đã giết rất nhiều, nhiều người Việt Nam, trẻ nhỏ Việt Nam, mẹ già Việt Nam. Tội tình gì đâu trẻ nhỏ Việt Nam. Tội tình gì đâu mẹ già Việt Nam. Hỡi Calley? Hỡi Johnson? Hỡi Nixon? (Đâu chỉ một người, đâu chỉ một làng – Phạm Thế Mỹ).

Xin thành kính đốt một nén nhang tưởng nhớ một trái tim nhân hậu, hiếu đễ với cha mẹ, thuận thảo với anh em bạn bè..., một trái tim dịu dàng để yêu thương quê hương, đất nước nhưng khi cần thiết cũng sục sôi dũng khí... Vĩnh biệt ông, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ!

Đình Nguyên (Thanh Niên)


Share: