28 thg 7, 2008

BHYT - Khái niệm và bản chất



Khái niệm về BHYT được trình bày trong cuốn "Từ điển Bách khoa Việt Nam I xuất bản năm 1995" - Nhà xuất bản từ điển Bách khoa - trang 151 như sau:
"BHYT: loại bảo hiểm do Nhà nước tổ chức, quản lý nhằm huy động sự đóng góp của cá nhân, tập thể và cộng đồng xã hội để chăm lo sức khỏe, khám bệnh và chữa bệnh cho nhân dân".
Mặt khác, BHYT là một trong 9 nội dung của BHXH được quy định tại Công ước 102 ngày 28.6.1952 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về các tiêu chuẩn tối thiểu cho các loại trợ cấp BHXH.

Từ những khái quát trên, cùng với những thực tế đã diễn ra trong lịch sử phát triển BHXH, BHYT trên thế giới hơn 100 năm và trong nước hơn 10 năm nay, chúng ta có thể phân tích đầy đủ hơn về bản chất của BHYT.
BHYT trước hết là một nội dung của BHXH - một trong những bộ phận quan trọng của hệ thống bảo đảm xã hội hay còn gọi là hệ thống an sinh xã hội. Cùng với các hệ thống cung cấp (hay còn gọi là chế độ ưu đãi xã hội, chế độ bao cấp) và hệ thống cứu trợ xã hội, hoạt động của BHYT nói riêng và hoạt động của BHXH nói chung, đã thực sự trở thành nền móng vững chắc cho sự bình ổn xã hội. Chính vì vai trò cực kỳ quan trọng của BHXH như vậy, cho nên ở mọi quốc gia trên thế giới, hoạt động của BHXH luôn do Nhà nước đứng ra tổ chức thực hiện theo hệ thống pháp luật về BHXH. Đó cũng là một cơ sở quan trọng để phân biệt giữa BHXH về y tế và bảo hiểm tư nhân về y tế. Trong các nước công nghiệp phát triển thì loại hình BHYT tư nhân cũng được phát triển và cùng tồn tại song song với BHXH về y tế. Vì vậy, nói đến BHYT ở đây là chúng ta hiểu là đang đề cập đến BHXH về y tế hay nói cách khác là BHYT theo luật pháp.Thực ra BHXH ở nước ta hiện có các chế độ: Chế độ trợ cấp ốm đau, Chế độ trợ cấp thai sản, Chế độ trợ cấp tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, Chế độ hưu trí, Chế độ tử tuất thì cũng có thể hiểu BHYT là Chế độ khám chữa bệnh.
Khi lâm bệnh, người bệnh buộc phải đến các cơ sở y tế để được khám chữa bệnh (KCB). Cũng từ bệnh tật, nhất là những bệnh tật kinh niên, bệnh mãn tính hoặc bệnh hiểm nghèo đã dẫn đến các khoản chi phí KCB cực kỳ lớn. Có những người bệnh phải được sử dụng các công nghệ kỹ thuật cao trong việc chẩn đoán và chữa trị bệnh, phải sử dụng các loại thuốc đắt tiền và phải lưu trú dài ngày tại bệnh viện. Những khoản chi phí này không phải ai cũng có thể tự lo liệu được. Bệnh tật đã dồn con người vào những thảm cảnh đáng lo ngại. Đối với những người bệnh do hoàn cảnh nghèo túng thì phải vay mượn để chữa trị bệnh tật và sau đó trả nợ và có nhiều người cũng không thể vay mượn để tiếp tục được chữa trị. Những người có điều kiện kinh tế khá giả hơn hoặc cận nghèo thì sau những đợt bệnh tật cũng có thể bị đẩy vào tình cảnh nghèo khó. Đồng thời, với bệnh tật cũng kéo theo sự mất mát về thu nhập do người bệnh không có sức khoẻ để làm việc. Từ đó đã đe doạ đến cơ sở kinh tế và sự tồn tại trước hết của bản thân những người lao động, sau đó đến các thành viên, những người ăn theo trong gia đình người bệnh và sau đó ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội. Do vậy, người ta phải cần đến BHYT. BHYT sẽ đảm bảo chi trả toàn bộ hoặc từng phần (tuỳ theo điều kiện kinh tế xã hội của từng nước) những chi phí KCB "khổng lồ" nói trên, giúp cho người bệnh vượt qua cơn hoạn nạn về bệnh tật, sớm phục hồi sức khoẻ cũng như ổn định cuộc sống gia đình.
BHYT sẽ bảo đảm cho những người tham gia BHYT và các thành viên gia đình của họ những khả năng để đề phòng, ngăn ngừa bệnh tật; phát hiện sớm bệnh tật; chữa trị và khôi phục lại sức khoẻ sau bệnh tật. Do các chế độ BHXH về khám chữa bệnh, chế độ thai sản và chế độ ốm đau (chi trả tiền thay thế tiền lương trong những ngày ốm đau không làm việc được) đều có cùng phương thức hoạt động và các nguyên tắc cơ bản chung, cho nên tùy theo đặc điểm lịch sử, tập quán của từng nước mà BHYT có thể bao gồm cả chế độ khám chữa bệnh, chế độ thai sản và chế độ ốm đau hoặc được tách ra theo từng chế độ riêng biệt. Điều đó liên quan đến phạm vi đối tượng tham gia BHXH, đến mức đóng góp và các chế độ được hưởng.
ở các nước công nghiệp phát triển người ta định nghĩa BHYT trước hết là một tổ chức cộng đồng đoàn kết tương trợ lẫn nhau, nó có nhiệm vụ gìn giữ sức khỏe, khôi phục lại sức khỏe hoặc cải thiện tình trạng sức khỏe của người tham gia BHYT. Như vậy, trong hoạt động BHYT thì tính cộng đồng đoàn kết cùng chia xẻ rủi ro rất cao; nó là nền tảng cho lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe; nó điều tiết mạnh mẽ giữa người khoẻ mạnh với người ốm yếu, giữa thanh niên với người già cả và giữa người có thu nhập cao với những người có thu nhập thấp. Sự đoàn kết tương trợ lẫn nhau trong BHYT là sự đảm bảo cho từng người dựa trên cơ sở của sự đoàn kết không điều kiện, của sự hợp tác cùng chung lòng, chung sức và gắn kết chặt chẽ với nhau. Theo định nghĩa BHYT nêu trên, thì sự đoàn kết tương trợ vừa mang một ý nghĩa tự giác, vừa mang ý nghĩa cùng chịu trách nhiệm và vừa có sự thống nhất về quan điểm chung. Người ta còn cho rằng: Đoàn kết tương trợ là nền tảng xã hội cho sự phát triển của mỗi chế độ xã hội loài người và nó mang lại một gương mặt nhân đạo mới cho chế độ xã hội đó. Tính nhân đạo của hoạt động đoàn kết tương trợ sẽ đánh dấu bước tiến bộ của thể chế xã hội. Đây cũng chính là bản chất nhân văn của hoạt động BHYT mà chúng ta thường đề cập đến. Tuy nhiên đoàn kết tương trợ không chỉ là quyền được nhận mà còn phải là nghĩa vụ đóng góp. Sự công bằng và bình đẳng của một chế độ xã hội được gắn bó với sự đoàn kết được thể hiện ở chỗ: ai muốn đạt được sự bền chặt về đoàn kết thì cần thực hiện nhiều hơn sự công bằng. Điều đó chỉ có thể được tạo ra thông qua sự điều chỉnh trong thực tế, vì "sự công bằng" là yếu tố động, nó chỉ đạt được tại một thời điểm, còn lại đều là sự không công bằng. Đây là một trong những yếu tố tác động đến sự phát triển xã hội. Do vậy, cần phải có sự tích cực điều chỉnh thực tế một cách thường xuyên nhằm đảm bảo mối quan hệ tương thích giữa nghĩa vụ và quyền lợi trong hoạt động của BHYT.
Nếu nhìn trên tổng thể nền kinh tế quốc dân và xét về phương diện điều tiết kinh tế vĩ mô thì công cụ BHXH - trước hết phải kể đến BHYT là công cụ thứ hai trong quá trình phân phối lại (công cụ thứ nhất là thuế) góp phần bảo đảm sự bình đẳng và công bằng xã hội.
Luật BHYT bao giờ cũng phải đề cập đến phạm vi đối tượng tham gia và nghĩa vụ đóng góp. Theo thông lệ chung, người lao động căn cứ vào khả năng thu nhập từ hoạt động lao động của bản thân mình mà có nghĩa vụ đóng góp hàng tháng theo tỷ lệ quy định vào quỹ BHYT. Tỷ lệ đóng góp sẽ được các cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh hàng năm căn cứ vào diễn biến về chi phí KCB chung của cả cộng đồng những người tham gia BHYT vào những năm trước và dự báo tình hình của năm tới.
Trong quá trình phát triển lịch sử của BHXH thì BHYT là lĩnh vực được phát triển đầu tiên. Mặc dù hoạt động mang tính BHXH đã có từ xa xưa nhưng phải đến thời kỳ cách mạng công nghiệp (nhất là ở các nước công nghiệp phát triển), hoạt động BHXH mới mang đầy đủ ý nghĩa. BHXH ở Đức do Thủ tướng Otto Von Bismarck khai sinh từ năm 1881 và được coi là sớm nhất trên thế giới. Đạo luật BHXH đầu tiên được ban hành là Đạo luật về bảo hiểm ốm đau ngày 15/6/1883. Sau đó mới đến Đạo luật về bảo hiểm tai nạn được ban hành ngày 6/7/1884, Đạo luật về bảo hiểm hưu trí ban hành ngày 22/6/1889, Đạo luật về bảo hiểm thất nghiệp ban hành ngày 16/7/1927 và Đạo luật về bảo hiểm chăm sóc người già ban hành ngày 26/5/1994. Lịch sử phát triển của BHXH đã thể hiện rõ tính kế thừa, phát triển và không ngừng hoàn thiện từ các bước đơn giản, sơ khai cho đến trình độ hiện đại ngày nay. Đó cũng là quá trình phát triển đồng bộ thể hiện ở chỗ: cùng với việc mở rộng phạm vi đối tượng tham gia BHXH cũng là quá trình không ngừng mở rộng các chế độ BHXH và nâng cao chất lượng phúc lợi cho người thụ hưởng.
Hệ thống BHXH về y tế ngay từ khi hình thành đã không định hướng theo mức độ rủi ro mà định hướng theo nguyên tắc đáp ứng đặc biệt và không phải chi trả trực tiếp. Điều đó được thể hiện rất rõ là: khi bị ốm đau thì người bệnh sẽ được chữa trị cho đến khi khoẻ mạnh trở lại bằng mọi phương pháp, kỹ thuật y tế hiện thời mà không căn cứ vào trước đó họ đã đóng góp BHXH được bao nhiêu. Nếu định hướng theo mức độ rủi ro thì khi ốm đau họ sẽ được đền bù với mức là bao nhiêu căn cứ vào trước đó họ đã đóng góp theo mức nào như trong BHYT tư nhân hay còn gọi là bảo hiểm thương mại. Chính định hướng này đã làm nền tảng cho các nguyên tắc cơ bản về BHYT, nó được tồn tại và phát triển đến ngày nay. Đến nay, đặc trưng của hoạt động BHXH trong lĩnh vực y tế vẫn là sự định hướng theo nhu cầu sức khoẻ cần bảo vệ, đối tượng tham gia vẫn là đông đảo những người có quan hệ lao động, đối tượng này chiếm phần lớn trong BHYT. Trong quá trình phát triển, BHYT luôn mở rộng phạm vi đối tượng tham gia theo nghĩa vụ (mang tính chất bắt buộc) và ban đầu là BHYT cho người lao động làm thuê (người có quan hệ lao động), rồi đến BHYT cho người lao động tự do, cho người lao động trong nông nghiệp ... cho đến khi BHYT toàn dân.
Quá trình phát triển của lịch sử BHXH trên thế giới đã chứng minh sự cần thiết của BHYT là một hoạt động bảo hiểm trước hết của cộng đồng xã hội chống lại rủi ro về bệnh tật gây nên. Đồng thời, loại rủi ro bệnh tật này luôn có khả năng tác động đến mọi thành viên trong xã hội, ở mọi lứa tuổi từ trẻ sơ sinh cho đến người già cả, ở mọi môi trường và mọi điều kiện sống khác nhau... Vì vậy, BHYT luôn là mạng lưới bảo hiểm bao trùm rộng khắp nhất.
Trong hệ thống BHYT, rủi ro cần được bảo hiểm cũng như những dịch vụ y tế cần thiết cho từng trường hợp cụ thể, mỗi người bệnh có thể nhận được đầy đủ các dịch vụ y tế và thuốc men cần thiết mà không theo phương thức bảo hiểm thuần tuý (tức là căn cứ vào mức đóng thì nhận được một mức hưởng tương ứng) và hoàn toàn không có ý nghĩa khi xem xét đến mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm.
Nếu nhìn nhận dưới giác độ kinh tế thì BHYT trước hết được hiểu là sự hợp nhất kinh tế của số lượng lớn những người trước cùng một loại hiểm nguy do bệnh tật gây nên mà trong từng trường hợp cá biệt không thể tính toán trước và lo liệu được. Nhưng cái chung đó cần phải đáp ứng được bằng nguồn tài chính dự tính một cách thoả đáng thông qua hệ thống cân bằng rủi ro tương ứng do Nhà nước đứng ra tổ chức thực hiện.
Cụ thể như sau:
Tổng chi phí cho khám chữa bệnh = Tổng số tiền đóng góp của những người tham gia BHYT.
Như vậy, cân đối về chi phí KCB được thực hiện cân bằng giữa một bên là tổng số chi phí KCB cho những người có nhu cầu và cần phải KCB và bên kia là tổng số đóng góp của tất cả những người tham gia BHYT bất kể họ có hoặc không có nhu cầu KCB (tức là cả những người đang khoẻ mạnh). Thời gian cân đối về thu - chi của BHYT thông thường là một năm. Có những nước người ta tính toán cân đối để dự trù kinh phí chi trả cho thời gian thêm là 1 tháng. Việc cân đối thu chi còn có thể được bổ sung thêm tuỳ tình hình cụ thể của từng nước và từng năm cụ thể. Trong tổng số chi còn phải tính thêm khoản chi phí cho bộ máy quản lý làm công tác BHYT. Trong khoản thu có thể bao gồm cả các khoản thu từ đóng góp của ngân sách địa phương, của Trung ương và các khoản thu khác.
Nguyên tắc cộng đồng chia xẻ rủi ro với ý tưởng nhân văn cao cả của nó đã loại trừ mục tiêu lợi nhuận thương mại của cộng đồng những người tham gia BHYT. Do vậy, hoạt động BHXH về y tế không có khoản thu lợi nhuận và đương nhiên cũng không vì mục đích lợi nhuận. Vì vậy, tỷ lệ đóng góp chỉ được nâng lên theo đòi hỏi quyền lợi chung của quá trình thực hiện BHYT. Tức là tỷ lệ đóng góp BHYT chỉ được nâng lên theo nhu cầu chữa trị bệnh tật, nhu cầu nâng cao chất lượng KCB và ứng dụng những thành tựu khoa học tiến tiến vào công tác KCB của cả cộng đồng.
Phương thức đoàn kết, tương trợ, chia xẻ rủi ro phải được thực hiện bằng sự điều tiết nhằm cân bằng mang tính xã hội. Việc lập ra quỹ BHYT và từng bước mở rộng phạm vi đối tượng tham gia mà từng bước mở rộng phạm vi cân bằng, chia xẻ rủi ro trong cộng đồng những người tham gia BHYT. Về mặt kỹ thuật bảo hiểm thì nguyên tắc đoàn kết tương trợ chia xẻ rủi ro chính là quá trình phân phối lại giữa những người khoẻ mạnh với người ốm đau, người trẻ với người già... Vì vậy, đối tượng tham gia bảo hiểm phải không ngừng được mở rộng trong suốt quá trình phát triển và được định hướng cho nhiều nhóm đối tượng lao động khác nhau (ví dụ không phân biệt giữa người lao động có thu nhập cao với người có thu nhập thấp, giữa người đi làm việc với người thất nghiệp hoặc người đã nghỉ hưu, giữa gia đình có thu nhập cao, không con cái với gia đình đông con) mới có ý nghĩa trong việc điều tiết trong cộng đồng xã hội.
Nguyên tắc đoàn kết tương trợ cùng chia xẻ rủi ro chỉ được thực hiện một cách đầy đủ và hợp lý thông qua những giới hạn nhất định. BHYT chỉ bao gồm những đối tượng là những người về nguyên tắc luôn có nhu cầu được bảo vệ về sức khoẻ. Những đối tượng cụ thể sẽ được quy định trong pháp luật.
BHXH về y tế được thực hiện trước hết đối với những người lao động phụ thuộc, tức là người lao động không có tư liệu sản xuất và phải đi làm thuê hay những người có quan hệ lao động. Đây là loại hình BHXH nghĩa vụ, nó mang tính chất bắt buộc đối với mọi người lao động phụ thuộc và chủ sử dụng lao động. Sau đó với bản chất ưu việt của BHXH về y tế nên nó được mở rộng ra các đối tượng lao động khác như người hành nghề tự do, lao động nông, lâm ngư nghiệp... và BHYT theo đơn vị gia đình.
Vấn đề KCB không đơn thuần chỉ liên quan đến vấn đề kỹ thuật y tế mà còn liên quan một cách rất chặt chẽ đến các yếu tố kinh tế như: các khoản chi trả cho các nghiệp vụ chuyên môn kỹ thuật (khám bệnh, phẫu thuật, thủ thuật...) của các bác sĩ, chi phí cho bệnh viện với các trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ cho KCB và thuốc men - nếu nhìn dưới giác độ kinh tế - đó là "Cung" của ngành y tế. Còn phía "Cầu" là bệnh tật, những bệnh tật này cần đến các dịch vụ KCB và những hàng hóa cần thiết cho sức khoẻ. Vì vậy khi thực hiện BHYT, ở các nước công nghiệp phát triển bên cạnh việc sử dụng vai trò điều tiết của Nhà nước, người ta còn chú trọng sử dụng quan hệ cung - cầu điều tiết trên thị trường sức khoẻ hay còn gọi là thị trường y tế nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn quỹ đóng góp của người tham gia BHYT và nâng cao chất lượng KCB.
Trong các nước công nghiệp phát triển ở châu Âu, số người tham gia BHYT theo luật pháp chiếm tới 90% dân số, chỉ 10% dân số còn lại không tham gia BHXH. Nhóm người này không thuộc diện đối tượng điều chỉnh của luật BHYT và phần lớn trong số họ là những người giàu có, họ có đủ khả năng tự lo liệu khi ốm đau hoặc tham gia BHYT tư nhân để hưởng những quyền lợi cao hơn khi ốm đau.
ở nước ta BHYT xã hội được tiến hành từ năm 1992 và cho đến nay vẫn thực hiện BHYT bắt buộc đối với người lao động có quan hệ việc làm giữa người sử dụng lao động với người lao động. Những đối tượng xã hội như: người có công với cách mạng, thân nhân sĩ quan quân đội, người nghèo cũng được Nhà nước cấp kinh phí để tham gia BHYT xã hội. Các đối tượng là trẻ em dưới 6 tuổi được khám chữa bệnh miễn phí bằng nguồn ngân sách của Nhà nước và địa phương và đang được xem xét để tham gia BHYT. Hình thức BHYT tự nguyện đang được vận động thực hiện đối với học sinh, sinh viên và nhóm cộng đồng theo địa bàn dân cư hoặc theo tổ chức xã hội...
Trong khi đó lĩnh vực bảo hiểm tư nhân (hay có thể hiểu là bảo hiểm cá thể) nói chung ở Việt Nam cũng đang được phát triển. Biểu hiện mà bảo hiểm tư nhân hiện đang hoạt động là bảo hiểm con người và bảo hiểm tài sản như: bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm ôtô, xe máy... do các doanh nghiệp Nhà nước như: Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam, Công ty Bảo hiểm PJICO... và các doanh nghiệp nước ngoài như: Prudential, Manulife, AIA... đang cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường bảo hiểm.Thị trường bảo hiểm ở nước ta cũng được chú trọng phát triển và Nhà nước đã ban hành Luật kinh doanh bảo hiểm. BHYT tư nhân cũng mới được phát triển, điển hình có thể thấy được về BHYT tư nhân là các sản phẩm, bảo hiểm thân thể, bảo hiểm phẫu thuật và nằm viện... do Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam tổ chức.

TS. Phạm Đình Thành (Theo tapchibaohiemxahoi.org)
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết trên. Nếu có ý kiến hay góp ý gì, mong bạn vui lòng để lại vài dòng vào ô nhận xét bên dưới. Chúc bạn một ngày vui vẻ!