27 thg 1, 2010

26 thg 1, 2010

Điện thoại cao cấp giá rẻ trên mạng: thật giả lẫn lộn


Những chiếc ĐTDĐ "nhái" được rao bán khắp nơi - Ảnh minh họa: ICTnews
Nếu không tinh ý, người mua tham rẻ dễ dàng bị lừa bởi những chiếc điện thoại cao cấp được rao bán có những chiếc là hàng đã sử dụng, kém chất lượng và thậm chí là hàng giả.

Thật khó để biết được chất lượng những chiếc điện thoại cao cấp được rao bán trên mạng. Cho nên lời khuyên tốt nhất cho người dùng khi mua mặt hàng này là nên đến thẳng các nhà phân phối ở Việt Nam để đảm bảo đó là hàng thật.

Đầy rẫy điện thoại cao cấp giá rẻ

iPhone 3G dung lượng 16GB, fullbox giá 6 triệu đồng, iPhone 3GS dung lượng 16GB giá 7,5 triệu đồng, Nokia N97 đầy đủ phụ kiện chỉ 7,5 triệu đồng, điện thoại HTC HD2 mới 95% có mức giá chỉ 8 triệu đồng… những lời rao đó xuất hiện hằng ngày trên mục điện thoại của các trang rao vặt, các website thương mại điện tử cũng như các diễn đàn có mục mua bán nổi tiếng trên mạng Internet ở thời điểm hiện nay.

Rất nhiều người thấy những chiếc điện thoại cao cấp giá rẻ như thế đã vội sắm cho mình một chiếc và có người đã dính phải quả lừa vì mua phải hàng kém chất lượng. Chị Nguyễn Thị Thu Vân, ở Q.Thủ Đức, TP.HCM cho biết khi vào một diễn đàn mua bán trên mạng, thấy người rao bán chiếc điện thoại N97 giá chỉ 7,5 triệu đồng, chị đã liên hệ theo số điện thoại người rao để mua.

Người bán đã hẹn chị ra chợ Thủ Đức và giao hàng. Do máy có kèm theo cả thẻ bảo hành của Nokia nên chị không mảy may nghi ngờ gì. Thế nhưng, chiếc điện thoại chị mua chỉ trong một thời gian ngắn đã bị lỗi phần mềm và khi chị đưa đến trung tâm bảo hành của Nokia mới biết chiếc điện thoại đó không phải của hãng và nó đã được làm giả một cách tinh vi.

Anh Nguyễn Văn Hoàn, ở Q.3, TP.HCM cũng gặp trường hợp tương tự khi anh mua một chiếc iPhone 3G dung lượng 16GB chỉ với giá 6 triệu đồng. Người bán quảng cáo hàng còn mới 90%, đầy đủ phụ kiện và chỉ có một chiếc duy nhất. Nghĩ vớ được hàng lời anh Hoàn liên hệ mua ngay. Thế nhưng, xài một thời gian sau máy hỏng anh đem ra thợ sửa mới biết chiếc điện thoại này đã được dùng rất lâu và sửa chữa nhiều lần, linh kiện đa số đã được thay thế.

Những trường hợp như chị Vân, anh Hoàn gặp phải bây giờ là không hiếm và thực tế nhiều người ham những chiếc điện thoại cao cấp giá rẻ đã gặp phải vận xui như trên. Bởi bên cạnh những chiếc điện thoại đúng chất lượng thật như rao bán trên các trang web, thì xen lẫn vào đó rất nhiều hàng kém chất lượng, thậm chí là hàng giả.

Rất khó để kiểm định chất lượng

Đó là câu trả lời của những người am hiểu trong lĩnh vực cao cấp, họ cho rằng rất khó để kiểm định chất lượng những chiếc điện thoại được rao bán trên thị trường. Anh Trần Mạnh Hiệp, quản trị website diễn đàn Tinhte, cho biết: “Cũng khó nói những chiếc điện thoại này là hàng giả lắm. Tuy nhiên, chất lượng những chiếc điện thoại này rất khó kiểm định”.

Anh Mai Phú Phong - chủ cửa hàng Nhất Phong, cửa hàng chuyên cung cấp iPhone và BlackBerry chính hãng tại thị trường Việt Nam - cho biết: “Với mức giá iPhone 3G dung lượng 16GB thì có thể khẳng định đó là hàng giả, cái này là dân buôn bán nên tư duy ra được, bởi iPhone 3G 8GB nát bét giờ đem ra tiệm người ta vẫn sẵn sàng thu mua 7 đến 8 triệu đồng, cần gì phải rao linh tinh như vậy. Cho nên với những điện thoại chưa được phân phối chính hãng tại Việt Nam thì người dùng nên chọn chỗ uy tín mà mua, không thì dễ bị lừa lắm”.

Anh Nguyễn Thành Nam, kỹ thuật viên của một cửa hàng di động tại Q.3,TP.HCM, cũng cho biết: “Mạng Internet giờ trở thành một nơi phổ biến cho mọi người mua bán, trong đó có cả điện thoại di động cao cấp".

Có thể nói mặt hàng này nếu người dùng chọn phương pháp mua trên mạng ở các trang không phải của nhà phân phối, thì có thể nói mua phải hàng kém chất lượng là chuyện thường xuyên. Bởi rất khó để biết được chất lượng của những chiếc điện thoại này, cách duy nhất là mở nó ra để kiểm tra, nhưng chỉ dân kỹ thuật mới nhìn ra được. Còn người dùng thì chỉ biết mua về xài nên đôi khi gặp hàng không tốt là điều tất nhiên”.

Theo ICTNEWS

Share:

21 thg 1, 2010

Chỉ vì một phút… “hoan lạc”



(Eva.vn) - Nằm trong vòng tay cứng cáp của người đàn ông ấy, Diệu trở nên ẻo lả, yếu đuối. Cô phó mặc cho những nụ hôn điên cuồng đang hằn lên má, lên môi...

Từ một lần… “đánh đu”!

Diệu thích đi nhảy, mỗi tuần vài lần. Sau khi cưới, cô vẫn rất mong được sánh vai cùng chồng đến sàn nhảy cho có cặp có đôi. Nhưng Trung, chồng cô lại là một người vốn say mê công việc. Anh không có nhiều thời gian. Vậy nên Diệu luôn phải đi một mình. Ngã rẽ của cuộc hôn nhân của họ cũng bắt đầu từ đây…

Chính trong đêm đó Diệu đã gặp một bạn nhảy, hơn cô 3 tuổi. Hai người sải bước bên nhau trong điệu nhạc du dương, khi tay trong tay, vai kề vai, bàn tay bạn nhảy ôm chặt cái eo thon của Diệu.

Diệu thấy như mình đang được yêu, mới mẻ biết nhường nào. Lúc ấy Diệu trộm nghĩ giá như chồng cô chịu bớt chút thời gian tận hưởng cuộc sống này, có lẽ đã khác, rằng cô sẽ chẳng để người đàn ông khác ôm eo, đong đưa thế này! Đôi mắt người đàn ông ấy nhìn Diệu đắm đuối, cánh tay mạnh bạo ôm ghì cô đến ngạt thở. Một cảm giác thật đê mê dễ chịu lan toả trong cô. Cơ thể Diệu trở nên ẻo lã, yếu đuối.

Ra về, hai người sánh bước như một cặp tình nhân. Đột nhiên người bạn nhảy mới quen kéo tay Diệu và ôm ghì vào lòng. Trước hành động liều lĩnh đó, Diệu thấy thật bất ngờ. Trong bóng tối, cô như nhìn thấy rõ mồn một ánh mắt trong sáng, nặng ân tình của chồng đang làm việc.

Nhưng Diệu không sao cưỡng lại được sự lôi cuốn, nồng nàn của người đàn ông cường tráng này. Hơi thở dồn dập mang mùi thuốc lá thơm làm cô ngất ngây, rạo rực. Diệu đã không làm chủ được bản thân và nhanh chóng rơi vào những ham muốn nhục dục. Nằm trong vòng tay cứng cáp của người đàn ông ấy, Diệu phó mặc cho những nụ hôn điên cuồng hằn lên má, lên môi...

Diệu trở về nhà khi kim đồng hồ đã điểm 11 giờ đêm. Trung vẫn đang đợi vợ ở ngoài cửa: “Hôm nay em đi chơi có vui không? Vào rửa mặt đi. Anh vừa hâm thức ăn lại rồi. Nhanh vào ăn cho nóng em à…”

Trước sự âu yếm, chăm chuốt của chồng khiến Diệu bỗng chốc thấy chột dạ, tội lỗi và ân hận. Cô thấy mình thật xấu xa và không xứng đáng với tình cảm của chồng: “Chỉ một lần này thôi, sẽ không có lần sau như vậy nữa”. Diệu đã tự nhủ với mình như thế.

Nhưng điều mà Diệu không muốn nghĩ đến thì nó càng chập chờn trong đầu cô nhiều hơn. Mỗi lần muốn quên là một lần Diệu lại phải nhớ cái đêm ấy. Rồi sự ham muốn có được thân thể của người đàn ông thêm một vài lần nữa càng khiến Diệu căng thẳng và giằng xé nội tâm nhiều hơn. Diệu sống trong hai thái cực, giữa hai người đàn ông. Một người cho cô hơi ấm gia đình, tình yêu; còn một người cho cô cảm giác tươi trẻ trở lại, những giây phút đắm đuối bên những điệu nhảy gợi tình.

Nhưng điều mà Diệu không muốn nghĩ đến thì nó càng chập chờn trong đầu cô nhiều hơn

… Đến sự đánh đổi

Diệu không rõ những giây phút hoan lạc vụng trộm trong cái đêm ấy đã bị chồng phát hiện từ khi nào. Nhưng Trung đã bắt đầu tỏ thái độ. Anh trở nên lạnh lùng và ít nói hẳn đi. Diệu cũng không còn nhận được sự ân cần của chồng như trước kia nữa. Sự trở về sau mỗi lần đi chơi mệt nhoài, Diệu chờ đợi một lời nói quen thuộc của chồng nhưng tất cả chỉ là sự im lặng.

Nhất là khi Diệu bắt gặp chồng cô đang vò nhàu tấm ảnh cưới của hai người. Diệu đứng tim khi Trung nói thẳng: “Em hãy cho anh chữ kí vào đơn đi. Anh đã suy nghĩ rất nhiều rồi. Anh không thể chịu đựng được khi nghĩ thân xác vợ đã có gã trai khác đụng chạm”.

Diệu hốt hoảng, đau đớn. Diệu đã thất trinh? Cô không thể mất chồng, dù anh có không chấp nhận thì cô vẫn không thể kết thúc cuộc hôn nhân của mình như vậy. Những dòng nước mắt ân hận của Diệu cùng với những lời cầu xin sự tha thứ cũng không giúp cô lấy lại được niềm vui và sự ấm cúng ban đầu. Cô càng không thể níu kéo tình yêu của chồng.

Lời nói của Diệu đã trở nên vô giá trị. Hai vợ chồng sống với nhau như người dưng nước lã

Lời nói của Diệu đã trở nên vô giá trị. Hai vợ chồng sống với nhau như người dưng nước lã. Trung lơ đãng trước sự quan tâm của vợ bằng một thái độ khinh bỉ. Tình nghĩa vợ chồng không còn nữa, cảm giác cô đơn khi sống bên chồng như một người xa lạ càng khiến Diệu thấy ân hận chỉ vì một phút nông nổi, hoan lạc của mình.

Ngay cả chuyện ân ái, Trung cũng cố tình né tránh vợ. Nằm cùng giường nhưng gượng gạo hết chỗ nói. Rồi anh tìm cách xa lánh vợ khi ít về nhà ngủ. Tình cảm ngày càng lụi tàn, tắt ngấm.

Trung cố tình hành hạ vợ bằng chính sự thờ ơ, lạnh nhạt và im lặng kéo dài. Một tháng, hai tháng… trôi qua. Đã nửa năm rồi hai người sống với nhau như vậy. Trung vẫn đang đấu tranh tư tưởng, còn Diệu thì luôn dằn vặt bản thân mình. Giá như không có cái đêm hoan lạc ấy, một đêm “đánh đu” với bạn nhảy đã khiến Diệu phải đánh đổi tất cả hạnh phúc…

Hàn Nguyệt (Eva.vn)
Share:

Công văn 116/BHXH-CSXH ngày 15/01/2010 của BHXH Việt Nam về Bảo hiểm thất nghiệp

http://www.xaluan.com/images/news/Image/2009/02/04/1233730990.img.jpg


Ngày 15/01/2010, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 116/BHXH-CSXH V/v sửa đổi, bổ sung một số điểm tại Công văn 1615/BHXH-CSXH ngày 02/6/2009 hướng dẫn thưc hiện thu - chi Bảo hiểm thất nghiệp.

Các bạn quan tâm có thể xem và download tại địa chỉ:

http://cid-d3af20a8da8c9b1e.skydrive.live.com/self.aspx/.Documents/116-BHXH-CSXH%5E_sua%20doi%20CV%201615.pdf

Đặng Hồng Quang.
Share:

Thông tư 42/2009/TT-BLĐTBXH về chế độ đ/v lao động khi bán, giao DNNN

http://vietinfo.eu/images/uploads/News/2009/04/1240264084_Xuat_khau_LD.jpg

THÔNG TƯ SỐ 42/2009/TT-BLĐTBXH NGÀY 30 THÁNG 12 NĂM 2009 CỦA BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 109/2008/NĐ-CP NGÀY 10 THÁNG 10 NĂM 2008 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ BÁN, GIAO DOANH NGHIỆP 100% VỐN NHÀ NƯỚC

Căn cứ Nghị định số 109/2008/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ về bán, giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
Sau khi có ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số chế độ, chính sách đối với người lao động theo Nghị định số 109/2008/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ về bán, giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (sau đây gọi là Nghị định số 109/2008/NĐ-CP) như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện một số chế độ, chính sách đối với người lao động trong doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, công ty thành viên hạch toán độc lập, đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện bán, giao quy định tại Điều 2, Nghị định số 109/2008/NĐ-CP.

Các doanh nghiệp, công ty, đơn vị nêu trên gọi chung là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng Thông tư này là người sử dụng lao động; người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ (kể cả người lao động được tuyển dụng vào khu vực nhà nước trước ngày 30 tháng 8 năm 1990 nhưng chưa chuyển sang ký hợp đồng lao động) ở doanh nghiệp 100% vốn nhà nước quy định tại Điều 1 Thông tư này; cá nhân, tổ chức liên quan đến việc bán, giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước theo quy định.

Điều 3. Xây dựng phương án sắp xếp số lao động hiện có của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện bán, giao

1. Đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện bán.

Khi nhận được thông báo bán, doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng phương án sắp xếp lao động theo quy định tại khoản 5, Điều 18 Nghị định số 109/2008/NĐ-CP trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, gồm danh sách các loại lao động sau:

a) Tổng số lao động của doanh nghiệp theo mẫu số 1 ban hành kèm Thông tư này.

b) Số lao động đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định tại Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.

c) Số lao động chấm dứt hợp đồng lao động (gồm: hết hạn hợp đồng lao động; tự nguyện chấm dứt hợp đồng lao động hoặc lý do khác theo quy định của pháp luật lao động).

d) Số lao động bên nhận mua doanh nghiệp không có nhu cầu tiếp tục sử dụng.

đ) Số lao động bên nhận mua phải kế thừa sử dụng (kể cả người đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, đang nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội ngắn hạn, nếu có).

e) Tổng hợp phương án sử dụng lao động theo mẫu số 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện giao.

Sau khi tổ chức Đại hội công nhân, viên chức để biểu quyết theo thể thức đa số quá bán việc tự nguyện nhận giao doanh nghiệp, Ban chấp hành công đoàn (hoặc ban Chấp hành công đoàn lâm thời hoặc người được Đại hội công nhân, viên chức bầu làm đại diện cho tập thể lao động) có trách nhiệm phối hợp với Giám đốc doanh nghiệp xây dựng phương án sử dụng lao động theo quy định tại khoản 2, khoản 5, Điều 23 Nghị định số 109/2008/NĐ-CP trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, gồm danh sách các loại lao động sau:

a) Tổng số lao động của doanh nghiệp theo mẫu số 1 ban hành kèm Thông tư này.

b) Số lao động đủ điều kiện nghỉ hưu theo quy định tại Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.

c) Số lao động chấm dứt hợp đồng lao động (gồm: hết hạn hợp đồng lao động; tự nguyện chấm dứt hợp đồng lao động hoặc lý do khác theo quy định của pháp luật lao động).

d) Số lao động không có nhu cầu tiếp tục làm việc ở doanh nghiệp khi được giao cho tập thể lao động.

đ) Số lao động nhận giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước

e) Tổng hợp phương án sử dụng lao động theo mẫu số 2 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Việc lập danh sách lao động trong phương án sử dụng lao động đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện bán quy định tại khoản 1 Điều này là thời điểm công bố giá khởi điểm doanh nghiệp, đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện giao quy định tại khoản 2 Điều này là thời điểm cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án giao doanh nghiệp.

Điều 4. Chế độ, chính sách đối với người lao động trong doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện bán, giao

Căn cứ phương án sử dụng lao động quy định tại Điều 3 Thông tư này đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Giám đốc doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện các thủ tục cần thiết để giải quyết các chế độ, chính sách đối với người lao động như sau:

1. Chia số dư bằng tiền của quỹ khen thưởng, phúc lợi:

Những người có tên trong danh sách thường xuyên (có hưởng lương, có đóng bảo hiểm xã hội, kể cả người đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, đang nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội ngắn hạn, nếu có) của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp được chia số dư bằng tiền (nếu có) của Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi quy định tại khoản 1, Điều 10 và điểm đ, khoản 2, Điều 22 Nghị định số 109/2008/NĐ-CP theo tổng số năm (đủ 12 tháng) làm việc thực tế của người lao động, tính từ thời điểm tuyển dụng đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để thực hiện bán, giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đó. Đối với phần tháng lẻ của tổng số năm làm việc thực tế để tính chia số dư Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi do doanh nghiệp quyết định.

2. Chế độ hưu trí:

Người lao động quy định tại điểm b, khoản 1 và điểm b, khoản 2, Điều 3 Thông tư này thực hiện giải quyết chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật.

3. Chế độ trợ cấp thôi việc:

Người lao động quy định tại điểm c, khoản 1 và điểm c, khoản 2, Điều 3 Thông tư này chấm dứt hợp đồng lao động thì giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc (nếu có) theo quy định tại khoản 1, Điều 42 của Bộ luật Lao động, Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ, Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH ngày 22 tháng 9 năm 2003 và Thông tư số 17/2009/TT-BLĐTBXH ngày 26 tháng 5 năm 2009 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 109/2008/NĐ-CP và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

4. Chế độ đối với lao động dôi dư:

Người lao động bên nhận mua doanh nghiệp không có nhu cầu tiếp sử dụng quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 3 và người lao động không có nhu cầu tiếp tục làm việc ở doanh nghiệp khi được giao cho tập thể lao động quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 3 Thông tư này thuộc đối tượng của Nghị định số 110/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty nhà nước thì giải quyết theo quy định tại Nghị định số 110/2007/NĐ-CP và Thông tư số 18/2007/TT-BLĐTBXH ngày 10 tháng 9 năm 2007 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 110/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty nhà nước.

5. Chế độ trợ cấp đối với lao động không thuộc diện dôi dư:

Người lao động bên nhận mua doanh nghiệp không có nhu cầu tiếp tục sử dụng quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 3 và người lao động không có nhu cầu tiếp tục làm việc ở doanh nghiệp khi được giao cho tập thể lao động quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 3 Thông tư này không thuộc đối tượng giải quyết chế độ lao động dôi dư của Nghị định số 110/2007/NĐ-CP thì giải quyết chế độ trợ cấp mất việc làm (nếu có) hoặc trợ cấp thôi việc (nếu có) theo quy định của Bộ luật Lao động.

Nguồn kinh phí trả trợ cấp thôi việc thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 109/2008/NĐ-CP và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Điều 5. Chính sách đối với người lao động tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp sau khi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã thực hiện bán, giao

Người lao động thuộc diện có nhu cầu sử dụng theo phương án bán, giao đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt được bên nhận mua, nhận giao tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã ký kết với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trước đó theo quy định tại Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động. Khi thôi việc, mất việc làm người lao động được giải quyết chế độ thôi việc (nếu có), mất việc làm (nếu có) theo quy định của pháp luật lao động và các cam kết có liên quan trong hợp đồng bán, giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã ký kết.

Điều 6. Chính sách đối với người lao động thuộc tập thể người lao động nhập giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước

1. Người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (hưởng lương, đóng bảo hiểm xã hội, kể cả người đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, đang nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội ngắn hạn, nếu có) tham gia nhận giao doanh nghiệp đó thì tại thời điểm giao được hưởng quyền sở hữu doanh nghiệp theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 109/2008/NĐ-CP. Thời gian để tính hưởng quyền sở hữu doanh nghiệp là thời gian thực tế làm việc tại khu vực nhà nước (tính cộng dồn), bao gồm:

a) Thời gian người lao động thực tế làm việc tại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang được hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

b) Thời gian có hưởng lương từ nguồn doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, ngân sách nhà nước (thời gian đào tạo, công tác …), hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (nghỉ ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp).

c) Thời gian làm việc theo hình thức khoán sản phẩm, khối lượng công việc mà trong thời gian này doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có trả lương và có đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động theo quy định của pháp luật.

2. Người lao động được hỗ trợ kinh phí tổ chức việc đào tạo, đào tạo lại để giải quyết việc làm từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp theo quy định tại khoản 4, Điều 25 Nghị định số 109/2008/NĐ-CP và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

3. Người lao động được đảm bảo việc làm tối thiểu là ba năm, kể từ ngày nhận giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước theo quy định tại khoản 2, Điều 21 Nghị định số 109/2008/NĐ-CP, trừ trường hợp người lao động tự nguyện chấm dứt hợp đồng lao động. Sau thời hạn cam kết trong phương án sử dụng lao động đã được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phê duyệt, chế độ trợ cấp thôi việc (nếu có), mất việc làm (nếu có), trợ cấp thất nghiệp (nếu có) đối với người lao động được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và các chính sách có liên quan.

Trường hợp doanh nghiệp sau khi giao cho tập thể người lao động lâm vào tình trạng phá sản, thực hiện phá sản thì chế độ, quyền lợi đối với người lao động được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản doanh nghiệp.

Điều 7. Trách nhiệm của Giám đốc và Ban Đổi mới tại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện bán, giao

1. Cung cấp thông tin cần thiết về lao động của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước cho bên đăng ký tham gia nhận mua, nhận giao theo quy định.

2. Giải quyết chế độ đối với người lao động theo phương án sử dụng lao động đã được phê duyệt (hoặc thỏa thuận ghi trong hợp đồng lao động) và các quy định của pháp luật trước khi tiến hành bàn giao tài sản, sổ sách và các hồ sơ có liên quan cho bên tiếp nhận theo thỏa thuận ghi trong hợp đồng bán, giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

3. Báo cáo về tình hình thực hiện phương án sử dụng lao động, gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có trụ sở chính của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện bán, giao.

Điều 8. Trách nhiệm của bên đăng ký nhận mua (trừ trường hợp đăng ký nhận mua theo phương thức đấu giá), nhận giao

1. Thu thập, phân tích tình hình lao động của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

2. Xây dựng phương án sử dụng lao động trong hồ sơ đăng ký tham gia nhận mua, nhận giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước theo quy định tại Điều 3 Thông tư này. Trường hợp đăng ký mua theo phương thức thỏa thuận trực tiếp thì phương án sử dụng lao động cũng được thỏa thuận thống nhất trực tiếp giữa các bên có liên quan trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

3. Trường hợp hồ sơ đăng ký tham gia mua, nhận giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phê duyệt thì bên được nhận mua, nhận giao có trách nhiệm thực hiện cam kết tiếp nhận, bố trí việc làm đối với số lao động chuyển sang theo phương án sử dụng lao động đã được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 9. Trách nhiệm của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp

Hướng dẫn, chỉ đạo doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và Ban Đổi mới tại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện đúng các chính sách đối với người lao động khi thực hiện bán, giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước theo quy định tại Điều 30, Điều 31, Điều 32 Nghị định số 109/2008/NĐ-CP và tổng hợp tình hình báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Điều 10. Trách nhiệm của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp, các cơ quan liên quan và Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện những quy định tại Nghị định số 109/2008/NĐ-CP và các văn bản pháp luật liên quan đối với người lao động, tổng hợp tình hình báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Điều 11. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký.

Bãi bỏ Thông tư số 29/2005/TT-BLĐTBXH ngày 19 tháng 10 năm 2005 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của chính sách lao động của Nghị định số 80/2005/NĐ-CP ngày 22 tháng 6 năm 2005 của Chính phủ về giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê công ty nhà nước.

2. Các chế độ, chính sách đối với người lao động quy định tại Thông tư này được áp dụng kể từ ngày Nghị định số 109/2008/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ về bán, giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có hiệu lực thi hành.

Trong quá trình thực hiện có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để nghiên cứu giải quyết.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Phạm Minh Huân

Share:

11 thg 1, 2010

BHXH Đà Nẵng: Khởi kiện các...'chúa chổm'

TP - Hai doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) kéo dài đã được hoàn chỉnh hồ sơ chuyển TAND TP Đà Nẵng. BHXH TP Đà Nẵng quyết tâm dùng biện pháp mạnh, bằng cách khởi kiện các chúa chổm của người lao động trên địa bàn.

Đào tào lại lao động ở Bình Dương. Ảnh: Nguyễn Cường

Hàng trăm doanh nghiệp nợ đọng

Gần một năm nay, chị Phạm Thị Huyền, chuyên viên Phòng Thu (BHXH Đà Nẵng) không ít lần ngược xuôi đến Nhà máy Đóng tàu Đà Nẵng để truy thu các loại BHXH cho người lao động nhưng lúc nào cũng nhận được cái lắc đầu, khất lần từ phía DN. Thậm chí sau ba lần cùng lực lượng chức năng lập biên bản, nhà máy này vẫn chưa đóng BHXH cho hơn 410 lao động.

Tính đến ngày 31-12-2009, nợ đọng dây dưa đã lên đến gần 1,7 tỷ đồng. Chị Huyền ngán ngẩm: Hai năm rồi khi tôi tiếp nhận nhiệm vụ thu BHXH tại DN này không ít lần phải chịu cảnh như thế.

Tại Cty CP Lilama 7, gần 450 công nhân lắp máy hơn 4 tháng nay cũng chưa được đơn vị đóng các loại BHXH theo quy định. Theo giải trình của ông Bùi Sơn Trường - Tổng GĐ Cty CP Lilama 7, số tiền nợ đọng BHXH - BHYT từ hết quý II - 2009 của Cty sẽ được chuyển trả hết cho đến ngày 31-12-2009, nhưng đến thời điểm này, Cty nợ gần 830 triệu đồng.

Đây chỉ là hai trong hàng trăm đơn vị đang nợ đọng BHXH - BHYT - Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đối với người lao động trên địa bàn. Theo ông Lê Văn Lịch - Giám đốc BHXH TP Đà Nẵng: Tính đến hết tháng 12– 2009, thành phố hiện có 3.121 đơn vị và 145.100 lao động tham gia BHXH và bảo hiểm bắt buộc. Tính chung trên địa bàn thành phố hiện có 679.917 người tham gia các loại hình BHYT chiếm hơn 76% dân số.

Vẫn có trên 600 đơn vị nợ đọng BHXH, bảo hiểm bắt buộc từ 3 tháng trở lên với số tiền gần 36 tỷ đồng. Đặc biệt, nhiều đơn vị còn nợ trên 1 tỷ đồng và thời gian nợ trên 45 tháng.

Ông Lịch cũng cho biết: Trước mắt, đơn vị đã hoàn chỉnh hồ sơ, nộp án phí lên TAND TP Đà Nẵng kiện hai chúa chổm là Nhà máy đóng tàu Đà Nẵng và Cty CP Lilama 7.

BHXH Đà Nẵng đồng thời đang hoàn chỉnh hồ sơ để chuyển tòa án hai doanh nghiệp khác là Nhà máy Công nghiệp Thời trang Xuất khẩu Sông Châu (nợ 12 tháng với hơn 740 triệu đồng), Cty Xây lắp và Công nghiệp Tàu thủy miền Trung (nợ 7 tháng) để chuẩn bị khởi kiện nhằm đòi quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Quyết liệt với doanh nghiệp vi phạm

Theo Phòng Kiểm tra - BHXH TP Đà Nẵng: Mỗi năm đơn vị tiến hành hơn 100 cuộc thanh kiểm tra riêng lẻ hoặc liên ngành tới các đơn vị DN lớn nhỏ liên quan đến vi phạm BHXH. Ngoài các DN ngoài quốc doanh, hiện có cả một số đơn vị hành chính, sự nghiệp cũng cố tình không tham gia 2 loại hình bảo hiểm bắt buộc này.

Ông Lịch cho biết, ước tính 50% các đơn vị dân doanh, kinh tế gia đình, kinh tế hộ, DN nhỏ vi phạm luật BHXH dưới hình thức kê khai không hết số lao động hiện có, kéo dài thời gian học việc của người lao động.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp nợ đọng dây dưa kéo dài, hay chiếm dụng tiền đóng BHXH. Các doanh nghiệp còn trốn đóng, hoặc tham gia nhưng cầm chừng hay kê khai tiền lương thấp hơn với số tiền lương thực tế của công nhân...

Lãnh đạo UBND TP cho rằng, Liên đoàn Lao động thành phố cần vào cuộc, với danh nghĩa đại diện cho công nhân để khởi kiện các doanh nghiệp vi phạm.
Theo Sở LĐ–TB–XH TP Đà Nẵng, kiểm tra tại 54 DN trên địa bàn trong năm 2009, cho thấy hơn 55% DN vi phạm nội quy lao động, gần 60% không thỏa ước lao động tập thể và chỉ 13% DN cấp số lao động đúng quy định...

Ngoài ra, phần lớn DN còn vi phạm về thang, bảng lương Quy chế trả lương thưởng... gây nhiều khó khăn trong việc thực hiện chính sách và đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Theo ông Lịch: Lẽ ra số đơn vị bị khởi kiện nhiều hơn và sớm hơn nhưng vướng ở khâu án phí. Chỉ tính riêng nộp án phí khởi kiện 2 DN trên, BHXH thành phố đã tạm ứng hơn 70 triệu đồng.

“Chúng tôi là cơ quan sự nghiệp nhà nước sẽ khó chấp nhận khoản chi án phí, nhưng vẫn quyết tâm thực hiện vì quyền lợi của lao động, vì an sinh xã hội” - Ông Lịch nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc mới đây với BHXH Đà Nẵng, ông Võ Duy Khương – Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu: Đơn vị có biện pháp quyết liệt với các DN vi phạm các loại BHXH, tiếp tục làm thủ tục khởi kiện các đơn vị nợ đọng dây dưa, kéo dài nhất là với doanh nghiệp nợ trên 1 tỷ đồng.

Nguyễn Huy
(Theo Tienphong)
Share:

8 thg 1, 2010

Ăn gì để chống lão hoá




(Xinh xinh) - Những món ăn dưới đây sẽ rất tốt cho những phụ nữ đã bước vào tuổi lão hoá! Các bạn hãy chú ý để cải thiện cho da của mình nhé!
1. Súp lơ và cá thu


Nguyên liệu: 1 miếng cá thu to, súp lơ, gừng, tỏi.

Gia vị: Chao, Muối, mì chính, rượu, đường, hạt tiêu, dầu salad.

Cách làm:

- Cá ướp muối và rượu, sau đó hấp 8~10 phút, lấy ra.

- Cho dầu vào chảo, cho bột hành, bột gừng và chao đã đã dập vào xào thơm, cho muối , mỳ chính, hạt tiêu vào , sau đó cho cá vào.

- Súp lơ dùng nước muối luộc chín, sau đó xếp xung quanh cá là được.
2. Thịt cá



Nguyên liệu: Cá trắm, thịt gà, nhân hạt thông, hạt ngô, cà rốt, ớt đỏ, ớt xanh.

Gia vị: Muối, mỳ chính, hạt tiêu, rượu, bột nêm, dầu salad.
Cách làm:
- Cá trắm, thịt gà cắt hình nhỏ, dùng muối, mỳ chính, rượu để ướp. Hạt ngô, cà rốt, ớt, thái hạt lựu nhúng qua nước sôi.

- Gà, cá lầm lượt tráng qua dầu, vớt ra.

- Cho ít dầu vào chảo, cho cá và rau vào xào, dùng muối, mì chính, hạt tiêu điều vị, cuối cùng cho bột nêm vào cho kết, sau khi lấy ra để vào 1 bên của đĩa.

- Sau đó lại xào gà giống như xào cá, xếp gà vào bên kia của đĩa là được.

3.Hành tây xào hải sản



Nguyên liệu: Hành tây, mực tươi, tôm tươi, thịt ghẹ, nấm rơm, 3 quả trứng gà.

Gia vị: Muối, mỳ chính, hạt tiêu, rượu, canh trong.
Cách làm:

- Đập trứng, thêm muối, mỳ chính, hạt tiêu, canh trong quấy đều, chưng chín, lấy ra.

- Lần lượt cho hành tây đã thái nhỏ, miếng nấm, hải sản vào luộc chín, sau khi vớt ra thì đặt lên trứng đã chưng chín .

-Cho nước canh trong vào nồi, dùng muối,mỳ chính, hạt tiêu, rượu vào điều vị, sau khi luộc sôi thì dưới lên hải sản và trứng là được.
Hứa Thuý
(Theo xinhxinh)
Share:

7 thg 1, 2010

Thông tư 41/2009/TT-BLĐTBXH ngày 31/12/2009 sửa đổi Thông tư 03/2007/TT-BLĐTBXH về BHXH



THÔNG TƯ SỐ 41/2009/TT-BLĐTBXH NGÀY 31 THÁNG 12 NĂM 2009 CỦA BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI HƯỚNG DẪN SỬA ĐỔI, BỔ SUNG THÔNG TƯ SỐ 03/2007/TT-BLĐTBXH NGÀY 30 THÁNG 01 NĂM 2007 VỀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 152/2006/NĐ-CP NGÀY 22 THÁNG 12 NĂM 2006 CỦA CHÍNH PHỦ HƯỚNG DẪN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI BẮT BUỘC

Căn cứ Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc (sau đây gọi tắt là Nghị định số 152/2006/NĐ-CP) và Nghị định số 190/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện (sau đây gọi tắt là Nghị định số 190/2007/NĐ-CP), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số khoản của Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 01 năm 2007 về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 152/2006/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH) đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH ngày 23 tháng 9 năm 2008 như sau:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số khoản vào Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Mục II chế độ thai sản phần B như sau:

“2. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con là 5 tháng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP áp dụng đối với lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm kể cả lao động làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; lao động nữ có thời gian làm việc từ đủ 6 tháng trở lên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên, trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con”.

2. Sửa đổi khoản 6 Mục II chế độ thai sản phần B như sau:

“6. Thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, thì cả người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội trong tháng đó nhưng vẫn được tính là thời gian có đóng bảo hiểm xã hội.”

3. Bổ sung vào cuối khoản 4 Mục III chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phần B như sau:

“Trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà sau đó không xác định được thời điểm điều trị xong, ra viện (trong giấy ra viện còn có chỉ định hẹn khám lại; tháo bột; tháo nẹp; tháo vít) thì thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa”.

4. Bổ sung khoản 12 vào Mục IV chế độ hưu trí phần B như sau:

“12. Tính hưởng chế độ hưu trí đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trước đó đã tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

a) Người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trước đó đã tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, thì thời gian làm cơ sở tính hưởng chế độ hưu trí là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Ví dụ 1: Ông A, có 10 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, sau đó có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội làm cơ sở tính hưởng chế độ hưu trí của ông A là 10 năm + 15 năm = 25 năm.”

b) Mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trước đó tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định tại khoản 2 Điều 40 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP được tính như sau:

Mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng BHXH (Mbqtl,tn)

=

Tổng các mức thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện

+

Mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH bắt buộc

x

Tổng số tháng đóng BHXH bắt buộc

Tổng số tháng đóng BHXH tự nguyện

+

Tổng số tháng đóng BHXH bắt buộc

Trong đó:

Mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính theo quy định tại Điều 31 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP và các khoản 4, 5, 6 mục IV Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH ngày 23 tháng 9 năm 2008 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội).

b1) Khi tính mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội, thì tiền lương, tiền công đối với đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt quy định tại Điều 32 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP và Điều 18 Nghị định số 190/2007/NĐ-CP.

b2) Mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội nêu trên được dùng làm căn cứ tính mức lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, trợ cấp tuất một lần.

Ví dụ 2: Ông A (ở ví dụ 1) có 10 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện với tổng các mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sau khi điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng là 138.000.000 đồng và có 15 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc với mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 2.200.000 đồng/tháng. Mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của ông A là:

Mbqtl,tn

=

{138.000.000đ + (2.200.000 đ/tháng x 15 năm x 12 tháng)}

{(10 năm x 12 tháng) + (15 năm x 12 tháng)}

= 1.780.000 đồng/tháng.

Ví dụ 3: Ông B đủ điều kiện hưởng lương hưu từ tháng 01/2013, có quá trình tham gia bảo hiểm xã hội như sau:

- Từ tháng 01/1993 đến tháng 12/2007 (15 năm) tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, sau đó bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc;

- Từ tháng 01/2008 đến tháng 12/2008 (1 năm) đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện với tổng các mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sau khi điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng là 8.200.000 đồng, sau đó bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện;

- Từ tháng 01/2009 đến tháng 12/2009 (1 năm) tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tiếp tục bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc;

- Từ tháng 01/2010 đến tháng 12/2011 (2 năm) đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện với tổng các mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sau khi điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng là 25.100.000 đồng, sau đó tiếp tục bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện;

- Từ tháng 01/2012 đến tháng 12/2012 (1 năm) tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Như vậy, ông B có 17 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 3.000.000 đồng/tháng.

Thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là 3 năm, tổng các mức thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sau khi điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng là:

8.200.000 đồng + 25.100.000 đồng = 33.300.000 đồng.

Mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng góp bảo hiểm xã hội của ông B được tính như sau:

Mbqtl,tn

=

{33.300.000đ + (3.000.000 đ/tháng x 17 năm x 12 tháng)}

{(1 năm + 2 năm) x 12 tháng + (15 năm + 1 năm + 1 năm) x 12 tháng)}

= 2.688.750 đồng/tháng.

c) Mức lương hưu hằng tháng được tính bằng tích số của tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng với mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại điểm b khoản này.

d) Người có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 20 năm trở lên, nếu mức lương hưu hằng tháng sau khi tính theo quy định tại điểm c khoản này mà thấp hơn mức lương tối thiểu chung thì được điều chỉnh bằng mức lương tối thiểu chung.

đ) Mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu được tính theo quy định tại khoản 4 Điều 28 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại điểm b khoản này.

e) Người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trước đó đã tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì điều kiện để hưởng bảo hiểm xã hội một lần thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội để tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần là tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại điểm b khoản này cho mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội. Trường hợp đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 3 tháng đến đủ 6 tháng thì mức hưởng bằng 0,75 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công, thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội; đóng bảo hiểm xã hội từ trên 6 tháng đến đủ 1 năm thì mức hưởng bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.”

5. Sửa đổi khoản 4 Mục V chế độ tử tuất Phần B như sau:

“4. Thân nhân của các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 36 nếu bị suy giảm khả năng lao động thì việc giám định mức suy giảm khả năng lao động xét hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP do tổ chức bảo hiểm xã hội giới thiệu. Thời hạn giới thiệu giám định mức suy giảm khả năng lao động trong vòng 4 tháng kể từ khi người lao động bị chết.

Trường hợp khi người lao động chết mà con đang trong độ tuổi hưởng trợ cấp hàng tháng, thì thời hạn giới thiệu giám định mức suy giảm khả năng lao động trong vòng 4 tháng trước và 4 tháng sau thời điểm dừng hưởng trợ cấp theo quy định. Khi có kết luận suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì được hưởng tiếp trợ cấp kể từ tháng dừng hưởng trợ cấp.”

6. Bổ sung khoản 6 vào Mục V chế độ tử tuất Phần B như sau:

“6. Trợ cấp tuất đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trước đó đã tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

a) Người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trước đó đã tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, thì thời gian làm cơ sở tính hưởng chế độ tử tuất là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện.

b) Người đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên khi chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 36 và Điều 37 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP.

c) Người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc dưới 15 năm hoặc có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên mà khi chết không có thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần, mức trợ cấp tuất một lần được tính như sau:

Mức trợ cấp tuất một lần = N x 1,5 x Mbqtl,tn

Trong đó:

- N: số năm đóng bảo hiểm xã hội (bao gồm cả bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc).

- Mbqtl,tn : mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 6a mục IV phần B Thông tư này.

Mức trợ cấp tuất một lần thấp nhất bằng 3 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.

d) Người đang hưởng lương hưu mà có dưới 15 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc có từ đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên nhưng không có thân nhân thuộc diện hưởng tiền tuất hằng tháng thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần, cách tính như quy định tại khoản 2 mục V phần B Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH; mức thấp nhất bằng 3 tháng lương hưu đang hưởng trước khi chết.”

7. Bổ sung vào cuối điểm b khoản 5 phần D như sau:

“Thời điểm hưởng lương hưu của đối tượng này tính từ tháng liền kề sau tháng đủ thời gian 20 năm đóng và nộp đủ hồ sơ.

Ví dụ 4: Ông C đủ tuổi đời để hưởng chế độ hưu trí vào tháng 4/2009, tính đến tháng 4/2009 ông mới có 19 năm 7 tháng đóng bảo hiểm xã hội. Trường hợp ông C được đóng tiếp cho 5 tháng còn thiếu. Tháng 5/2009 ông C đóng một lần cho 5 tháng còn thiếu và nộp đủ hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Vậy thời điểm hưởng lương hưu của ông C được tính từ tháng 9/2009.

Ví dụ 5: Trường hợp ông C (ở ví dụ 4), tháng 11/2009 ông C mới đóng đủ tiền cho 5 tháng còn thiếu và nộp đủ hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Vậy thời điểm hưởng lương hưu của ông C được tính từ tháng 12/2009.”

8. Bổ sung vào cuối điểm c khoản 5 phần D như sau:

“Thời điểm hưởng tuất hàng tháng của các đối tượng này tính từ tháng liền kề sau tháng người lao động chết”.

9. Bổ sung các khoản 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19 và khoản 20 vào Phần D như sau:

“13. Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng trước ngày 01/01/2007 thì việc trang cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình được thực hiện theo hướng dẫn tại các văn bản ban hành trước ngày 01/01/2007.

14. Người đang hưởng trợ cấp bệnh binh, sau đó có thời gian tham gia công tác và đóng bảo hiểm xã hội thì ngoài chế độ bệnh binh còn được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Thời gian tính hưởng bảo hiểm xã hội là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội, thời gian công tác tính hưởng chế độ bệnh binh không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội.

15. Bản sao giấy tờ định cư ở nước ngoài đối với người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong trường hợp ra nước ngoài để định cư quy định tại khoản 4 Điều 120 Luật Bảo hiểm xã hội là Bản thị thực nhập cảnh được lưu trú dài hạn hoặc Thẻ thường trú hoặc Giấy xác nhận lưu trú dài hạn do cơ quan có thẩm quyền nước sở tại cấp; các giấy tờ này được dịch và công chứng.

16. Giấy ra viện hoặc phiếu hội chẩn của bệnh viện đối với người lao động mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày, quy định tại khoản 2 Điều 112 Luật Bảo hiểm xã hội, trong đó có ghi rõ tên bệnh mà người lao động phải điều trị. Việc thanh toán chế độ ốm đau, được thực hiện theo hồ sơ của từng đợt người lao động nghỉ việc để điều trị (nội trú hoặc ngoại trú).

17. Thời gian là cán bộ xã được tính hưởng bảo hiểm xã hội của người lao động được coi là thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do nhà nước quy định để làm cơ sở tính mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội.

18. Việc tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo hướng dẫn tại các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, quân nhân và công an nhân dân.

19. Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện không được tính hưởng chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

20. Người đang hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng tạm dừng do mất tích, sau đó tòa án tuyên bố là đã chết thì thời gian từ khi dừng hưởng đến khi tòa án tuyên bố là đã chết không được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng”.

Điều 2. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.

2. Quy định tại các khoản 1, 2, 4, 6, 7, 8 và các điểm 13, 14, 15, 17, 18, 19, 20 của khoản 9 Điều 1 Thông tư này áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2007.

Quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư này áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2008.

3. Trong quá trình thực hiện, mọi vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Phạm Minh Huân

Share:

Khắc phục lỗi không cài đặt được Adobe Flash Player trong Firefox



Hiện nay, flash gần như là phần không thể thiếu trên các trang web. Vì vậy, việc cài đặt Adobe Flash Player cho trình duyệt để chơi các file flash là việc cần thiết.
Tuy nhiên, tiến trình cài đặt này trong Firefox, đặc biệt là đối với phiên bản 3 và trong Windows Vista, đôi lúc không được suôn sẻ. Bạn đã nhấn nút “Install Missing Plugins” (hình 1) khi được yêu cầu, làm theo các hướng dẫn, khởi động lại Firefox, nhưng vẫn không thể hoàn thành việc cài đặt được.
Thay vì thực hiện lại các bước trên với hy vọng thành công không nhiều, bạn hãy tự mình tiến hành cài đặt plugin này. Bạn chỉ tốn công hơn một chút nhưng mức độ thành công là 99%. Hơn nữa, bạn có thể áp dụng tương tự cách cài đặt đó cho bất kỳ plugin nào, không nhất thiết là chỉ với Adobe Flash Player.
Xem ảnh lớn
Hình 1

Đầu tiên, bạn tải file cài đặt Adobe Flash Player về máy tính từ địa chỉ http://fpdownload.macromedia.com/get/flashplayer/xpi/current/flashplayer-win.xpi. Sau đó, bạn đổi tên file flashplayer-win.xpi thành flashplayer-win.xpi.zip.
Bởi vì bạn đã đổi phần mở rộng từ xpi thành zip nên bạn có thể nhấn đúp chuột vào file trên để xem các file được chứa trong nó. Tiếp theo, bạn copy 2 file flashplayer.xptNPSWF32.dll nằm trong file zip (hình 2) vào thư mục chứa plugin của Firefox là hoàn thành việc cài đặt:

- Nếu muốn cài đặt plugin cho mọi tài khoản Firefox, bạn chép 2 file trên vào thư mục C:\Program Files\Mozilla Firefox\plugins.

- Nếu muốn cài đặt plugin cho riêng tài khoản Firefox của bạn, bạn làm như sau: dùng Windows Explorer tìm đến đường dẫn %APPDATA%\Mozilla (hình 3) rồi tạo thư mục Plugins (hình 4), sau đó chép 2 file trên vào thư mục Plugins mới tạo.
Xem ảnh lớn
Hình 2
Xem ảnh lớn
Hình 3
Xem ảnh lớn
Hình 4

Muốn kiểm tra việc cài đặt có thành công hay không, bạn đánh dòng lệnh “about:plugins” vào thanh địa chỉ của Firefox để theo dõi danh sách các plugin đã được cài đặt (hình 5).
Xem ảnh lớn
Hình 5

Ngô Bảo Khoa
(Theo xahoithongtin)
Share: