7 thg 12, 2009

Quãng đời xưa in dấu

http://www.nurseweek.com/features/97-2/love1.jpg

TP - Đã lâu rồi tôi có một thói quen: Ngâm mình trong bồn tắm mặc cho “bọt biển” dập dềnh mơn man da thịt, nhắm mắt nhớ lại các việc đã làm của một ngày trong tiếng nhạc khe khẽ của bản serenade buồn dìu dịu.

Giữa lúc tôi chìm vào cảm giác mãn nguyện, hài lòng với những gì mình có thì ở ngoài, chồng tôi đang dạo quanh căn biệt thự nhỏ. Anh đã giảm số đo cái bụng hơi phệ được vài phân, nhưng vẫn không thắt dây lưng được mà phải mặc quần dải treo lên vai. Vung tay chân, anh làm các động tác thư giãn dọc lối đi nhỏ rải sỏi trong vườn hoa kiểng và hít thở khí trời lúc đêm về. Anh có thói quen này từ khi đứa con gái duy nhất của chúng tôi sang Pháp du học. Tôi biết, chồng tôi cũng đầy kiêu hãnh, tự mãn với những gì mình đang tận hưởng.

Bạn bè bảo tôi may mắn, được chồng chiều chuộng, thương yêu. Chồng tôi là nhà sưu tập tranh, có gallery ở ngay mặt tiền một đường phố lớn. Tranh của tôi cũng bán được. Chồng tôi chẳng phải là họa sỹ, nhưng thẩm tranh không đến nỗi nào. Anh là một người nhanh nhẹn, nắm bắt được thị hiếu người giàu. Nhìn tranh của các họa sỹ, anh biết cái nào bán được cái nào không. Chồng tôi có thể mua rẻ của họ và bán đắt cho người nước ngoài, người giàu trong nước. Anh lại có tài tranh thầu, thu gom, đặt vẽ, cung cấp hàng loạt tranh cho các cơ quan nhà nước hoặc khách sạn lớn mới xây dựng muốn trang trí nội thất. Suốt ngày, chồng tôi bận rộn với việc mua bán tranh; vậy mà trừ những khi phải tiếp khách làm ăn, còn bận đến mức nào anh cũng thu xếp về sớm, ăn bữa cơm tối với vợ.

Nhưng tối nay, chồng tôi về muộn. Con bé trực gallery gọi điện thoại biểu, có khách muốn mua bức tranh Biên giới lúc hoàng hôn của tôi. Bức tranh có trận địa cao xạ pháo 37 ly hai nòng lúc mặt trời xuống ở biên giới Tây Nam. Mấy cây thốt nốt rũ lá, một cây bị mảnh đại bác phạt cụt ngọn đứng như trời trồng gần công sự trận địa đen thẫm in lên chân trời đang hồng rực. Mấy anh lính pháo thủ cầm mũ sắt ngồi nghỉ bên công sự đất đỏ nâu lở loét, nham nhở vì đạn pháo địch... Tôi vẽ bức tranh nầy từ cuối năm 1978 ở biên giới Tây Nam.

Con bé sụt sịt khóc:

- Con đã giải thích nhiều lần là bức tranh chỉ bày chớ không bán. Tác giả không hề có ý định kiếm tiền từ bức tranh. Nhưng người khách không chịu, nói: không bán, sẽ không rời khỏi phòng trưng bầy.

Tôi bảo:

- Hoạ sỹ mà có được một người yêu tranh như thế là hạnh phúc lắm đó cháu à. Đừng làm cho người ta mếch lòng. Sao cháu không nhẹ nhàng giải thích với khách để họ từ bỏ ý định mua hoặc hướng dẫn họ mua bức tranh khác.

- Nhưng thưa cô. Khách cứ ngồi lỳ ở cạnh bức tranh đến ba giờ đồng hồ. Gần mười giờ đêm, con không đóng cửa phòng tranh được. Khách là một người tật nguyền đi xe lăn nên con không nỡ... Lúc đó thì chú đi nhậu đâu đó về tạt qua. Chú bán liền, được những hai mươi triệu đồng.

Tôi kêu trời kêu đất. Con bé chuyển máy điện thoại cho chồng tôi, tôi bảo anh bằng mọi giá phải giữ bức tranh lại, nhưng anh đã nhận tiền và khách vừa ra khỏi cửa. Tôi sây sẩm mặt mày, hẫng hụt vì đánh mất một kỷ vật vô giá. Vội vàng thay quần áo, tôi lao xe ô tô trên đường đến gallery của mình mà lòng như lửa đốt. Giận chồng không để đâu cho hết. Anh đâu biết bức tranh Biên giới lúc hoàng hôn tôi vẽ từ năm mười bẩy tuổi giữa một trời lửa đạn.

*

* *

...Dạo ấy là mùa khô năm 1978.

Mặt trận biên giới Tây Nam đang đến hồi bỏng rát. Tin thắng trận hàng ngày hàng giờ dội về thành phố, nhưng thương binh cũng chuyển về tuyến sau dồn dập. Nghĩa trang liệt sỹ ở Gò Dầu và Trảng Bàng thêm nhiều mộ mới. Ở Sài Gòn, có lúc sôi lên sùng sục vì cái mùi chiến tranh đã lan về trùm lên thành phố. Nhưng đêm đêm, Sài Gòn vẫn lung linh, êm ả, thanh bình, như không hề có mất mát và chia ly.

Giữa những ngày vừa bình yên và chiến tranh ấy, tôi và mấy bạn sinh viên cùng lớp đáp xe đò, hoà vào dòng người thanh niên xung phong, bộ đội lên biên giới Tây Ninh. Chỉ có điều, chúng tôi không đi chơi, đi cầm súng mà đi thực tế. Hồi đó, chúng tôi đang là sinh viên Cao đẳng Mỹ thuật thành phố.

Ông trung tá, chủ nhiệm chính trị sư đoàn xem giấy giới thiệu xong, bảo:

- Tuần trước có cô nhà báo, nghe đại bác bọn Pôn Pốt bắn sang cứ ôm mặt khóc trong hầm, đến bữa cơm chẳng dám ra ngoài. Tôi chỉ sợ các cô các cậu không chịu nổi bom đạn, ba ngày lại bỏ về thành phố.

Tôi tự ái, muốn phát khóc, van nài:

- Cháu đọc truyện biết, ở ngoài Bắc năm 1970, sinh viên các trường Đại học xếp bút nghiên đi đánh giặc...

Ông trung tá ngắt lời tôi:

- Ghê chưa kìa! Thì tôi cũng trong số sinh viên dạo ấy. Đấy là thời cả nước có chiến tranh, miền Nam miền Bắc, nông thôn rừng rú... đâu đâu cũng bom đạn đỏ trời. Bây giờ, chiến tranh đang trước mặt các cô các cậu đó, nhưng sau lưng là Sài Gòn phồn hoa, rực rỡ, thanh bình... Thôi, để tôi bảo trực ban xếp chỗ nghỉ cho. Lán dã chiến gần đây thôi, cùng khu ở và làm việc của Sư đoàn bộ này.

Mừng quá! Suýt nữa phải trả về thành phố. Dạo ấy, tôi mới mười bẩy tuổi. Tóc xoã ngang vai, trẻ trung, tinh nghịch, tôi ra trận hồn nhiên quá; mà chiến tranh mỗi ngày một lan rộng và ác liệt. Pháo từ bên kia biên giới vẫn vãi xuống sông Vàm Cỏ Đông, rót xuống thị xã Tây Ninh, câu vào Gò Dầu Hạ. Mảnh đại bác cắt ngang cây bần ly, phạt đứt ngọn thốt nốt. Dọc đường biên, phum, ấp bị đốt sạch chỉ còn trơ trọi cột nhà cháy dở đen thui, đứng im không chịu đổ, uất ức chọc lên trời...

Từ Sư đoàn bộ, chúng tôi tỏa đi các ngả, theo các anh chị phóng viên báo Binh đoàn xuống tận các đại đội. Có lúc chớp chảo đến tận tiểu đội đang ở chốt, lấy tư liệu, ký họa ngay ở chiến hào. Phần lớn thời gian đi thực tế, chúng tôi vẽ trong tầm đại bác địch. Tuổi trẻ có sức mạnh riêng của thế hệ mình, chúng tôi không thấy gian khổ, vất vả, mà chỉ có lúc sợ cái chết, sợ bị thương vào mặt hay cụt tay thôi. Nhưng rồi cái sợ hãi cũng qua nhanh vì ở mặt trận biên giới Tây Nam, người ta đều sống như nhau; có nghĩa là nhịp điệu nhanh, mạnh, gấp gáp của chiến trận cuốn chúng tôi theo. Mãi sau này, tôi mới hiểu được vì sao một cô gái sinh viên như tôi đi vẽ ở mặt trận say sưa, hồn nhiên đến thế. Gần một tháng sau, để bảo đảm an toàn cho tổ sinh viên đi thực tế, người ta yêu cầu chúng tôi trở về Sư đoàn bộ vẽ và tổ chức một phòng tranh cho bộ đội lần lượt đến xem.

Tôi còn nhớ rất rõ buổi chiều trước ngày Bộ Tư lệnh Sư đoàn tổ chức “Rút kinh nghiệm giữ chốt”, có một chàng chuẩn uý tóc xoăn xuất hiện ở lán dã chiến Ban Tuyên huấn. Anh cắm cúi viết, vẽ cả sơ đồ có những mũi tên khác màu lên bảng. Gương mặt anh sạm nắng gió biên cương và hình như vương cả mùi thuốc đạn. Có thể anh rất từng trải trong trận mạc và ngày mai anh sẽ báo cáo điển hình.

Chiều hoe hoe nắng. Bóng lá những cây thốt nốt đổ từng đám loang lổ. Rừng biên ải im ắng. Dường như đang có cuộc củng cố trận địa và bổ xung quân của cả hai bên nên đại bác không thấy nổ nữa. Anh ra giếng lấy nước. Giáp mặt tôi, anh giật mình sững sờ:

- Trời ơi! Bông hoa rừng hiếm hoi miền biên ải!

Từ ngữ sặc mùi học trò, có lẽ đây cũng chỉ là một cậu ấm mới rời giảng đường chưa lâu. Tôi nghĩ thế và hất mái tóc xõa, bĩu môi:

- Đây không phải cổng trường đại học. Đừng chọc con gái. Tui hổng chịu đâu.

Anh nhìn tôi đăm đắm, rồi âu yếm:

- Cưng ơi! Em có lúm đồng tiền duyên lắm.

Anh khen làm tôi ấp úng như ngậm hột thị không nói thành lời. Con gái mới lớn lạ thế.

- Tên em là gì?- Anh lại hỏi.

Chưa kịp làm quen đã gọi là cưng, đã khen, đã hỏi tên. Tôi nóng bừng mặt, mắc cỡ, cái mắc cỡ của cô gái mới lớn được người khác giới khen. Tôi lắc đầu, chạy thình thịch về lán dã chiến của mình. Lán vắng lặng. Bọn bạn cùng đi đã xuống đại đội tăng - thiết giáp, vẽ ở đó đã hai ngày chưa về; chỉ có những bức vẽ treo khắp chung quanh cùng bức tranh trên giá tôi đang vẽ dở dang. Tôi lấy gương, đứng một mình lặng lẽ soi. Đúng là lúm đồng tiền tôi duyên thật! Lời khen của anh khiến tôi tự tin, tôi ngắm gương mặt mình trong gương và khẽ mỉm cười. Rồi tôi lại vẽ. Mải quá, lúc buông cọ đã thấy hơi thở của anh nóng hổi bên tai. Anh đến bên, lặng lẽ xem tôi vẽ Biên giới lúc hoàng hôn từ lúc nào chẳng biết.

- Em bố cục hình chặt chẽ. Dùng màu táo bạo quá.

Anh khen làm mặt tôi rạng rỡ. Tôi hỏi:

- Thế ra... anh cũng... thạo...

Không để ý đến câu hỏi nửa chừng của tôi, anh bảo:

- Cây thốt nốt mọc ở ngay trong thành công sự trận địa pháo cao xạ thế này thì quay nòng pháo thế nào được hở cưng? Người lính xem tranh Biên giới lúc hoàng hôn sẽ cười em đấy.

Tôi chịu anh nói đúng. Đi thực tế mà tôi lơ ngơ chẳng hỏi, chẳng quan sát tỉ mỉ, cứ như đứng ngoài cuộc, không hiểu gì chiến trận, đến một thuật ngữ quân sự cũng quên. Nhưng lòng tự ái của con bé mới thành người lớn trỗi dậy át cả lời nhận xét thẳng thắn, chân thành của anh. Tôi còn không nói nổi một lời cảm ơn. Anh không để ý đến trạng thái tình cảm của tôi. Anh ngồi lên võng, rút cây chì 4B trong túi ngực, lấy tờ giấy và kê lên hai đùi vẽ...

Tôi nhận ra chân dung mình. Bằng các đường nét phác thảo nhanh, gương mặt, đôi mắt, hai lúm đồng tiền của tôi sống động, thần thái đến lạ lùng, mà ngay cả tôi cũng chưa tự họa chân dung mình có hồn vía như thế. Duy chỉ cái môi hơi cong bướng bỉnh, mái tóc ngắn không xoã mà hất sang phải, đôi mắt sáng lắm. Anh thoáng nhìn tôi và mỉm cười tinh nghịch, viết nguệch ngoạc dòng chữ ở góc bức vẽ: Tình yêu của anh. Tôi bối rối thực sự. Anh ghi tiếp chữ: Tặng... , rồi ngừng lại, ngẩng lên. Lần này thì mắt anh nhìn tôi đăm đắm:

- Đọc tên em đi cho anh đề tặng.

- Hổng dám đâu!

Tôi cúi đầu, hai má nóng ran...

Lạ quá! Cả buổi chiều hôm ấy, dường như anh không làm được việc gì. Anh có vẻ bần thần thế nào đó, chốc chốc lại quay người nhìn trân trân sang lán dã chiến, nơi tôi đang vẽ. Tôi thấy lòng mình cũng xốn xang, đi ra đi vào. Bữa cơm chiều, tôi đi ăn muộn. Anh còn đến chậm hơn. Anh bưng đĩa quân dụng hai ngăn đựng nhiều thức ăn theo tiêu chuẩn đặc biệt, đến ngồi bên cạnh tôi. Cái dây chuyền bạc có móng hổ đeo toòng teng ở cổ anh, nhìn rất nghịch ngợm. Mái tóc xoăn bồng bềnh xoã xuống trán, trông thật dễ thương. Anh chọn những miếng ngon nhất bỏ vào bát cơm của tôi. Ngượng ngùng, tôi chối đây đẩy. Anh ăn chậm, thỉnh thoảng lại gác đũa, chống hai tay ngồi nhìn tôi ăn, mắt thật buồn.

- Anh ăn đi. Nhìn dữ zậy, em chịu hổng nổi.

Anh cười hiền và lại nhìn tôi đăm đắm.

Tôi nhấm nhẳng hỏi:

- Ra trận, anh hổng sợ à?

- Em là con gái không sợ nữa là anh. Anh chỉ sợ mất bàn tay phải thôi. Mất bàn tay phải là không vẽ được. Lúc ấy, anh sẽ là người như thế nào nhỉ?

- Đừng! Anh đừng nói gở...

Anh gật đầu, nhìn tôi âu yếm và hiền từ. Tôi cảm thấy anh thành thật và thân thiết quá.

Đêm ấy, trời biên giới Tây Ninh đầy trăng sao. Đại bác phía bên kia không bắn sang nữa, thỉnh thoảng chỉ nghe tiếng đì đùng xa xa ngoài giáp biên rồi tắt hẳn. Ánh điện phía thị trấn Gò Dầu hắt lên nền trời một quầng sáng mờ đục. Lá cây thốt nốt thấm đẫm ánh trăng, gặp gió lại xào xạc, xào xạc.

Tôi ra sông Vàm Cỏ Đông tắm. Dòng sông mênh mang đầy ánh bạc. Nước mơn man làn da mát dịu. Lập lềnh trên nước, tôi ngửa mặt nhìn trăng sao. Trăng sáng rờ rỡ còn sao thì chi chít, nhấp nháy hoài. Dải Ngân Hà bàng bạc như chiếc khăn voan khổng lồ vắt hờ trên nền trời đêm. Trăng đổ ánh bạc xuống sông và sao cũng chen nhau ngụp lặn dưới dòng nước mênh mang này. Bất chợt tôi nhớ đến bài hát Vàm Cỏ Đông. Bao nhọc nhằn, lo lắng, ám ảnh chết chóc ở vùng biên dường như bay biến hết. Lòng thanh thản, dễ chịu, thư thái lạ. Đêm biên giới rõ ràng không hề có chiến tranh.

Lên bờ. Nước chảy lướt thướt xuống bàn chân. Gió đồng bưng thổi khẽ, xoa nhẹ lên tấm thân trần. Khoan khoái, hít gió căng vồng ngực. Mùi phù sa non, mùi lá bần ly quyện lẫn, thoảng bay. Bất chợt, có tiếng hát nho nhỏ theo chiều gió bay đến. Lời ca: Vàm Cỏ Đông! Vàm Cỏ Đông! Ơi hỡi dòng sông... cứ mỗi lúc một gần. Tôi lúng túng, mới kịp cài xong cúc áo cuối cùng, anh đã hiện ra. Anh giật mình, sững lại. Tôi vội vã thu bộ đồ ướt sũng.

- Xin lỗi! Anh không cố ý.

Tôi hất mặt lên, bướng bỉnh, hỏi:

- Sao anh... lại đến đây?

Giọng anh rầu rầu:

- Chiều nay, đánh dữ lắm. Thằng bạn anh ở đại đội tăng chết rồi. Chập tối mới biết. Anh vừa ở đó về.

Tự nhiên, tôi thấy thương anh, thương đồng đội của anh:

- Đó là lúc chiều. Còn đêm nay yên tĩnh lắm, em nghĩ sẽ không đánh nhau đâu. Anh ngồi xuống đi, nghỉ một chút.

Chúng tôi ngồi bên nhau. Sóng sông vỗ oằm oặp. Gió hơi lạnh. Vô tình, tôi hơi nép vào người anh. Vẫn mùi phù sa non, mùi lá bần ly và lẫn thêm mùi thuốc súng từ áo anh. Tôi ngước mắt nhìn người lính, trong lòng tin cậy và thương quá. Gương mặt anh sạm nắng gió, rắn rỏi đến lạ lùng và phảng phất một nỗi buồn khó tả. Bên anh, tôi cảm thấy gần gũi, tự tin; bỗng nhiên thấy mình nhỏ bé, muốn được tựa vào anh.

Anh bảo:

- Hết chiến tranh, anh sẽ về Hà Nội học nốt Đại học Mỹ thuật. Bây giờ anh tạm gác cọ, em gắng vẽ thay phần anh nhé.

Tôi im lặng, gật đầu. Hoá ra, anh đã vào nghề trước tôi. Chiến tranh đã bứt anh khỏi cuộc đời sinh viên. Và chiến tranh đã để cho chúng tôi từ hai đầu đất nước xa lắc xa lơ tình cờ gặp nhau. Một thoáng ân hận bởi thái độ bướng bỉnh lúc ban chiều. Tôi muốn nói một câu gì đó mà không cất nổi thành lời. Đúng lúc đó, anh khẽ khàng quàng tay lên bờ vai tôi. Tim tôi đập thình thịch, ngực dềnh lên như có sóng, da thịt bừng nóng. Anh xoay người lại, nâng cằm tôi lên và nhìn sâu vào trong mắt tôi. Tôi thảng thốt trong lòng: Trời ơi! Mắt anh có hình ngọn lửa...

Giọng anh đầm ấm, tha thiết:

- Anh yêu em.

Rồi anh ôm tôi, ghì rất chặt. Da diết quá! Nóng bỏng quá! Nghẹt thở! Lồng ngực tôi tưởng như vỡ tung ra. Nhưng rồi chẳng hiểu tại sao, khi đôi môi bỏng rát cuồng nhiệt lần tìm môi tôi thì tôi ứa nước mắt. Một thoáng thương yêu lẫn một chút căm ghét, giận hờn bùng lên. Bốp. Tôi đã giang tay tát vào mặt anh. Anh lặng người, đầu rũ xuống. Bầu trời đêm chao đảo. Trăng, sao nhảy nhót rối mù trước mặt. Tôi bàng hoàng, không tin mình vừa hành động đúng hay là sai. Nước mắt tôi trào ra.

- Anh... yêu... em... thực... lòng.

Anh cố nói rõ ràng từng tiếng một, rồi đứng dậy bước nặng nề về phía lán dã chiến.

Đêm khuya, tôi vẫn thao thức. Những gì xảy ra ở bên sông Vàm Cỏ vẫn ám ảnh trong đầu. Chiến tranh ngày càng ác liệt, chưa biết bao giờ sẽ kết thúc. Chiều mai, anh sẽ rời sư đoàn bộ trở lại chốt. Anh sẽ phải đối mặt với lửa đạn và không còn thời gian nhớ đến tôi nữa. Ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh, mà anh thì trong trắng quá. Hơn hai mươi tuổi, phải chăng đây là lần đầu tiên anh định tìm mùi hương trên môi con gái. Nếu không may nằm xuống, thì lòng anh có còn vấn vương, trĩu nặng vì chuyện mới xảy ra với tôi không? Thương anh quá! Tôi muốn vùng dậy chạy sang lán của anh, nhưng không sang nổi...

Rạng sáng.

Pháo bên kia biên giới lại câu vọt sang. Tôi chui vội xuống hầm. Pháo rơi gần quá. Căn hầm chữ A chao đảo. Lại có tiếng người kêu cháy. Nghĩ đến lán dã chiến của mình và những bức tranh, tôi hoảng hồn; nhưng lửa cháy to quá, tôi lại nép vào góc hầm.

Lúc sau, pháo ngớt, tôi lóp ngóp chui ra. Mấy xe tải trúng đạn pháo, bình xăng nổ, cháy rụi. Lán dã chiến treo tranh cháy tơi tả. Tôi hốt hoảng chạy lại. Chú Trưởng Ban Tuyên huấn Sư đoàn và một anh lính cần vụ đang đỡ chàng chuẩn uý tóc xoăn xuống cạnh cây thốt nốt. Thì ra, anh đã lao vào cứu những bức tranh khỏi cháy. Anh bị thương vào sống lưng và cụt tay phải đến khuỷu. Máu anh rơi cả vào bức tranh Biên giới lúc hoàng hôn vẽ dở dang của tôi...

Lát sau, anh tỉnh. Nhận ra tôi, anh cố nhìn thật lâu và khó nhọc hỏi:

- Tên... em... là... gì?

Lúc ấy, tôi bật khóc, khóc như chưa bao giờ được khóc...

Xe cứu thương đến. Người ta đưa anh về tuyến sau. Tôi chết lặng, đứng nhìn theo. Chiếc xe Hồng Thập Tự xa dần rồi khuất hẳn vào bụi đỏ và những cây thốt nốt trong sáng sớm biên cương. Giật mình! Tôi mới sực nhớ chưa nói tên mình cho anh biết.

Hôm sau, chiến tranh bùng lên dữ dội toàn tuyến biên giới Tây Nam. Binh đoàn Cửu Long được lệnh chuyển quân làm nhiệm vụ mới. Chúng tôi trở về thành phố, mang theo những bức tranh đầy nắng gió, bụi đỏ, khói lửa và máu.

Năm tháng thời gian đã qua đi. Bức tranh vẽ dở dang, có nét xoá cây thốt nốt ở thành công sự trận địa pháo cao xạ thấm những giọt máu của anh ngày ấy, tôi vẫn cất giữ như báu vật vô giá. Tôi đã đi tìm anh khắp nơi. Gần hai mươi năm rồi! Tôi đã tốt nghiệp ra trường. Tôi đã thành đạt, được giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, Giải thưởng về đề tài Chiến tranh Cách mạng và Người lính của Bộ Quốc Phòng. Qua vài cuộc tình, rồi tôi đứng đầu đứng số với người chồng bây giờ. Không thể nào quên anh được. Thỉnh thoảng trong những giấc mơ đêm tối trời, tôi vẫn thấy anh hiện về. Tôi thảng thốt kêu, nhưng chẳng thành lời: Bây giờ anh ở đâu? Chàng chuẩn uý tóc xoăn ơi!

Tôi đã để nguyên bức tranh vẽ dở dang thấm máu anh ngày ấy treo trong phòng vẽ và đặt ở vị trí trang trọng trong mấy cuộc triển lãm cá nhân, rồi treo ở gallery. Xem tranh, người khen, người chê, người lắc đầu không hiểu. Tôi lặng im, chẳng một lời giải thích. Bức tranh dở dang, thấm máu người lính càng bí ẩn, linh thiêng. Tôi cũng treo bức chân dung tôi mà anh ký hoạ dạo đó và cũng có người hỏi mua. Bán làm sao được, khi những tháng ngày đã qua trở thành kỷ niệm thiêng luôn ám ảnh đè nặng trên vai mình.

*

* *

Tôi xuống ô tô, xăm xăm bước vào gallery. Nhìn nơi treo bức tranh Biên giới lúc hoàng hôn trống hoác một mảng tường, lòng tôi quặn đau, cái buồn ập đến. Con bé nhân viên bảo:

- Đây! Ông khách ngồi trên xe lăn chỗ này đăm đắm nhìn bức tranh của cô. Năn nỉ hoài con không bán, ông khách lăn xe đi vòng quanh phòng tranh. Nhìn thấy bức ký hoạ chân dung cô, ông khách giật mình, gọi cháu đến hỏi: “Chủ gallery của cháu là ai?” Con biểu là chồng người con gái trong tranh này. Lạ lắm cô ạ! Ông khách lặng người đi và vội vã lăn xe ra ngoài. Rồi bất chợt vòng xe lăn quay trở lại đòi mua bằng được bức Biên giới lúc hoàng hôn. Vừa lúc đó, chú về, chú bán liền...

Tôi thở dài ngao ngán, bất lực, ngó vào phòng trong. Chồng tôi đang đếm tiền. Anh nói vọng ra ngoài:

- Cao giá lắm. Tiền trao cháo múc rồi. Người khách không đồng ý cho chuộc. Thôi, vẽ lại bức khác, em ạ.

Có ai làm lại được quá khứ đâu! Đó là cả một quãng đời xưa luôn ám ảnh, in đậm dấu không thể nào quên được. Có ai bán cả một quãng đời lấy những đồng tiền xanh đỏ? Tôi chỉ còn biết kêu lên trong lòng: Chồng ơi là chồng!

Buồn quá! Tôi lặng im đi ra khỏi cái nơi đức ông chồng đang đếm và tận hưởng niềm sung sướng nghe tiếng tiền kêu sột soạt. Lái xe ô tô đi chầm chậm, nhẩn nha, lòng vòng chưa muốn về nhà, tôi ngẩn ngơ, đau xót như vừa mất một người thân. Đã hơn nửa đêm, đèn đường sáng trắng như ban ngày. Trống vắng quá.

Thật bất ngờ! Cứ ngỡ đang mơ. Tôi bắt gặp người đàn ông đang vòng cánh tay trái ôm bức Biên giới lúc hoàng hôn, và người đàn bà đằng sau đẩy xe lăn đi ngược chiều. Phanh xe gấp. Tôi chưa kịp mở cửa bước xuống đường thì bức tranh đã trôi ngang qua ô cửa xe. Trời đất ơi! Người đàn ông tật nguyền ngồi trên xe lăn, hai chân teo tóp buông thõng, tay phải cụt đến khuỷu. Nhoang nhoáng trước mắt tôi là mái tóc xoăn bồng bềnh rũ xuống vầng trán cao, là khuôn mặt nhàu, khắc khổ, là vòng dây bạc có cái móng hổ đeo ở cổ... Chẳng lẽ đây lại là anh? Trời đất ơi! Chàng chuẩn uý tóc xoăn ngày nào đây ư? Mắt tôi nhoè đi, đầu gục xuống vô lăng,...

Lúc tôi ngẩng đầu lên thì người đàn bà đẩy xe lăn và người đàn ông tàn tật ôm bức tranh đã mất hút vào màn đêm.

Truyện ngắn của Sương Nguyệt Minh

Nguồn: Tienphong online

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết trên. Nếu có ý kiến hay góp ý gì, mong bạn vui lòng để lại vài dòng vào ô nhận xét bên dưới. Chúc bạn một ngày vui vẻ!