16 thg 6, 2008

Những điều cần biết khi tham gia BHXH tự nguyện

Người tham gia BHXH tự nguyện lần đầu cần lập 2 bản tờ khai tham gia BHXH tự nguyện, trong đó kê khai đầy đủ các nội dung liên quan đến nhân thân, nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú); mức đóng tham gia BHXH; Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH; Mức đóng BHXH/tháng; Phương thức đóng BHXH (đóng theo tháng/lần, 3 tháng/lần, hay 6 tháng/lần); Hình thức nộp tiền (tiền mặt, hay chuyển khoản...).



Ngoài ra, gửi kèm bản sao giấy khai sinh.



Trong trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện đã có thời gian tham gia BHXH, đã được cấp sổ BHXH thì nộp thêm sổ BHXH và bản ghi quá trình đóng BHXH do cơ quan BHXH cấp trước khi di chuyển hoặc bảo lưu thời gian đóng.



Những thủ tục trên gửi BHXH quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.



Định kỳ hàng quý, cơ quan BHXH cử cán bộ xuống xã, phường, thị trấn để tuyên truyền, hướng dẫn chính sách chế độ BHXH và làm thủ tục cho người tham gia BHXH tự nguyện.



Mức đóng BHXH tự nguyện:



Mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng bằng tỷ lệ phần trăm đóng BHXH tự nguyện nhân với mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH của người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn:

Tỷ lệ đóng BHXH từ tháng 1/2008 đến tháng 12/2009 là 16%

Từ tháng 1/2010 đến tháng 12/2011 là 18%

Từ tháng 1/2012 đến tháng 12/2013 là 20%;

Từ tháng 2014 trở đi là 22%.

Mức thu nhập tháng của người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung, cao nhất bằng 20 tháng lương tối thiểu chung (mức lương tối thiểu chung hiện nay là 540.000 đồng).



Phương thức đóng BHXH tự nguyện:



Người tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn 3 phương thức đóng: đóng BHXH theo tháng, 3 tháng/lần hoặc 6 tháng/lần. Nếu đóng hằng tháng, phải đóng vào 15 ngày đầu tháng; Nếu đóng theo 3 tháng/lần, phải đóng vào 45 ngày đầu quý; Nếu đóng theo 6 tháng/lần, phải đóng vào 3 tháng đầu của 6 tháng đó.



Khi đã đóng theo phương thức hàng quý, hoặc 6 tháng/lần, mà trong thời gian đó Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu chung, thì không phải truy đóng số tiền chênh lệch so với mức lương tối thiểu mới.



Có hai cách đóng BHXH: đóng bằng tiền mặt và chuyển khoản.



Nếu người tham gia BHXH tự nguyện đóng tiền mặt thì đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH quận, huyện, thị xã, thành phố- nơi đăng ký đóng BHXH.



Nếu đóng bằng chuyển khoản, người tham gia BHXH tự nguyện chuyển tiền từ tài khoản cá nhân vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH mở tại Ngân hàng NN&PTNT. Trên chứng từ chuyển tiền phải ghi rõ nội dung đóng tiền (đóng BHXH tự nguyện từ tháng mấy đến tháng mấy; Mức đóng hàng tháng là bao nhiêu?...)



Lưu ý, người đang tham gia BHXH tự nguyện mà tạm dừng đóng, và không muốn nhận BHXH một lần, khi tiếp tục đóng BHXH phải đăng ký lại. Việc đăng ký lại làm vào tháng đầu của quý.



Tất cả những công dân Việt Nam, không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, là người đủ từ 15 đến 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ; Người đã đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ, đã có từ đủ 15 năm đóng BHXH trở lên, còn thiếu không quá 5 năm mới đủ 20 năm, kể cả những người đã có từ đủ 15 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên mà chưa nhận trợ cấp một lần, nay có nhu cầu đóng BHXH tự nguyện để khi đủ 20 năm được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất, đều có thể tham gia BHXH tự nguyện.



(Theo Công văn số 1564/BHXH-BT ngày 2/6/2008 của BHXH Việt Nam hướng dẫn thủ tục tham gia BHXH tự nguyện)
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết trên. Nếu có ý kiến hay góp ý gì, mong bạn vui lòng để lại vài dòng vào ô nhận xét bên dưới. Chúc bạn một ngày vui vẻ!