5 thg 5, 2021

TRÁCH NHIỆM AN SINH XÃ HỘI CỦA DOANH NGHIỆP

 



(Lễ Ký kết Quy chế phối hợp giai đoạn 2017 - 2022 giữa BHXH Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát – Bộ Công an)

Trong hệ thống an sinh xã hội (ASXH), BHXH, BHYT là trụ cột chính, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng, một công cụ đắc lực của Nhà nước nhằm mục đích chăm lo, bảo vệ và phát triển con người, vì sự tiến bộ và công bằng xã hội. Nghị quyết số 28-NQ/TW ban hành ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng được đánh giá là có những nội dung cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tiến bộ, tiệm cận với các tiêu chuẩn về ASXH trong các Công ước và Khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Nghị quyết số 28-NQ/TW tiếp tục khẳng định quan điểm: “BHXH là một trụ cột chính của hệ thống ASXH trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước”.

Thực hiện ASXH là một nội dung cơ bản và tất yếu trong trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nó xuất phát từ chính nhu cầu tồn tại và phát triển của doanh nghiệp và được quy định bằng pháp luật của Nhà nước chứ không phải chỉ là sự trợ giúp, các hoạt động thiện nguyện của doanh nghiệp đối với các thành viên kém may mắn trong xã hội. Về trách nhiệm ASXH bắt buộc, hiện nay còn nhiều DN chưa thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động theo quy định của pháp luật.

Theo số liệu của BHXH Việt Nam, thời điểm tháng 10/2019, cả nước có 610.000 DN hoạt động nhưng chỉ có 327.000 DN tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Như vậy, còn khoảng 283.000 DN chưa tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động; số người tham gia BHXH mới đạt hơn 16 triệu người (chiếm khoảng 32,6% lực lượng trong độ tuổi). Như vậy, cả nước còn hơn 30 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm khoảng 67,4% lực lượng lao động chưa tham gia BHXH. Tình trạng nhiều doanh nghiệp chưa tham gia BHXH, BHYT cho người lao động như trên đã gây nhiều khó khăn cho việc cân bằng quỹ BHXH và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Trong số những doanh nghiệp này, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỉ lệ khá cao. Thông thường các doanh nghiệp trốn đóng BHXH thường nêu lý do là việc kinh doanh không thuận lợi, nhiều loại chi phí tăng cao khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đóng BHXH, BHYT cho người lao động. Bên cạnh việc nhiều doanh nghiệp không đóng BHXH, BHYT thì tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT còn khá phổ biến, với tổng số tiền nợ trong cả nước đến tháng 02/2021 khoảng 46.297 tỷ đồng. Cùng với đó, việc xử lý đối với đơn vị, doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động... vẫn còn khó khăn, vướng mắc.

Thực tế cho thấy các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN nói trên là hành vi vi phạm Hiến pháp về quyền con người và đã gây hậu quả nghiêm trọng, không chỉ thiệt hại về vật chất, ảnh hưởng đến quỹ BHXH, BHYT, BHTN mà còn gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động; cụ thể:

- Ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động: Người lao động không được tham gia BHXH, BHYT, BHTN hoặc tham gia không đầy đủ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN, ảnh hưởng đến ASXH và trật tự an toàn xã hội.

- Làm thất thoát quỹ BHXH, BHYT, BHTN, ảnh hưởng đến an toàn, cân đối quỹ BHXH, BHYT trong ngắn hạn và dài hạn: quỹ BHXH, BHYT, BHTN hình thành trên cơ sở đóng góp của người sử dụng lao động và người lao động, bảo đảm chi trả chế độ BHXH, BHYT cho người tham gia trên nguyên tắc chia sẻ rủi ro. Việc không thực hiện nghĩa vụ đóng hoặc nợ BHXH, BHYT kéo dài ảnh hưởng đến nguồn thu của quỹ BHXH, BHYT, BHTN, không bảo đảm khả năng chi trả của quỹ, gây mất cân đối quỹ.

- Ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật và mục tiêu của các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ban hành ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ khó đạt được nếu không có biện pháp buộc chủ sử dụng lao động tuân thủ nghiêm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.

Chính vì vậy, có thể khẳng định rằng, dù bất kỳ lý do nào thì chủ sử dụng lao động vẫn phải có trách nhiệm đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ cho người lao động, vì đây là quy định bắt buộc. Ngoài việc quan tâm đến lợi nhuận, doanh nghiệp cần phải chú trọng nâng cao mức sống và chất lượng sống cho người lao động vì cho người lao động là một trong những nhân tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đặc biệt, chú trọng đến các chính sách ASXH đối với người lao động. Các doanh nghiệp cần nhìn nhận trách nhiệm ASXH đối với cho người lao động như một ưu thế để thu hút và trọng dụng nhân tài. Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, thực hiện tốt trách nhiệm ASXH với người lao động đồng nghĩa với việc sẽ khẳng định được thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp. Đồng thời khi quyền lợi BHXH, BHYT, BHTN của người lao động được bảo đảm thì năng suất lao động được nâng cao, thu hút được nhân tài.

Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, việc khắc phục tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN để đảm bảo quyền lợi của người lao động không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành BHXH mà còn là của cả hệ thống chính trị các cấp. Để thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, BHTN cần sự quan tâm chỉ đạo, tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong việc phối hợp tổ chức thực hiện nhằm tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành động của các bên, nhất là các doanh nghiệp thì mới có thể thực hiện được những mục tiêu ASXH đề ra. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật lao động, BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động và người sử dụng lao động cần được chính quyền địa phương và các ngành chức năng quan tâm hơn nữa. Tiếp đến là việc tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định liên quan đến thực hiện an sinh xã hội quy định tại Bộ Luật lao động, Luật BHXH, Luật BHYT và các Luật có liên quan khác; cương quyết xử phạt vi phạm hành chính và xem xét xử lý hình sự đối với các doanh nghiệp cố tình chây ì, không khắc khắc phục nợ đọng và trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động theo quy định tại Điều 216 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017)./.

 (bài và ảnh: Đặng Hồng Quang)

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết trên. Nếu có ý kiến hay góp ý gì, mong bạn vui lòng để lại vài dòng vào ô nhận xét bên dưới. Chúc bạn một ngày vui vẻ!