16 thg 6, 2008

Khiếu nại và khiếu tố trong hoạt động BHXH

Trong hoạt động BHXH không phải khi nào và ở đâu mọi vấn đề đều được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Có thể có các nguyên nhân từ phía người tham gia BHXH (người lao động và người sử dụng lao động), nhưng cũng có những nguyên nhân từ phía cơ quan/ người thực hiện chính sách (cố tình làm sai hoặc do năng lực kém, thiếu trách nhiệm...). Vì vậy, để đảm bảo lợi ích hợp pháp của các bên tham gia BHXH, các hoạt động khiếu nại và khiếu tố là rất cần thiết.

Về quyền được khiếu nại:
Người tham gia BHXH có quyền được khiếu nại với các cơ quan có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích BHXH hợp pháp của mình, đó là:
- Khiếu nại về ghi chép các thông tin sai trong sổ BHXH (như các thông tin về cá nhân; các thông tin về thời gian tham gia BHXH, mức đóng, mức hưởng BHXH...);
- Khiếu nại về việc đóng góp BHXH của mình (mức đóng góp, thời gian đóng góp; tỷ lệ đóng góp - nếu là BHXH tự nguyện...);
- Khiếu nại về việc hưởng trợ cấp BHXH (mức trợ cấp, thời hạn chi trả trợ cấp, chất lượng phục vụ trong chi trả trợ cấp BHXH...).
Những quyền trên của người tham gia BHXH đã được nêu trong Công ước số 102 (năm 1952) của Tổ chức lao động quốc tế (ILO). Đặc biệt, trong Công ước số 128 (năm 1967) có quy định người lao động có quyền yêu cầu người đại diện của mình để khiếu nại, bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Khiếu nại là quyền của người lao động khi tham gia BHXH, nhưng quyền đó phải được thực hiện thông qua các trình tự nhất định theo quy định của pháp luật BHXH của mỗi nước. Để người lao động hiểu đúng về quyền của mình, các tổ chức BHXH thường cung cấp các hình thức công khai như áp phích, tờ rơi, quảng cáo...hoặc tổ chức các cuộc thi tìm hiều về quyền của mình. Quyền được khiếu nại là một trong những quyền của người lao động và cả của người chủ sử dụng lao động được pháp luật BHXH của các nước quy định. Tuy nhiên, không phải người lao động/người sử dụng lao động nào cũng hiểu đúng quyền và sử dụng quyền để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Do đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tham gia BHXH là một trong những công tác quan trọng của cơ quan BHXH, nhằm hạn chế những sai sót về nghiệp vụ BHXH có thể xảy ra làm giảm uy tín của cơ quan BHXH, đồng thời hạn chế những khiếu nại không đúng hoặc khiếu nại do không hiểu biết về pháp luật BHXH.
Thông thường các khiếu nại về quyền được thực hiện thông qua trao đổi bằng văn bản (đơn, thư...) trong đó thông báo những nội dung cần khiếu nại. Những thông báo này là cơ sở để thực hiện việc khiếu tố. Cơ quan BHXH phải có trách nhiệm trả lời (bằng văn bản) về những yêu cầu của người khiếu nại và đây cũng là cơ sở để thực hiện việc khiếu tố (nếu xảy ra).
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để hệ thống khiếu tố hoạt động có hiệu quả và nhanh chóng, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên có liên quan. Có một thực tế, khi quyền của người lao động bị vi phạm (hoặc tưởng bị vi phạm vì không hiểu hết pháp luật BHXH) họ đều mong muốn được giải quyết sớm, nhất là những vấn đề liên quan đến trợ cấp BHXH. Ví dụ như việc tính sai tỷ lệ hưởng BHXH, họ muốn được giải quyết theo mong muốn của họ. Tuy nhiên, đối với cơ quan BHXH, việc giải quyết có thể không thể thực hiện được ngay. Cơ quan BHXH phải làm các thủ tục xác minh hồ sơ, các khoản đóng góp; các thông số về nhân khẩu học (tuổi, giới tính); những thông tin được miễn giảm (thương, bệnh binh, quân nhân, người suy giảm khả năng lao động...). Đối với những hệ thống lưu trữ tốt, thì những xác minh này không mấy khó khăn, nhưng với những hệ thống lưu trữ hồ sơ không tốt hoặc trình độ tin học hóa chưa cao thì sự chậm trễ thường hay xảy ra (có thể hàng tháng hoặc lâu hơn). Đó là chưa tính đến sự trì trệ (nếu có) của những người trực tiếp xử lý hồ sơ, thực hiện chính sách BHXH. Do vậy, để giải quyết khiếu nại của người lao động, cần phải thường xuyên cải cách thủ tục hành chính, có quy định thời hạn phải trả lời khiếu nại của đương sự để tránh được những khiếu tố không cần thiết. Thông thường ở các nước khi khiếu nại của người tham gia BHXH gửi đến (bằng văn bản), cơ quan BHXH phải có trách nhiệm xử lý và phải trả lời. Việc gửi khiếu nại của người tham gia BHXH phải được thực hiện trong vòng 21 ngày kể từ khi nhận được quyết định của cơ quan BHXH. ở các nước, việc gửi khiếu nại của người tham gia BHXH có thể được gửi đến bất cứ cơ quan BHXH nào, nhưng thường được gửi đến cơ quan ra quyết định gốc.
Như đã nêu, khi có khiếu nại của đương sự, cơ quan BHXH phải có trách nhiệm xem xét để trả lời. Khi xem xét, nếu thấy quyết định gốc không đúng, phải ra quyết định mới điều chỉnh quyết định cũ và gửi lại cho đương sự và làm các thủ tục điều chỉnh trợ cấp phù hợp với quyết định. Lưu ý rằng khi ra quyết định, đương sự nếu thấy không phù hợp, họ vẫn có quyền khiếu nại tiếp. Ngược lại, nếu thấy quyết định gốc là đúng, cơ quan BHXH cũng phải chứng minh là đúng và trả lời cho đương sự và chuẩn bị cho sự khiếu tố có thể xảy ra, nếu đương sự vẫn không đồng ý với cách giải quyết cuả cơ quan BHXH. Đồng thời, để giải quyết tốt khiếu nại của người tham gia BHXH, cơ quan BHXH các cấp phải ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ tham gia BHXH của người lao động.
Việc chuẩn bị hồ sơ cho khiếu tố có thể do nhiều bộ phận trong cơ quan BHXH cùng tham gia, nhưng thường thì cơ quan BHXH có một bộ phận chuyên trách về vấn đề này. Khi đó, các bộ phận có liên quan phải gửi những tài liệu cần thiết về bộ phận chuyên trách. Việc tổ chức bộ phận chuyên trách như thế nào phụ thuộc vào quy mô của tổ chức BHXH, hệ thống pháp luật của từng nước. Vì tính chất phức tạp của vấn đề tham gia và thụ hưởng BHXH (thời gian tham gia BHXH lâu, tính di chuyển lao động của người tham gia BHXH trong thị tường lao động, liên quan đến nhiều người sử dụng lao động...), nên ở một số nước thành lập tòa án khiếu tố BHXH để chuyên xét xử những vấn đề có liên quan đến BHXH. Có những nước xét xử khiếu tố BHXH do tòa án lao động đảm nhận, có nước lại do tòa dân sự đảm nhận. Tuy nhiên, dù tổ chức như thế nào thì trong thành phần của tòa án, ngoài chủ tọa phải là những luật sư, còn có đại diện của người sử dụng lao động và đại diện của người lao động. Đương nhiên, khi đó cơ quan BHXH hoặc sẽ là bên nguyên hoặc sẽ là bên bị, tùy theo từng vụ khiếu kiện. Một vấn đề cần lưu ý là dù chủ tọa, các thành viên được tòa án bổ nhiệm để xét xử, nhưng tất cả các thành viên này (kể cả chủ tòa) đều phải được tập huấn về pháp luật BHXH, nhất là ở những nước không có hệ thống tòa án khiếu tố BHXH riêng. Các khóa tập huấn về pháp luật BHXH thường do tổ chức BHXH cung cấp. Khác với tòa án dân sự thông thường, vụ án khiếu tố BHXH được xem xét từ nhiều khía cạnh để đi đến thống nhất, không nghiêng về một bên nào. Người ta gọi đó là "cân đối quyền lợi", ra khi quyết định. Tất nhiên, các quy định của pháp luật chung vẫn phải được tuân thủ, trên nguyên tắc các bên đều bình đẳng trước tòa. Ngoài ra, do BHXH liên quan chặt chẽ đến con người, nhất là những vấn đề có tính kỹ thuật, như xác định tỷ lệ thương tật, xác định bệnh nghề nghiệp... Nên khi có những khiếu kiện có liên quan đến vấn đề này, tòa án khiếu tố BHXH phải mời những chuyên gia có chuyên môn liên quan tham gia phiên tòa.
Về mặt thủ tục khiếu tố, các hồ sơ có liên quan của bên nguyên và bên bị phải được chuyển đến thư ký tòa. Thư ký tòa có trách nhiệm xem xét hồ sơ và triệu tập phiên tòa, sắp xếp chủ tọa và các thành viên của phiên tòa cho phù hợp (lưu ý rằng, trong tòa án khiếu tố BHXH có nhiều người làm việc và nhiều người có thể làm chủ tọa và thành viên phiên tòa. Do đó, mỗi phiên tòa, tùy theo nội dung để lựa chọn chủ tọa và các thành viên cho phù hợp). Thư ký tòa có trách nhiệm sao chụp tất cả những tài liệu có liên quan gửi cho các thành viên của phiên tòa, bên nguyên, bên bị, thông báo về ngày, giờ, địa điểm sẽ tổ chức phiên tòa.
Tùy theo mức độ cụ thể và có thể, phiên tòa sẽ được mở ở nơi mà người khiếu nại có cơ hội nhiều nhất để tham dự phiên tòa (có thể tổ chức kiểu tòa án lưu động). Người khiếu nại (nhất là người lao động khiếu nại) có thể chọn người đại diện cho mình hoặc tham gia cùng với mình tại phiên tòa. Thường thì đó là người đại diện cho tổ chức công đoàn, nơi người lao động làm việc hoặc đại diện của hiệp hội giới chủ (nếu người khiếu nại là người chủ sử dụng lao động).
Ngoài các hồ sơ có liên quan đến vụ kiện, tất cả những giấy tờ do tổ chức BHXH cung cấp được tham khảo như hồ sơ pháp lý. Mục đích của việc này là nhằm đảm bảo tòa án, người khiếu kiện và các bên có liên quan có đầy đủ những thông tin cần thiết, để từ đó có những phán quyết khách quan nhất, đảm bảo lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan.
Trong phiên tòa, mặc dù đã có đủ các tài liệu cần thiết, nhưng chủ tọa phiên tòa vẫn cho phép các bên có liên quan trình bày quan điểm của mình. Những thành viên trong phiên tòa (bao gồm cả các đại diện của các bên có liên quan) có quyền chất vấn người trình bày và những người có mặt của từng bên liên quan. Thư ký tòa trong trường hợp này như người điều phối viên, để đảm bảo cho các bên có liên quan được bày tỏ quan điểm của mình một cách đầy đủ nhất, trong thời gian phiên tòa cho phép. Khi các bên có liên quan đã trình bày xong, chủ tọa và các thành viên của phiên tòa đã có đầy đủ các thông tin cần thiết, các bên có liên quan trong vụ khiếu kiện (gồm người tham gia BHXH và tổ chức BHXH) sẽ rời khỏi phòng xử án để cho tòa tranh cãi để đi đến kết luận. Quyết định của tòa dựa trên đa số đồng ý của các thành viên xét xử và được thông báo sau đó cho người khiếu kiện và cho có quan BHXH bằng văn bản qua đường bưu điện hoặc qua thư ký tòa. Quyết định này được thi hành sau một khoảng thời gian theo luật định của mỗi nước. Sau thời gian này, nếu như không bên nào có kháng án thì phải thực hiện theo phán quyết của tòa. Nếu không đồng ý các bên có liên quan có quyền khiếu nại tiếp lên cấp có thẩm quyền cao hơn theo luật định (ví dụ ở Việt Nam là tòa phúc thẩm, thậm chí lên tòa án tối cao). Trong trường hợp này, trình tự tiến hành như việc khiếu tố ban đầu. Điều khác biệt chỉ là trình độ và thẩm quyền của tòa cấp trên cao hơn mà thôi. Một điều cần lưu ý đối với cơ quan BHXH là khi tòa án phán quyết không đồng tình với quyết định của cơ quan BHXH, nếu thấy cần thiết, cơ quan BHXH có quyền khiếu nại lại quyết định của tòa án.
Hoạt động BHXH, như đã biết là hoạt động phức tạp, nhiều công đoạn khác nhau, từ việc ghi chép các khoản đóng góp BHXH của người tham gia BHXH đến những ghi chép, hồ sơ về các chế độ mà đương sự được hưởng... Do vậy, trong quá trình thực hiện không thể tránh khỏi sai sót, dẫn đến ra quyết định chưa đúng của cơ quan BHXH và do đó việc khiếu nại là có thể xảy ra. Trong phạm vi thực hiện chính sách, các cơ quan BHXH có thể sửa lại quyết định đã ban hành sai và thực hiện điều chỉnh/truy cấp chế độ hưởng BHXH cho người thụ hưởng. Tuy nhiên, để xác định được việc quyết định ban đầu đúng hay sai, lại phải tuân thủ những quy trình nhất định, trên cơ sở hồ sơ cũ và những thông tin bổ sung. Trên cơ sở những thông tin mới cơ quan BHXH có thẩm quyền ra quyết định thay đổi quyết định ban đầu, có thể là tốt hơn hoặc có thể là bất lợi hơn (về mặt quyền lợi) đối với đối tượng thụ hưởng. Khi quyết định này được ban hành, nếu người thụ hưởng không đồng ý thì sẽ tiến hành những thủ tục khiếu tố ra tòa như đã nêu ở trên. Như vậy, khiếu tố chỉ là khi giữa người tham gia BHXH và cơ quan BHXH không tự giải quyết được những khiếu nại của đương sự. Quyết định của tòa án sẽ là quyết định các bên phải có nghĩa vụ tuân thủ, đặc biệt là quyết định của tòa án cao nhất (tòa án tối cao).

Mạc Tiến Anh
(theo tapchibaohiemxahoi.org.com)
Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết trên. Nếu có ý kiến hay góp ý gì, mong bạn vui lòng để lại vài dòng vào ô nhận xét bên dưới. Chúc bạn một ngày vui vẻ!