14 thg 12, 2009

Thành phố Đà Nẵng 120 năm tuổi

http://www.tpic.danang.gov.vn/upload/Image/DaNang.jpg


1- Trước khi bị biến thành "nhượng địa" cho Pháp bởi đạo dụ ngày 27 tháng 8 năm Mậu Tý (1-10-1888) của vua Đồng Khánh và được viên Toàn quyền Đông Dương phê chuẩn chính thức vào ngày 3-10-1888, Đà Nẵng vốn nằm trong tổng Bình Thái Hạ của huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Giới hạn ban đầu của “nhượng địa” này gồm 5 xã thôn thuộc tổng Bình Thái Hạ của huyện Hòa Vang: Hải Châu, Phước Ninh, Thạch Thang, Nam Dương, Nại Hiên với tổng diện tích 20.000 mẫu ta (10.000ha).

Đến năm 1901, do sức ép của thực dân Pháp, vua Thành Thái phải ra đạo dụ ngày 15-1-1901 cắt tiếp các xã thôn: Xuân Đán, Thạc Gián, Liên Trì, Bình Thuận, Xuân Hòa, Thanh Khê, Đông Hà Khê, An Khê thuộc huyện Hòa Vang và Mỹ Khê, An Hải, Tân Thái, Nại Hiên Đông, Mân Quang, Vĩnh Yên thuộc huyện Diên Phước nhập vào “nhượng địa Đà Nẵng”. Đến đây, “nhượng địa” đã mở rộng ra cả 3 phía: phía đông vượt qua hữu ngạn sông Hàn chiếm trọn bán đảo Sơn Trà; phía tây và tây bắc kéo dài đến đèo Hải Vân, tổng cộng gồm 19 xã, trong đó có 13 xã tả ngạn và 6 xã hữu ngạn, diện tích đã gấp 4 lần “nhượng địa” ban đầu.

Sau khi đã xác lập được quyền sở hữu, ngày 24-5-1889 Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập thành phố Đà Nẵng theo biên chế thành phố cấp II. Như vậy, tính đến nay thành phố Đà Nẵng đã tròn 120 năm tuổi.

Chỉ trong một thời gian ngắn, sau khi thành lập thành phố, trong phạm vi nội thị, các công sở của chính quyền thực dân lần lượt mọc lên, kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật hiện đại được xây dựng. Nhiều con đường được hình thành, chạy song song hoặc cắt vuông góc với nhau. Các hoạt động tài chính, công nghiệp, thương mại diễn ra nhộn nhịp. Dân cư đến sinh hoạt, buôn bán ngày một tăng. Đầu thế kỷ XX dân số của “nhượng địa” khoảng 10.000 người. Năm 1921 tăng lên 16.355, năm 1936: 25.000. Đến năm 1943 tăng tới 50.900 người.

Ngày 28-7-1940 quân đội Nhật chiếm đóng thành phố Đà Nẵng, biến nơi đây thành căn cứ quân sự và hậu cần ở miền Nam Trung Kỳ, mãi đến ngày 20-7-1945 mới trao trả cho chính phủ Trần Trọng Kim. Hơn 1 tháng sau, ngày 26-8-1945 nhân dân Đà Nẵng đứng lên giành lấy chính quyền về tay mình. Trong năm đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám, thành phố mang một tên gọi mới: Thành Thái Phiên.

2- Từ năm 1947 đến năm 1954, quân Pháp tạm chiếm thành phố, áp dụng lại chế độ “nhượng địa”, phục hồi lại tên gọi cũ Tourane, xây dựng nơi đây thành một căn cứ quân sự lớn và biến thành một cứ điểm chiến lược cho cả miền Trung Đông Dương. Trong giai đoạn này, dân số Đà Nẵng không tăng lên mà còn ít đi, do nhiều người sơ tán vào vùng tự do ở phía nam tỉnh Quảng Nam. Tại thời điểm năm 1952, dân số tính được là 45.834 người. Về phía cách mạng, ngày 6-9-1952 Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra Nghị định số 129/TTg sáp nhập thành phố Đà Nẵng vào tỉnh Quảng Nam, thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Sau năm 1954, Đà Nẵng vẫn là đơn vị hành chính trực thuộc trung ương của chính quyền Sài Gòn, có diện tích 79,1km2, dân số 391.963 người. Năm 1962, địa giới Đà Nẵng được mở rộng ra một vài vùng đất của huyện Hòa Vang, gồm: một phần của thôn Hòa Phú thuộc xã Hòa Minh; tất cả phần đất bao bọc thành phố về phía nam và phía tây được tách ra từ ngày 19-11-1951 để mở rộng sân bay, cả xã Hòa Thuận và một phần thôn Hòa An của xã Hòa Phát. Qua lần mở rộng này, diện tích Đà Nẵng tăng lên 83km2. Đà Nẵng bấy giờ được chia thành 3 quận: Quận Nhất, quận Nhì, quận Ba.

Về phía chính quyền cách mạng, cuối năm 1962 Khu ủy 5 quyết định chia tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng thành hai tỉnh: Quảng Nam từ huyện Quế Sơn trở vào Tam Kỳ, tỉnh Quảng Đà từ huyện Duy Xuyên trở ra đến Hòa Vang, bao gồm cả Đà Nẵng.

Năm 1965, quân Mỹ chọn Đà Nẵng làm địa điểm đầu tiên để đổ bộ vào tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đà Nẵng bị biến thành một căn cứ quân sự liên hợp và dịch vụ chiến tranh lớn thứ hai của Mỹ ở miền Nam (sau Sài Gòn). Ngành công nghiệp của thành phố nhỏ bé, què quặt, lệ thuộc vào nước ngoài; hạ tầng kỹ thuật chủ yếu phục vụ cho chiến tranh; ngành tiểu thủ công nghiệp không phát triển, các ngành nghề truyền thống bị mai một; ruộng đất ở vùng ven thành phố bị bỏ hoang.

Trong khi đó, số người từ các vùng quê tránh bom đạn chiến tranh đến sống ở Đà Nẵng ngày một nhiều, khiến cho dân số nơi đây tăng vọt. Năm 1966 có 146.000 người, tới đầu năm 1975 đã lên con số gần một triệu người. Mật độ dân số 13.000 người/km2. Ở thời điểm năm 1974, một người đương thời nhận xét: "Đà Nẵng không thể có hình dáng của một tỉnh hay một thành phố vươn lên phát triển mạnh mẽ công nghiệp địa phương ngay trong chiến tranh để đương đầu với chính chiến tranh như các nơi ở miền Bắc Việt Nam những năm 1965 - 1972".

3- Ngày 29-3-1975, lịch sử Đà Nẵng bước sang một trang mới: Xây dựng và phát triển trong hòa bình, độc lập. Tháng 2-1976, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Đà hợp nhất lại thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. 3 quận của Đà Nẵng là những đơn vị trực thuộc tỉnh. Đến ngày 30-8-1977 cả ba quận hợp nhất lại thành thành phố Đà Nẵng. Năm 1996, theo Nghị quyết ngày 6-11 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã phê chuẩn việc tách Đà Nẵng ra khỏi tỉnh Quảng Nam, thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Ngày 1-1-1997, thành phố Đà Nẵng chính thức trở thành một đơn vị hành chính mới, có diện tích tự nhiên 1.248,4km2, trong đó diện tích nội thành 205,78km2, dân số 663.115 người.

Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng được chia làm 5 quận (Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu) và 2 huyện (Hòa Vang, Hoàng Sa), bao gồm 33 phường và 14 xã. Đến năm 2005, theo Nghị định số 102, ký ngày 5-8-2005 của Chính phủ, huyện Hòa Vang tách ra thành 2 đơn vị hành chính: huyện Hòa Vang gồm 11 xã và quận Cẩm Lệ gồm 6 phường. Tính đến thời điểm hiện nay, Đà Nẵng có tất cả 6 quận và 2 huyện, gồm 56 phường, xã, dân số trên 834.000 người.

Ngày 23-10-1997, Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010, xác định nơi đây sẽ là một trong những trung tâm vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và của cả nước. Đến ngày 15-7-2003, Đà Nẵng được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 145 công nhận là đô thị loại 1. Ngày 16-10-2003, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo cho Đà Nẵng những điều kiện và cơ hội mới trên bước đường phát triển.

Sau hơn 10 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã có những bước phát triển vượt bậc. Bộ mặt thành phố thay đổi hẳn với những công trình cao tầng, nhiều con đường lớn, các cây cầu bắc ngang sông Hàn, tăng trưởng GDP luôn duy trì ở mức cao. Thành phố đang từng bước hình thành nền sản xuất công nghiệp vững mạnh; thương mại - dịch vụ đã vươn tới tầm trung tâm của khu vực; văn hóa - xã hội có những chuyển biến mạnh mẽ, nhất là Chương trình thành phố “5 không” và “3 có” đi vào cuộc sống. Với những thay đổi đó, Đà Nẵng thực sự là một trong những đô thị lớn của cả nước.

(Theo TS. Ngô Văn Minh/ĐN)

Nguồn: tinkinhte.com

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết trên. Nếu có ý kiến hay góp ý gì, mong bạn vui lòng để lại vài dòng vào ô nhận xét bên dưới. Chúc bạn một ngày vui vẻ!