23 thg 6, 2009

Hướng dẫn mua máy ảnh số compact



Trong thời gian này, nhiều người có nhu cầu sắm máy ảnh để ghi lại những hình ảnh quý giá với người thân…Trong bài này chúng ta sẽ xem qua vài yếu tố bạn nên chú ý đến khi chuẩn bị mua một chiếc máy ảnh mới.

Trước khi đi vào phần chính, có một số thuật ngữ mà những ai mới làm quen với máy ảnh số nên xem qua để hiểu rõ hơn vì đây là những tiêu chí chính để chọn mua một chiếc máy ảnh:

- Compact: là loại máy ảnh kích thước nhỏ, đúng như tên gọi của dòng này. Hay được gọi là máy ảnh gia đình do đặc điểm gọn nhẹ và dễ sử dụng.

- Advanced Compact hay Prosumer: vẫn nằm trong dòng máy ảnh compact nhưng về mặt kích thước thì to hơn. Điểm mạnh là có khả năng cao hơn những compact, đáp ứng được nhiều tình huống chụp khác nhau. Đặc biệt thường có nhiều tinh chỉnh cho người dùng hơn.

- Scene Modes: những tình huống chụp thông dụng. Thường thì nhà sản xuất đã kèm theo những setting cho mỗi tình huống để tự động cho ra chất lượng tốt nhất có thể, giảm thiểu mức can thiệp của người dùng. Đối với đa số người dùng đây là điểm mạnh và quan trọng khi chọn mua máy (đỡ phải ngồi mò) Một số scene mode thông dụng: Macro (chụp gần), Potrait (chân dung), Landscape (Phong cảnh)…

- Resolution: độ phân giải của cảm biến ánh sáng. Hiện nay phổ biến là từ 5 – 10 triệu điểm ảnh (Megapixel). Không thật sự quan trọng lắm với máy ảnh compact vì độ phân giải cao chủ yếu là để phóng ảnh ra bản in lớn, cho khổ ảnh gia đình 10×15cm bình thường 5 Megapixel đã quá đủ.

- ISO: Số ISO trên máy ảnh số (ISO 50 – 1600) chỉ khả năng điều chỉnh độ nhạy sáng của cảm biến hình ảnh. Đây là yếu tố quan trọng vì với khẩu độ và thời gian lấy sáng hạn chế của máy ảnh compact, nâng ISO thường là cách được sử dụng trong trường hợp thiếu sáng để cho ra tấm ảnh như ý. Nhưng khi đặt ISO càng cao thì chất lượng hình sẽ giảm do bị nhiễu hạt (do giới hạn của compact, trừ một số máy cá biệt thì hình ở ISO 800 và hơn gần như không thể sử dụng được do rất hay bị nhiễu).

- Zoom: khi mua nên chú ý đến optical zoom (zoom quang học) vì đây mới là zoom thực, qua thấu kính của máy. Digital zoom chỉ là phóng to pixel trên tấm ảnh đã chụp nên chất lượng không cao. Khả năng zoom của máy ảnh compact thường là từ 3x – 5x, của advanced compact từ 5x – 15x.

- Noise: Nhiễu trên sensor, đặc biệt dễ thấy ở ISO cao. Nôm na là những điểm màu bất kì xuất hiện trên ảnh.

Với những kiến thức cơ bản ở trên, việc chọn máy ảnh số thật ra rất đơn giản. Bất cứ chiếc máy nào có độ phân giải trong khoảng 5 – 10 Megapixel, ISO khoảng 50 – 800 là đủ cho hầu hết mọi yêu cầu. Với zoom thì phải xem bạn thường chụp gì. Bình thường zoom từ 3x-5x là đủ cho sử dụng hàng ngày, nhưng nếu bạn thích chụp hoa cỏ hay chim chóc thì tầm zoom lớn hơn một chút là đầu tư xứng đáng vì bạn sẽ phóng to được vật thể ở khoảng cách đủ xa mà không làm “kinh động” nó. Một số ví dụ cho dòng máy ảnh compact có Nikon S5, Sony T30, hay Casio Exilim EX-Z850 có Optical Zoom 3x; dòng advanced compact (prosumer) Panasonic LZ3, LZ5, FZ27, Fujifilm S5600 hay Canon Powershot S3 IS có Optical Zoom từ 6x đến 12x.

Số lượng Scene mode cũng là một điểm đáng quan tâm. Đa số mọi người muốn cầm máy lên là chụp, nên càng nhiều tình huống có sẵn mà máy có thể xử lý càng tốt. Hiện nay, dẫn đầu về mặt này là Casio với khoảng 20-24 scene mode khác nhau, với những nhà sản xuất quen thuộc như Canon, Nikon, Olympus có khoảng 10-15 mode. Những scene mode này có giá trị rất lớn với người dùng bình thường vì nó tiết kiệm thời gian mầy mò mà trong đa số trường hợp vẫn cho ra những bức ảnh chất lượng tốt. Hơn nữa, trọng tâm của bài này là cho người dùng ít có kinh nghiệm nên những tinh chỉnh chuyên sâu hơn có lẽ không phù hợp lắm.


IXUS 70 và 75 - Các dòng máy ảnh kỹ thuật số mới của Canon.
Vậy còn gì nữa không? Những điểm sau cũng rất quan trọng mà bạn cần thử (nếu có khả năng) trước khi mua máy là:

- Pin dùng được bao lâu: trung bình pin của những chiếc máy ảnh compact cho bạn khoảng 150-500 lần chụp tùy loại pin và cách sử dụng máy. Nếu có thể nên đầu tư thêm một bộ pin rời để phòng trường hợp cần thiết.

- Kích thước của màn hình LCD phía sau: hiện tại kích thước phổ biến là 2.5 inches, tuy nhiên, một số kiểu có màn hình 3.0 inches. Tuy ưu điểm của màn hình to là giúp bạn dễ chụp và xem lại hình, nó cũng rất tốn pin nên nếu bạn muốn chụp nhiều thì nên lưu ý điểm này.

- Dùng thử phần mềm quản lý ảnh đi kèm: đa số người dùng phần mềm đi kèm của nhà sản xuất. Tuy nhiên, không phải cái nào cũng có giao diện thân thiện với người sử dụng. Nếu được hãy sử dụng thử trước xem bạn có thích hay không. Đương nhiên bạn có thể sử dụng những phần mềm của hãng thứ 3 như ACD See.

- Máy dùng loại thẻ nhớ gì: Hiện nay phổ biến nhất cho compact là thẻ SD. Nhưng một số nhà sản xuất như Olympus hay Sony dùng định dạng thẻ của riêng mình (xD và Memory Stick). Một số máy prosumer hỗ trợ thẻ CF. Một điểm đáng lưu ý là còn có một loại thẻ là SDHC (SD high capacity, dung lượng từ 2Gb - 8Gb), tuy hình dáng bên ngoài giống thẻ SD bình thường nhưng hoàn toàn KHÔNG tương thích với những máy ảnh không hỗ trợ (hiện tại mới chỉ có một số máy Panasonic và Kodak hỗ trợ), nên hỏi kỹ vấn đề này trước khi mua.

Và cuối cùng, thử trước khi mua, cầm nó trên tay xem nó có hợp với bạn không. Bạn có thích màu sắc, kiểu dáng đó không? Có đáp ứng được nhu cầu chụp ảnh của bạn không? Một số máy có những khả năng đặc biệt như chống thấm nước (Olympus Mju, Pentax Optio) có thể đáng giá với một số người dùng hay đi biển. Hãy chụp thử một vài tấm ở những môi trường khác nhau xem chất lượng cũng như cách sử dụng có vừa ý không. Đó mới là điểm quan trọng nhất khi chọn một chiếc máy, chọn chiếc máy mà bạn thích.

Đến đây chắc có một số bạn sẽ thắc mắc tại sao có những yếu tố quan trọng của một chiếc máy ảnh như Auto-focus, Flash, Aperture (Khẩu độ), Shutter speed (tốc độ đóng màn chập) lại không được đề cập. Lý do, đây là một hướng dẫn hướng về người dùng chưa hoặc có rất ít kinh nghiệm về máy ảnh số thông dụng, cũng chưa có điềm đam mê mà chỉ cần một chiếc máy đủ đáp ứng nhu cầu giải trí hay công việc.

Theo Angelika - Blog Công nghệ
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết trên. Nếu có ý kiến hay góp ý gì, mong bạn vui lòng để lại vài dòng vào ô nhận xét bên dưới. Chúc bạn một ngày vui vẻ!