18 thg 9, 2009

Nghỉ việc từ 1-2009, có được nhận trợ cấp thôi việc?

http://www.saga.vn/Upload/kingeric/nghiviec.jpg

Hỏi: Tôi nộp đơn xin nghỉ việc vào ngày 4-1-2009 và xin được kết thúc công việc vào ngày 28-2-2009 và đã được cấp trên trực tiếp đồng ý. Hợp đồng lao động (HĐLĐ) của tôi được ký là hợp đồng không xác định thời hạn với mức lương 1 triệu đồng (lương thực lĩnh 6 triệu đồng).

Tính đến thời điểm nghỉ việc, tôi đã làm việc cho công ty 3 năm liên tục. Tôi được Giám đốc tài chính của công ty thông báo: "Theo luật Lao động sửa đổi bổ sung, bắt đầu từ ngày 1-1-2009, doanh nghiệp không phải trả trợ cấp thôi việc cho người lao động (NLÐ) mà chỉ phải trả bảo hiểm thất nghiệp và NLÐ chỉ được lĩnh sau 1-10-2010".

Nhiều nhân viên khác ở công ty của tôi khi xin nghỉ cũng không nhận được trợ cấp thôi việc với lý do trên (có người đã từng làm liên tục 5 năm). Xin quý báo cho biết nếu áp dụng đúng luật định trong trường hợp của tôi thì như thế nào? Tôi cần liên hệ ở đâu để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình?

Nếu được nhận trợ cấp thôi việc, công ty chỉ áp dụng với đúng mức lương ghi trên HĐLĐ? (trước đây có một trường hợp xin nghỉ việc trước 1-1-2009, công ty có trả trợ cấp thôi việc nhưng Giám đốc tài chính cho biết: Lương hợp đồng thì BHXH sẽ trả, công ty trả nửa tháng lương cho phần chênh lệch giữa mức lương thực lãnh và lương hợp đồng).

- Tư vấn của Việc làm Online:

Theo quy định tại Khoản 1 Ðiều 42 Bộ luật lao động đã được sửa đổi, bổ sung năm 2002 đang có hiệu lực thi hành và Khoản 1 Ðiều 14 Nghị định 44/2003/NÐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về HĐLĐ, khi chấm dứt HĐLĐ đối với NLĐ đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức từ đủ 12 tháng trở lên, người sử dụng lao động có trách nhiệm trợ cấp thôi việc, cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương, cộng với phụ cấp lương, nếu có.

Đồng thời, theo quy định tại Ðiều 15 nghị định 114/2002/NÐ-CP ngày 31-12-2002 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương thì tiền lương làm căn cứ tính các chế độ trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, bồi thường do đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là tiền lương theo HĐLĐ, được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi sự việc xảy ra, gồm tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp khu vực, phụ cấp chức vụ.

Điều 15 Nghị định số 127/2008/NÐ-CP ngày 12-12-2008 có hiệu lực áp dụng từ 1-1-2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một một số điều của Luật BHXH 2006 về bảo hiểm thất nghiệp có quy định điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo Ðiều 81 Luật BHXH như sau:

1. Ðã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ mười hai tháng trở lên trong vòng hai mươi bốn tháng trước khi bị mất việc hoặc chấm dứt HĐLĐ theo quy định của pháp luật lao động hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

2. Ðã đăng ký với cơ quan lao động khi bị mất việc làm, chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc.

3. Chưa tìm được việc làm sau thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày đăng ký với cơ quan lao động theo quy định tại Khoản 2 Ðiều 15 của Nghị định 127/2008/NÐ-CP.

Ðiều 16 Nghị định số 127/2008/NÐ-CP nói trên cũng quy định việc trợ cấp thất nghiệp theo Ðiều 82 Luật BHXH 2006 như sau: Trợ cấp thất nghiệp là khoản tiền hằng tháng được trả cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Ðiều 15 Nghị định 127/2008/NÐ-CP".

Ngoài ra, Khoản 2 Điều 41 Nghị định số 127/2008/NÐ-CP nói trên cũng quy định như sau:

"Thời gian người lao động thực tế làm việc theo các bản HĐLĐ, hợp đồng làm việc với người sử dụng lao động mà không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp thì được tính để xét hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của pháp luật lao động hiện hành hoặc trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Tiền lương, tiền công làm căn cứ tính chế độ trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo pháp luật về lao động là tiền công, tiền lương theo hợp đồng lao động, được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi mất việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, gồm tiền công hoặc tiền lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp khu vực, phụ cấp chức vụ (nếu có)...".

Theo quy định nêu trên thì sau ngày 1-1-2009, nếu NLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp, bị mất việc làm hoặc chấm dứt HĐLĐ được hưởng bảo hiểm thất nghiệp và trợ cấp thất nghiệp (do quỹ bảo hiểm thất nghiệp chi trả) khi đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Ðiều 15 Nghị định 127/2008/NÐ-CP.

Trường hợp của bạn, nếu chưa tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho đến ngày nghỉ việc thì bạn vẫn được nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm (do doanh nghiệp chi trả) đối với thời gian đã làm việc tại doanh nghiệp cho đến ngày thôi việc. Trong trường hợp bạn đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 1-1-2009 thì bạn vẫn được hưởng trợ cấp thôi việc (hoặc mất việc) đối với thời gian từ ngày bắt đầu làm việc cho đến ngày bắt đầu tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Thời gian kể từ ngày bạn tham gia bảo hiểm thất nghiệp trở về sau, nếu đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Điều 15 Nghị định số 127/2008/NÐ-CP nói trên, bạn sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp và sẽ do BHXH chi trả.

Trong trường hợp người sử dụng lao động không giải quyết thỏa đáng các quyền lợi liên quan, bạn có thể yêu cầu Cơ quan quản lý lao động cấp Quận/huyện can thiệp giải quyết hoặc khởi kiện vụ việc đến Tòa án.

Luật sư VÕ HOÀNG TUYÊN
(Văn phòng luật sư Tuyên & Associates)

Theo Tuổi trẻ

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết trên. Nếu có ý kiến hay góp ý gì, mong bạn vui lòng để lại vài dòng vào ô nhận xét bên dưới. Chúc bạn một ngày vui vẻ!