27 thg 6, 2008

Thắc mắc về lao động-việc làm và BHXH


Hỏi: Công ty nơi tôi công tác mới thực hiện cổ phần hoá từ DNNN và được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh từ tháng 4/2007 và hiện đang thực hiện sắp xếp, bố trí lại lao động. Vậy người lao động dôi dư ở công ty được thực hiện theo chế độ nào? Theo nghị định 155/2004/NĐ-CP hay nghị định 110/2007/NĐ-CP? Bản thân tôi đã đóng BHXH 31 năm, nhưng tuổi đời mới 48, cơ quan làm ăn thua lỗ, nếu bây giờ tôi viết đơn xin nghỉ hưu mà không phải ra hội đồng y khoa, vậy có được hưởng lương hưu bằng 75% mức lương hàng tháng không? Tôi có bị trừ 1% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi không? (Nguyễn Thị Hồng, Ngõ 198, Cầu Giấy, Hà Nội)

Trả lời:
Căn cứ vào điểm a, khoản 1, Điều 1, Nghị định số 110/2007/NĐ-CP ngày 26-6-2007 của Chính phủ về chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty nhà nước thì người lao động dôi dư của công ty nhà nước được cổ phần hóa được thực hiện theo quy định của Nghị định 110/2007/NĐ-CP.
Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 12 Nghị định 110/2007/NĐ-CP thì trong trường hợp công ty của bạn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án lao động dôi dư từ ngày 1-1-2007 đến trước ngày Nghị định 110/2007/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (1-8-2007) thì thực hiện theo Nghị quyết số 07/2007/NQ-CP ngày 6-2-2007 tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 1-2007 .
Theo đó, người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty nhà nước được thực hiện theo quy định tại Nghị định 41/2002/NĐ-CP ngày 11-4-2002 và được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 155/2004/NĐ-CP ngày 10-8-2004.
Mặc dù bạn đã có 31 năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) nhưng bạn chưa đủ tuổi để hưởng lương hưu theo quy định của Điều 50 Luật BHXH nên chưa được hưởng lương hưu hàng tháng nếu nghỉ việc vào thời gian này. Nếu bạn bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên theo quy định tại Điều 51 Luật BHXH thì được hưởng mức lương hưu hàng tháng với mức tối đa bằng 75% nhưng mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi bị giảm 1% (nếu bạn 48 tuổi, thấp hơn quy định hiện hành 7 tuổi thì bị trừ 7%). Trường hợp bạn không bị suy giảm khả lao động mà vẫn muốn nghỉ việc thì bạn có thể lĩnh trợ cấp một lần (mỗi năm đóng BHXH được trợ cấp bằng một tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH) hoặc chờ đủ tuổi để hưởng chế độ lương hưu hàng tháng. Trong trường hợp chờ, bạn phải có đơn tự nguyện chờ giải quyết chế độ hưu trí, có xác nhận của công đoàn và người đứng đầu doanh nghiệp. Sau đó, giám đốc doanh nghiệp phải lập số hồ sơ như người về hưu gửi đến cơ quan BHXH quản lý theo dõi, giải quyết chế độ hưu trí hàng tháng khi đủ điều kiện về tuổi đời.

Hỏi: Theo quy định của Bộ luật Lao động, khi gặp khó khăn đột xuất hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác trái nghề, nhưng không được quá 60 ngày trong một năm. Vậy xin hỏi: Chuyển từ kế toán sang làm hành chính, thì có phải là trái nghề không? Nếu công ty muốn chuyển hẳn nhân viên kế toán sang làm hành chính dài hạn, thì có trái pháp luật?
Lê Văn Nam (Khu Công nghiệp Phố Nối A, Hưng Yên)
Trả lời: 1. Công việc khác trái nghề được hiểu là công việc khác với công việc chuyên môn mà người lao động đang đảm nhiệm. Do vậy, việc chuyển người lao động đang làm công việc kế toán sang công việc hành chính được coi là chuyển người lao động sang làm công việc khác trái nghề.
2. Trường hợp công ty muốn chuyển hẳn nhân viên kế toán sang làm công việc hành chính, thì phải được sự đồng ý của người lao động. Nếu người lao động không chấp thuận mà họ phải ngừng việc thì người đó sẽ được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương (khoản 1 Điều 62 Bộ luật Lao động; khoản 2 Điều 9 Nghị định 44/2003/NĐ-CP ngày 9/5/2003 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động).

Hỏi: Tôi đã ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với công ty, nay xin chấm dứt hợp đồng lao động và có báo trước 45 ngày. Vậy tôi có được hưởng trợ cấp thôi việckhông? Trong trường hợp người sử dụng lao động muốn đơn phương chất dứt hợp đồng lao động với người lao động thì phải cần những thủ tục gì?
Trần Đức Chính (Phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng, Hải Phòng)
Trả lời: Theo khoản 3 Điều 37 Bộ luật Lao động năm 1994, được sửa đổi bổ sung năm 2002, người lao động làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, và phải báo trước cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày.
Trường hợp của bạn đã chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật và theo quy định tại khoản 1, Điều 42 Bộ luật Lao động, công ty có nghĩa vụ trả trợ cấp thôi việc cho bạn, cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương, cộng phụ cấp lương (nếu có).
Cũng theo quy định của Bộ luật Lao động, để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải thực hiện đầy đủ các thủ tục sau:
1. Phải có lí do chấm dứt hợp đồng được quy định tại khoản 1 Điều 38 và không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp quy định tại Điều 39.
2. Trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp thuộc điểm a, b và c khoản 1 Điều 38, người sử dụng lao động phải trao đổi, nhất trí với Ban Chấp hành công đoàn cơ sở. Trường hợp không nhất trí, hai bên phải báo cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Sau 30 ngày, kể từ ngày báo cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương biết, người sử dụng lao động mới có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
3. Đảm bảo thời hạn báo trước: Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, trừ trường hợp sa thải theo Điều 85, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng và ít nhất 3 ngày đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Hỏi: Chúng tôi là công ty TNHH về lĩnh vực xây dựng, có một số công trình thi công bắt buộc phải thuê lao động bên ngoài trong thời gian 4-5 tháng. Nếu chúng tôi thỏa thuận trong hợp đồng lao động thuê ngoài có tính thêm BHXH vào lương cho người lao động nên không đóng BHXH nữa vì những lao động này làm hết 5 tháng là nghỉ. Chúng tôi có vi phạm Luật lao động không?
(Công ty TNHH Thịnh Phát)
Trả lời: Theo khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2006, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Như vậy, trong trường hợp này, vì người lao động làm việc có thời hạn tại công ty từ 4 đến 5 tháng nên công ty phải có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Hỏi: Thời gian làm việc theo quy định là 8 giờ/ngày có bao gồm thời gian nghỉ trưa không? Công ty tôi làm việc từ 7h30 đến 5h30 có đúng quy định không?
Phạm Văn Mạnh (Nhà K2, Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội)
Trả lời: Điều 71 Bộ luật Lao động năm 1994, được sửa đổi bổ sung năm 2002 quy định: "Người lao động làm việc 8 giờ liên tục thì được nghỉ ít nhất nửa giờ, tính vào giờ làm việc". Như vậy, thời gian làm việc 8h/ ngày bao gồm cả thời gian nghỉ của trưa của gười lao động.
Cũng theo quy định của Bộ luật lao động "Thời giờ làm việc của người lao động không quá 8 giờ trong một ngày hoặc 48 giờ trong 1 tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc theo tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết" (Khoản 1 Điều 68). Trường hợp công ty bạn làm việc từ 7h30 đến 5h30 (làm việc 10 giờ một ngày) và không cho người lao động nghỉ ít nhất nửa giờ tính vào giờ làm việc là không phù hợp với quy định của pháp luật lao động.

Hỏi: Mức lương thấp nhất Chính phủ quy định để chi trả cho lao động nữ theo Điều 34 Luật Bảo hiểm Xã hội hiện tại là bao nhiêu?
Phan Đình Trường (Phường 10, Quận 3, TP.Hồ Chí Minh)
Trả lời: Mức lương tối thiểu chung theo quy định tại điều 34 Luật Bảo hiểm Xã hội là mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định tại từng thời điểm.
Theo quy định tại Nghị định số 94/2006/NĐ-CP của Chính phủ về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu chung thì mức lương tối thiểu hiện nay đang áp dụng đối với người lao động làm việc cho các doanh nghiệp trong nước là 450.000 đồng/tháng.
Mức lương tối thiểu chung đối với lao động làm việc cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức nước ngoài áp dụng theo quy định tại Nghị định số 03/2006/NĐ-CP. Theo Nghị định này, kể từ ngày 01/02/2006, mức 870.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các quận thuộc thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, mức 790.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các huyện thuộc thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các quận thuộc thành phố Hải Phòng, thành phố Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh, thành phố Biên Hòa thuộc tỉnh Đồng Nai, thành phố Vũng Tàu thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thị xã Thủ Dầu Một và các huyện Thuận An, Dĩ An, Bến Cát và Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương, Mức 710.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên các địa bàn còn lại...
Các mức lương tối thiểu trên sẽ thay đổi trong thời gian tới khi Chính phủ điều chỉnh tiền lương tối thiểu trong các doanh nghiệp.

Hỏi: Tôi làm việc tại một doanh nghiệp mà giám đốc bắt buộc công nhân làm thêm giờ (từ 7h đến 9 giờ đêm), nếu công nhân không chịu làm thì bị nghỉ việc. Như vậy công ty có vi phạm pháp luật không?
Đặng Minh Hồng (Khu Công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương)
Trả lời: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 68 Bộ luật Lao động thì thời giờ làm việc không quá 8 giờ trong một ngày hoặc 48 giờ trong một tuần. Người lao động và người sử dụng lao động có thể thoả thuận làm việc thêm giờ nhưng thời gian làm thêm không được quá 4 giờ trong một ngày và 200 giờ trong một năm (Điều 69 Bộ luật Lao động). Người sử dụng lao động phải trả lương làm thêm giờ cho người lao động theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương của công việc đang làm theo quy định của pháp luật lao động.
Như vậy, trong trường hợp bạn hỏi, nếu công ty bắt công nhân làm thêm (không có sự đồng ý của người lao động) hoặc có sự đồng ý của người lao động nhưng số giờ làm thêm vượt quá tổng số giờ theo Điều 69 Bộ luật Lao động nêu trên thì sẽ bị coi là vi phạm pháp luật lao động.

(Theo molisa.gov.vn, 30/11/2007)

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết trên. Nếu có ý kiến hay góp ý gì, mong bạn vui lòng để lại vài dòng vào ô nhận xét bên dưới. Chúc bạn một ngày vui vẻ!