11 thg 5, 2010

ý nghĩa ngày giỗ tổ Hùng Vương

Hình ảnh Lăng vua Hùng

Hàng năm cứ đến ngày 10 tháng 3 âm lịch chúng ta lại tổ chức ngày giỗ Tổ Hùng Vương:

Dù ai đi ngược về xuôi,
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba.
hay

Ai về Phú Thọ cùng ta,
Vui ngày giỗ Tổ tháng ba mồng mười.

Theo âm lịch, một năm có mười hai tháng, ba trăm sáu mươi ngày, tại sao tổ tiên ta lại chon ngày mồng mười tháng ba âm lịch mà không chọn một ngày tháng nào khác? Hiển nhiên ngày giỗ Tổ Hùng Vương phải mang một ý nghĩa gì liên hệ với Tổ Hùng Vương. Bắt buộc. Bắt buộc. Và Bắt buộc. Trong Ca Dao Tục Ngữ, Tinh Hoa Dân Việt, tôi đã chứng minh là những ngày giỗ, tết, vía, kị, kỷ niệm trong văn hóa Việt Nam như ngày lễ Lạc Long Quân, Thánh Dóng, Hai Bà Trưng, vân vân, thường thường đều chọn ngày tháng theo Dịch lý. Vì vậy ngày giỗ Tổ Hùng Vương bắt buộc cũng phải chọn theo Dịch lý dựa vào bản thể của Hùng Vương.

Theo truyền thuyết ta đã biết Mẹ Tổ Âu Cơ “sinh ra một cái bọc trứng chim” nở ra trăm Lang Hùng. Cái bọc này là bọc gì? Cái bọc này mang hình ảnh của bọc, túi, nang, Trứng Vũ Tru (Cosmic Egg) (tương đương với đĩa thái cực). Như thế bản thể của các vua Hùng là bọc, bầu taọ hóa, bọc sinh tạo, bầu vũ trụ, bầu nòng nọc, bầu âm dương, bầu càn khôn.
Cái bọc, cái nang chỉ nở ra “một trăm Lang Hùng”, toàn là con trai, phái nam tức bọc nang này mang dương tính. Các Lang sinh ra từ một cái nang tạo hóạ. Đúng như ta đã bịết L là dạng nam hóa của N, Lang là dạng nam hóa của Nang (Tiếng Việt Huyền Diệu). Bọc mang dương tính ở cõi đại vũ trụ, cõi trời là bọc khí, gió ứng với Đoài vũ trụ và bọc mang dương tính ở cõi thế gian là bọc nước ấm tức ao đầm ứng với Đoài thế gian. Cái “bọc vất ra ngoài đồng” chỉ nở ra một trăm Lang Hùng cho thấy bản thể của Hùng Vương là “bọc” khí gió Đoài vũ trụ” (có bản thể là khí gió nên đóng đô ở đất Phong châu tức châu Gió) và “vất ra ngoài đồng” là ao đầm, ruộng đồng Đoài thế gian (nên đóng đô ở Việt Trì tức Ao Việt). Hùng Vương thuộc dòng thần mặt trời Viêm Đế, là những vua mặt trời hừng rạng. Như thế Hùng Vương có hai khuôn mặt chính là Đoài vũ trụ tức Mặt Trời Sinh Tạo, Tạo Hóa (Sun as Creator) đội lốt Thần Mặt Trời Viêm Đế tương đương với Thần Mặt Trời Ra của Ai Cập cổ và một khuôn mặt thứ hai là Đoài thế gian. Đây là các vị vua Hùng Mặt Trời cai trị vùng đất ao đầm, ruộng nước. Đây có thể là các vị Hùng Vương của lịch sử Việt đội lốt truyền thuyết.

Để hiểu rõ ý nghĩa của các con số 10 và 3 trong ngày giỗ Tổ, xin nhắc qua một chút về giá trị của các con số trong Dịch tính theo nhị nguyên so với các con số bách phân. Dịch có 64 quẻ chia ra làm 8 chuỗi luân chuyển, tuần tự hay 8 tầng. Mỗi chuỗi, mỗi tầng có 8 quẻ. Những số tương ứng (các số tương ứng là những bội số cộng 8 của nhau) trong 8 chuỗi, tám tầng đều mang một trị số như nhau nhưng mang ý nghĩa khác nhau vì ở các tầng, các tượng khác nhau trong Vũ Trụ luận. Ví dụ số 0 tầng 1, số 8 tầng 2, số 16 tầng 3, số 24 tầng 4, số 32 tầng 5 v.v… . . . đều là số Khôn cả nhưng số 0 là Khôn tầng 1 tức tầng tạo hóa (hư không), số 8 là số Khôn tầng 2 tức tầng đất dương thế gian. Vì cùng là Khôn cả nên các số Khôn đều có một trị số như nhau ví dụ số 0 = 32 . Điểm này ta thấy rất rõ như trong nhiệt học, 0 độ bách phân (celcius) = 32 độ Farenheit (Ca Dao Tục Ngữ, Tinh Hoa Dân Việt).

Theo Dịch, số 3 là số Đoài tầng 1 tức Đoài vũ trụ và số 11 là số Đoài tầng 2 tức Đoài thế gian (11 = 3 + 8). Như thế giỗ Tổ Hùng Vương vào tháng 3 là tháng Đoài vũ trụ ứng với khuôn mặt Đoài vũ trụ của Hùng Vương. Ngày giỗ là ngày10 tức Khảm tầng 2 thế gian (số 2 là Khảm tầng 1 và 10 = 2 + 8). Ta thấy Khảm 10 bước thêm một bước nữa về phía tay phải tức chiều dương là số Đoài 11, nói một cách khác, Đoài thế gian 11 là khuôn mặt dương của số Khảm thế gian 10 (Đoài IIO là thiếu âm IO, nguyên thể của khí gió của nọc dương I trong khi Khảm OIO là thiếu âm IO, nguyên thể của khí gió của nòng âm O). Như thế suy ra số Khảm 10 tầng 2 đất thế gian là khuôn mặt âm của Đoài đất thế gian 11. Do đó ngày giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10 là khuôn mặt âm của Đoài đất thế gian 11 và tháng 3 âm lịch ứng với Đoài vũ trụ tạo hóa dương. Ngày tháng giỗ Tổ ứng với hai khuôn mặt âm dương của Tổ Hùng Vương có bản thể là Đoài thích hợp với hai khuôn mặt âm duơng của Hùng Vương chia ra làm hai ngành là ngành Nước, âm cha Lạc Long Quân xuống biển và ngành Lửa, dương mẹ Âu Cơ lên núi.

Hùng Vương Đoài sinh ra từ cái bọc, cái bao vũ trụ nên có một vật biểu là một con vật có cái mai khum tròn như con rùa, con cua biểu tượng cho bọc, bao, túi, bầu vũ trụ, bầu trời, vòm vũ trụ, vòm trời, biểu tượng cho vũ trụ, càn khôn. Phần trên của mai khum tròn biểu tượng cho trời (càn), phần dưới dẹt hình vuông biểu tượng cho đất (đất). Con cua tương đương với con rùa hộp, rùa ba ba, rùa qui vì con cua cũng có mai tương đương với mai rùa. Ta cũng thấy rùa và cua tương đương với nhau qua ngôn ngữ học, từ rùa và cua biến âm và ruột thịt với nhau. Mã Lai ngữ kura hay cuora là con rùa chính là Việt ngữ cua, chúng ta cũng gọi con rùa hộp ba ba là con “cua đinh”. Như thế rùa ruột thịt với cua. Con rùa có mai hình vòm được dùng làm biểu tượng cho cho vòm trời, vòm vũ trụ, bầu trời, bầu vũ trụ, khí gió tức, biểu tượng cho vũ trụ, càn khôn, trời đất, âm dương liên hệ với Dịch ví dụ như con rùa có mai “ba thước vuông” của Việt Thường của cổ Việt, con rùa ở sông Lạc dâng Lạc thư cho vua Vũ, con rùa thường thấy đi chung với Phục Hy. . . Dân gian Việt Nam sống ở vùng đất thấp ruộng nước nên dùng con cua, một con vật thân quen làm biểu tượng cho Dịch thay cho con rùa qui. Đó là Việt Dịch Con Cua Hùng Vương hay Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc (xin xem tác phẩm này). Trên bàn Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc, Hùng Vương Đoài có một khuôn mặt là con cua. Vì vậy ngày giỗ Tổ Hùng Vương liên hệ mật thiết với con cua. Muốn nhớ ngày giỗ tổ Hùng Vương chỉ cần nhớ tới con cua qua câu ca dao:

Con Cua tám cẳng hai càng,
Một mai hai mắt rõ ràng con cua.

Tám (8) cẳng cộng với hai (2) càng là 10. Cẳng và càng hình que mang dương tính ứng với mặt trời, với ngày (một ngày là một mặt trời, một dương). Vậy tám cẳng cộng hai càng là ngày mười. Một (1) mai cộng với hai (2) mắt là 3. Mai hình vòm ứng với vòm vũ trụ, vòm trời mang âm tính và âm đi với trăng là nguyệt, là tháng. Vậy một mai công hai mắt là tháng 3.

Câu ca dao này là cái bùa giúp trí nhớ, giúp ta nhớ ngày giỗ Tổ và cũng cho biết Hùng Vương có mạng Đoài có một khuôn mặt biểu tượng dân gian là con cua. Chúng ta có một loại Dịch con cua. Đó là Việt Dịch Bầu Cua Cá Cọc.

Tóm lại ngày giỗ Tổ Hùng Vương 10 tháng 3 âm lịch là ngày tháng liên hệ với hai khuôn mặt âm dương của bản thể Đoài của Tổ Hùng Vương, sinh ra từ một cái bọc, cái bầu tạo hóa, bầu vũ trụ.

Nguyễn Xuân Quang
(Theo anviettoancau)
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết trên. Nếu có ý kiến hay góp ý gì, mong bạn vui lòng để lại vài dòng vào ô nhận xét bên dưới. Chúc bạn một ngày vui vẻ!