17 thg 11, 2010

Biết mua, biết xài màn hình LCD, lợi trăm bề...


 
 Màn hình là “đối tác” ảnh hưởng sức khỏe nhiều nhất đến người sử dụng khi làm việc bằng máy tính. Có một màn hình tốt sẽ giúp cho người dùng thoải mái trong làm việc, sảng khoái khi giải trí. Màn hình dành cho máy tính dạng tinh thể lỏng (monitor LCD) không còn là sản phẩm “xa xỉ” với nhiều người tiêu dùng. Nó đã dần thay thế màn hình dùng bóng đèn hình (monitor CRT) do có nhiều ưu điểm như: thiết kế đẹp, mỏng, nhẹ, màu sắc rực rỡ, tốt cho sức khỏe, giảm thấp nguy cơ bị hội chứng suy giảm thị lực vì máy tính (CVS) với những triệu chứng như: đau đầu, mất tập trung, nhìn hình bị nhòe hay mờ, mỏi hoặc đỏ mắt...
Xin được đề cập vài “bí quyết” để người tiêu dùng yên tâm hơn khi chọn một màn hình LCD phù hợp với công việc và tiết kiệm trong thời “thóc cao gạo kém” cũng như cách bảo quản để kéo dài tuổi thọ. 

1 Chọn “vuông” hay wide? Màn hình LCD “vuông” là loại màn hình được chia theo tỉ lệ tương ứng (dài:rộng) là (4:3) nên phù hợp với đa số ứng dụng trên máy tính. Màn hình LCD wide là loại có khung hiển thị hình chữ nhật theo tỉ lệ 16:9 (hay 16:10) nên thích hợp khi xem phim với các định dạng như DVD/HD DVD trên đầu đĩa quang hoặc từ ổ đĩa cứng. Dòng màn hình này phù hợp với những ai thường thao tác với các bảng tính Excel vì dễ quan sát các cột. Cần nhớ rằng, nếu cùng kích thước, màn hình LCD “vuông” bao giờ cũng cho khung hình hiển thị thực tế lớn hơn LCD wide. Hiện nay dòng wide xuất hiện nhiều model hơn dòng “vuông”.

2 Kích thước: Phổ biến từ 15-inch đến 24-inch, trong đó kích thước có nhiều sản phẩm nhất là 17-inch và 19-inch. Nếu dùng trong văn phòng, nên chọn dòng 17-inch vì có nhiều sản phẩm để chọn lựa, giá cả không cao hơn bao nhiêu so với loại 15-inch cùng thương hiệu. Nếu dùng để thiết kế đồ họa hay chơi game, loại màn hình 19-inch là kích thước lý tưởng, nhưng sẽ tuyệt vời hơn nếu dùng loại 22-inch. Cũng đã xuất hiện những màn hình LCD loại 24-inch nhưng giá rất đắt, chỉ mua khi thật sự cần thiết như dùng để trình diễn hay trong đồ họa chuyên nghiệp (các công ty chuyên về thiết kế đồ họa). Cần chú ý, màu của màn hình LCD bình thường không chuẩn bằng CRT. Nếu mua màn hình LCD chỉ để xem phim hay tivi hãy cân nhắc kỹ vì giá của loại 24-inch trở lên tương đương, thậm chí cao hơn tivi LCD 32-inch.

3 Độ phân giải: Về nguyên tắc, khi mua màn hình LCD hãy chọn model nào có độ phân giải càng cao càng tốt. Nhưng trên thực tế, hầu như độ phân giải đã được chuẩn hóa theo từng kích thước (xem bảng).
Khi chọn màn hình, nên yêu cầu nhân viên bán hàng hoặc chính tay người mua “set” độ phân giải hết khả năng cho phép. Chú ý, chỉ mua khi trên màn hình đã “set” độ phân giải theo hướng tối ưu nhất mà hình ảnh và phông chữ vẫn sắc nét (khác với màn hình CRT, hình ảnh trên màn hình LCD chỉ đẹp ở độ phân giải nhất định).

4 Độ tương phản: Thông số này chỉ mang tính tương đối, cần phân biệt tương phản “động” và “tĩnh”. Tương phản “động” là công nghệ tự động cân chỉnh độ tương phản phù hợp khi hình ảnh bị thiếu sáng. Còn độ tương phản tĩnh là công nghệ “bản chất” của màn LCD do nhà sản xuất quy định. Thông số này càng cao càng tốt. Đối với màn hình LCD, độ tương phản tĩnh chỉ cần 700:1 là được. Các hãng sản xuất của Hàn Quốc và Đài Loan như LG, Acer... hay “trương” độ tương phản động lên “vài chục ngàn:1” chỉ để quảng cáo, thực chất độ tương phản tĩnh của những nhãn hiệu này tối đa cũng dừng lại ở mức 1000:1.

5 Độ sáng: Vì các monitor LCD được thiết kế để làm việc với khoảng cách khá gần nên độ sáng từ 300-450 cd/m2 là thích hợp nhất. 

6 Góc nhìn: Khi chọn sản phẩm, nhớ nhìn “xéo” (nhìn từ trên xuống, dưới lên hay trái phải) để xem màu sắc bị biến đổi nhiều hay ít. Nên chọn loại có góc nhìn càng rộng càng tốt, tối đa là 1780 cho cả hai chiều. Muốn kiểm tra góc nhìn phải dùng “mắt thường” để xem thực hư thế nào, không nên xem các con số lý thuyết in trên bảng báo giá.

7 Tần số đáp ứng: Là khoảng thời gian để một điểm ảnh chuyển màu. Màn hình LCD đời mới có tần số đáp ứng bằng hoặc nhỏ hơn 8ms. Nếu có điều kiện, nên chọn loại 2ms. Nhờ giảm thời gian đáp ứng trung bình xuống dưới 5ms mà các dòng màn hình LCD đã loại bỏ hiện tượng “bóng ma” của các chuyển động nhanh như xem phim hay chơi game.

8 Cổng kết nối: Một màn hình LCD cao cấp phải có các cổng kết nối như sau:
• D-sub (hay VGA) là chuẩn analog đã và đang phổ biến trên nhiều màn hình dành cho máy tính (kể cả màn hình CRT). 
• DVI là chuẩn “số” (digital) cho chất lượng hình ảnh trung thực hơn vì không phải thông qua “phép biến đổi tương tự” như dạng analog. Khi kết nối, cần chú ý xem card màn hình trên PC có cổng DVI hay không mới gắn vào màn hình được vì một số PC đời cũ không có cổng DVI.
• HDMI là cổng kết nối độ rõ nét cao, chỉ xuất hiện trên một số model đời mới đắt tiền. Chỉ với một cổng nhưng HDMI có thể truyền tải cả hình ảnh và âm thanh. Đặc biệt, cổng này được thiết kế dành để xem hình ảnh chuẩn HD hoặc HD Scale (chuyển đổi từ những định dạng chuẩn sang HD). Ngoài ra, một số model còn tích hợp cổng kết nối như: S-video, composite, component... dùng để “giao lưu” với các thiết bị điện tử khác như đầu CD/DVD, thiết bị chơi game...

9 Tốc độ quét hình: Đã có các màn hình LCD có tần số quét 100Hz - 120Hz, nhưng đa số vẫn là các model phổ biến ở tần số quét 60Hz/75Hz. Tuy nhiên, tốc độ quét này sẽ không gây mỏi mắt như trên màn hình CRT. Nếu có nhiều tiền, nên chọn các loại màn hình có tốc độ quét hình cao sẽ giúp hình ảnh chuyển động mịn màng hơn.

 Màn hình Wide                                                        Màn hình vuông
10 Điểm chết: Là các pixel không chuyển màu được. Mặc dù công nghệ chế tạo tấm nền (panel) ngày nay đã loại bỏ rất tốt hiện tượng “điểm chết” nhưng vẫn phải kiểm tra. Các hãng có chế độ bảo hành “điểm chết” khác nhau, từ 1 đến 4 điểm chết, nhưng không nên mua màn hình LCD bị điểm chết dù giá có rẻ. Nếu phát hiện, phải kịp thời đổi lại hàng khác tùy theo thời gian cho phép đổi của từng nhà phân phối.

11 Kích thước điểm ảnh: Thông số này càng nhỏ càng tốt. Thường các model cao cấp sẽ có kích thước điểm ảnh rất nhỏ nên khi đọc văn bản sẽ cho phông chữ sắc nét. Nên chọn các model có kích thước điểm ảnh nhỏ hơn 0.28mm.

12 Đèn nền (Backlight): 
Đây là một trong những chi tiết thể hiện đẳng cấp của màn hình LCD. Các dòng rẻ tiền thường bị hiện tượng “hở sáng” (backlight blending), nghĩa là thấy ánh sáng chói phát ra từ đèn cao áp ở mép màn hình. Khi chọn màn hình, không nên chọn những sản phẩm có nhược điểm này.

13 Độ sâu của màu đen và độ thực của màu trắng cũng là 2 yếu tố quyết định đến chất lượng màn hình LCD. Do phải dùng đèn nền nên màu đen của màn hình LCD thường bị sáng hơn làm hình ảnh không thực khi xem video. Các dòng cao cấp thường cho màu đen khá tốt, còn màu trắng không bị ngả sang vàng.

14 Tấm nền (panel): Có thể nói 80% chất lượng và thuộc tính của màn hình LCD như: độ tương phản tĩnh, góc nhìn, thời gian đáp ứng, màu sắc... đều do panel quyết định. Nhưng đây cũng là thông số ít được biết đến vì các nhà sản xuất thường “quên” công bố yếu tố này. Một số hãng sản xuất như: AU Optronics, BOE/Hydis, Chimei, CPT, HannStar, Hitachi, IDTech, InnoLux, LG-Philips, Mitsubishi, Quanta Display, Samsung, Sharp, Toppoly, Tottori Sanyo, TMDisplay... Rắc rối là vậy nhưng có thể kiểm tra panel bằng cách vào mạng. Khi kiểm tra, nếu là loại dùng công nghệ TN thường có giá thành khá rẻ, thời gian đáp ứng tốt nhưng góc nhìn và màu sắc hạn chế. Còn loại PVA hay IPS có chất lượng hình ảnh, góc nhìn, thời gian đáp ứng tốt hơn nhưng giá thành cao, thường dùng trong các model cao cấp của Dell, Phillips, Samsung, LG...

15 Các tính năng cộng thêm: 
• Loa tích hợp: Thường có công suất từ 2 - 10 W nên chỉ đủ đáp ứng nhu cầu tối thiểu về âm thanh. Những màn hình LCD có gắn kèm loa sẽ nặng hơn. Không nên căn cứ vào thông số này để chọn mua màn hình LCD. Cách tốt nhất, không nên chọn mua màn hình có loa vì tốn thêm tiền, chẳng để làm gì!
• Webcam và micro tích hợp: Hai phụ kiện này có lợi hơn cho người sử dụng, nhưng chất lượng của chúng chỉ ở mức tích hợp cho... vui.
• Cổng kết nối USB ngay trên màn hình: Loại USB Hub này thật sự cần thiết và tiện dụng vì nó bổ sung thêm một số cổng USB cho hệ thống và ở vị trí dễ thao tác.
• Xem được chương trình tivi trên các công nghệ: analog, cáp, vệ tinh là nhờ được tích hợp bộ bắt sóng và giải mã analog (TV Tuner). Chất lượng hình ảnh hiển thị trên màn hình LCD không thua kém gì TV LCD. Chú ý, nên xem gần để hình ảnh rõ hơn.
• Đế xoay: Nên chọn mua các loại màn hình mà chân đế có thể xoay nhiều hướng và tăng giảm độ cao. Yếu tố này dễ bố trí không gian làm việc và “sành điệu” hơn.
• Adapter: Các dòng màn hình LCD có adapter tích hợp sẵn bên trong thường nặng và nóng hơn loại có adapter nằm bên ngoài. Mặt khác, khi gặp hư hỏng phần nguồn, loại adapter gắn trong sẽ khó trị hơn.
• Có logo HDCP: Khi thấy biểu tượng HDCP trên màn hình, có nghĩa là loại màn hình đó tương thích với chuẩn HD DVD và Blu-ray.
• Có phím điều khiển cảm ứng sẽ giúp thao tác trực quan hơn nhưng chưa chắc đã dễ dàng hơn việc nhấn nút của những loại monitor LCD thế hệ đầu tiên.
• Cảm ứng đa điểm: Dù có nhiều tiện ích nhưng phạm vi sử dụng hạn chế như trong các quầy thanh toán siêu thị, sân bay... ít sử dụng ở phạm vi gia đình.


Của bền tại người...

Màn hình LCD là một thiết bị mỏng manh, vì vậy khi sử dụng cần chú ý các vấn đề sau:
• Không gây va chạm mạnh vì mặt màn hình tinh thể lỏng khá “nhạy cảm”. Không để điện thoại di động và loa ở gần màn hình vì gây nhiễu sóng điện từ, không để vật nặng va chạm hoặc đè lên.
• Không lấy tay hay vật cứng chọc lên bề mặt màn hình vì dễ để lại vết “bầm” (mạch panel bị hở).
• Sử dụng đúng điện áp để tránh hỏng bộ nguồn.
• Đặt màn hình LCD nơi thoáng mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mạnh, hơi nóng, ẩm hay nước.
• Không nên để ánh đèn rọi trực tiếp vào LCD sẽ gây hiện tượng chói sáng, khó xem.
• Lau chùi mặt màn hình LCD bằng dung dịch rửa chuyên dụng (có bán tại các cửa hàng linh kiện máy tính) nhưng tránh phun trực tiếp dung dịch lên màn hình mà phun lên khăn mềm (thường kèm theo chai dung dịch) rồi lau lên màn hình. Không được dùng dung dịch tẩy rửa có Acetone, Ethyl alcohol, Toluene, Ethyl axit, Ammonia (NH3) hay Methyl chloride... vì những hóa chất này làm “chai mặt” màn hình. 
• Monitor LCD có tuổi thọ nhất định. Vì vậy, nếu không dùng một thời gian dài, bạn hãy tắt nó ngay, không nên lạm dụng việc chạy trình “screensaver”.
• Chọn độ phân giải tối ưu nhất cho từng kích thước màn hình LCD.
 

Xóa những vết xước, vết mực
 Cách xóa vết xước trên màn hình LCD: Nếu sơ ý làm xước màn hình hãy dùng mỡ Vaseline lấp đầy vết xước trên màn hình. Phương thức này hoạt động hiệu quả vì mật độ quang học của Vaseline khá gần với bề mặt LCD so với không khí. Chỉ cần làm sạch màn hình, sau đó bôi Vaseline vào vết xước, nhẹ nhàng lau sạch hết Vaseline thừa. Chú ý đừng lau quá sạch, phải để lại Vaseline vừa đủ trong vết xước.
• Cách xóa mực bút dạ quang trên màn hình LCD: Trước hết, làm sạch màn hình, dùng bút viết bảng (loại có thể xóa được) viết đè lên vết mực (vì trong mực của bút viết bảng có cồn dẫn mực), sau đó dùng khăn mềm lau mực bút dạ quang.
 
Smartly buying and smartly using for LCD monitor: MULTI-BENEFITS
Monitor is a “partner” that has most directly affects on users’ health while working on computer. A good monitor will help users feel comfortable while using it, and joyful while entertaining. LCD monitor now is no longer a “luxurious” product to many people. It gradually replaces CRT monitor for its advantages: beautiful, slim and light design; its splendid colors, good for health; decrease the computer vision syndrome with symptoms such as: headache, loose focus, blurred view or tired or red eyes…
Here we would like to mention some “know how” with better reassure the customers when choosing a LCD monitor appropriate for working and take economy in the time of “rat race” as well as how to maintain the monitor to prolong its life.
Trần Bình - Vương Vũ
(Nguồn: mediazone.vn)
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết trên. Nếu có ý kiến hay góp ý gì, mong bạn vui lòng để lại vài dòng vào ô nhận xét bên dưới. Chúc bạn một ngày vui vẻ!