10 thg 6, 2008

Hỏi đáp về BHXH-BHYT (1)

Các cơ quan chức năng sẽ giúp các bạn giải đáp một số thắc mắc liên quan đến chế độ BHXH, BHYT

Hạ sĩ quan, binh sĩ hưởng phụ cấp được thực hiện chế độ hưu trí

Ông Hoàng Minh Cường (Thái Nguyên) hỏi: Theo quy định hiện hành, thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự có được tính đóng BHXH để giải quyết chế độ hưu trí. Những người trước đây có đi nghĩa vụ quân sự (ví dụ trường hợp người thân của tôi nhập ngũ năm 1997, đến năm 2000 xuất ngũ thì thời gian này có được tính là thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ sau này không?

Trả lời:

Theo Điều lệ BHXH đối với quân nhân, công an nhân dân ban hành kèm theo Nghị định số 45/CP ngày 15/7/1995 của Chính phủ, hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc Quân đội nhân dân; Hạ sĩ quan, chiến sĩ hưởng sinh hoạt phí thuộc Công an nhân dân trong thời gian tại ngũ được hường trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tử tuất (đối tượng không phải đóng BHXH mà do quân đội đóng). Khi xuất ngũ, những đối tượng này được giải quyết trợ cấp xuất ngũ và thời gian tại ngũ không được tính để hưởng chế độ BHXH sau này.

Tuy nhiên kể từ ngày 1/1/2007, theo Luật BHXH, chế độ BHXH đối với những đối tượng này đã có một số thay đổi.

Theo Nghị định số 68/2007/NĐ-CP ngày 19/4/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân: NLĐ thuộc diện hưởng phụ cấp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 2 Luật BHXH, bao gồm: Hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân; Hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân được thực hiện các chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và tử tuất.

Chính sách đối với lao động dôi dư

Một số bạn đọc hỏi: Chúng tôi được biết Nhà nước vừa có quy định mới về chính sách đối với lao động dôi dư. Xin hỏi, những người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn mà thuộc diện dôi dư thì quyền lợi được giải quyết như thế nào?

Trả lời:

Ngày 26/6/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị đinh số 110/2007/NĐ-CP về chính sách đối với NLĐ dôi dư do sắp xếp lại công ty nhà nước.

Tại Điều 3 nghị định này đã quy định rõ chính sách đối với NLĐ dôi dư đang thực hiện hợp đồng lao động không xác định thời hạn, cụ thể là:

1. Tại thời điểm cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lao động hoặc Toà án quyết định mở thủ tục phá sản, nam từ đủ 55 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì được hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật BHXH;

2. NLĐ dôi dư theo khoản 1 Điều này có tuổi đời từ đủ 55 tuổi đến dưới 60 tuổi đối với nam, từ đủ 50 tuổi đến dưới 55 tuổi đối với nữ, được hưởng thêm các khoản trợ cấp sau:

a) 3 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) cho mỗi năm (đủ 12 tháng, không kể tháng lẻ) nghỉ hưu trước tuổi so với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 50 của Luật BHXH;

b) 5 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) cho 20 năm đầu làm việc có đóng BHXH. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm làm việc có đóng BHXH được trợ cấp thêm 1/2 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có)

3. Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 50 của Luật BHXH nhưng còn thiếu thời gian đóng BHXH tối đa 6 tháng để hưởng lương hưu thì được Nhà nước đóng một lần cho số tháng còn thiếu với mức đóng bằng tổng mức đóng hằng tháng của NLĐ và người sử dụng lao động theo mức tiền lương, tiên công tháng trước khi nghỉ việc vào quỹ hưu trí và tử tuất để giải quyết chế độ hưu trí.

4. Các đối tượng còn lại thì thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động và được hưởng các chế độ sau:

a) Trợ cấp 1 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) cho mỗi năm (đủ 12 tháng, số tháng lẻ cộng dồn vào giai đoạn tiếp theo) thực tế làm việc (có đi làm, có tên trong bảng thanh toán lương) trong khu vực nhà nước (công ty 100% vốn nhà nước; cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang được hưởng lương từ ngân sách nhà nước; nông, lâm trường quốc doanh), không kể thời gian NLĐ đã nhận trợ cấp thôi việc, mất việc làm, nhưng thấp nhất cũng bằng 2 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có);

b) Được hỗ trợ thêm 1 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) cho mỗi năm (đủ 12 tháng, số tháng lẻ cộng dồn vào giai đoạn tiếp theo) thực tế làm việc trong khu vực nhà nước;

c) Được hưởng 6 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) để đi tìm việc làm;d) NLĐ có nguyện vọng học nghề thì được đào tạo tối đa 6 tháng tại các cơ sở dạy nghề theo thông báo của cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Quyền lợi chăm sóc thai sản và sinh đẻ khi tham gia BHYT tự nguyện

Bạn Nguyễn Thùy Linh (Hà Nội) hỏi: Chị tôi có tham gia BHYT tự nguyện. Hiện nay chị tôi đang mang thai. Vậy chị tôi có được hưởng chế độ BHYT khi khám thai hay sinh đẻ không?

Trả lời:

Vì trường hợp bạn hỏi không đủ các thông tin cần thiết nên chúng tôi không đủ cơ sở để trả lời chính xác được. Tuy nhiên, bạn có thể căn cứ vào các quy định của Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLT-BYT-BTC ngày 30/3/2007 của liên Bộ Y tế- Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT tự nguyện để biết người thân của mình có đủ điều kiện hưởng chế độ hay không.

Theo Thông tư liên tịch số 06 nêu trên, thẻ BHYT có giá trị sử dụng và được hưởng các quyền lợi về chăm sóc thai sản, sinh đẻ sau 270 ngày kể từ ngày đóng BHYT đối với các trường hợp tham gia BHYT tự nguyện lần đầu hoặc tham gia lại sau một thời gian gián đoạn vì bất kỳ lý do gì.

Tuy nhiên cũng theo quy định của thông tư này, trường hợp sinh đẻ tại nhà sẽ không được cơ quan BHXH thanh toán.

Mức đóng BHXH đối với những trường hợp được tự đóng tiếp

Một số bạn đọc hỏi: Chúng tôi là cán bộ chuyên trách cấp xã, nghỉ việc trước năm 2007 và được tự đóng tiếp BHXH theo quy định để đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí. Chúng tôi nghe nói khi thực hiện Luật BHXH thì mức đóng BHXH (tự đóng) của chúng tôi sẽ tăng hơn so với trước đây. Xin hỏi quy định cụ thể về việc này như thế nào?
Trả lời:
Ngày 22/12/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 152/2006/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật BHXH. Theo quy định tại khoản 6 Điều 58 nghị định này: Cán bộ chuyên trách cấp xã khi thôi đảm nhiệm chức vụ trước ngày 1/1/2007 mà có đủ 10 năm đóng BHXH trở lên, còn thiếu tối đa 5 năm thì đủ tuổi nghỉ hưu và đang tự đóng tiếp BHXH hằng tháng với mức đóng hằng tháng bằng tổng mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động theo mức lương tháng trước khi thôi đảm nhiệm chức vụ vào quỹ hưu trí và tử tuất cho tổ chức BHXH nơi cư trú cho đến khi đủ 15 năm đóng BHXH và đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ thì được hưởng chế độ hưu trí.

Ngày 30/1/2007, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã có Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 152 nêu trên. Thông tư này đã có hướng dẫn: Cán bộ chuyên trách cấp xã đang tự đóng tiếp BHXH hằng tháng theo quy định tại khoản 6 Điều 58 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP thì mức đóng hằng tháng từ tháng 1/2007 đến tháng 12/2009 là 16% và từ tháng 1/2010 đến tháng 12/2011 là 18% trên mức lương tháng trước khi thôi đảm nhiệm chức vụ cho đến khi đủ 15 năm đóng BHXH và đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ để hưởng chế độ hưu trí.

Đối tượng áp dụng Nghị định 110/2007/NĐ-CP

Ông Trần Văn Hoa (Hà Nội) hỏi: Qua Báo BHXH, tôi được biết Chính phủ mới có quy định về chính sách đối với lao động dôi dư. Xin hỏi đó là văn bản nào, áp dụng cho những đối tượng cụ thể nào?
Trả lời:

Văn bản mà ông đề cập là Nghị định số 110/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ về chính sách đối với người lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty nhà nước.

Phạm vi điều chỉnh của nghị định này là:

1. Công ty nhà nước, công ty thuộc các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội được thành lập và tổ chức hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước (sau đây gọi chung là công ty nhà nước) thực hiện sắp xếp lại theo phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm:

a) Cổ phần hoá, giao, bán;

b) Chuyển thành công ty TNHH;

c) Giải thể, phá sản.

2. Nông trường quốc doanh thực hiện sắp xếp, tổ chức lại theo Nghị định số 170/2004/NĐ-CP ngày 22/9/2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh; lâm trường quốc doanh thực hiện sắp xếp, tổ chức lại theo Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh.

Đối tượng áp dụng Nghị định này là người lao động dôi dư đang thực hiện hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc có thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng, gồm:

1. Người lao động được tuyển dụng lần cuối cùng vào công ty quy định tại các điểm a và b khoản 1 Điều 1 Nghị định này trước ngày 21/4/1998 (thời điểm thực hiện Chỉ thị số 20/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước), gồm:

a) Người lao động đang làm việc, khi sắp xếp lại, công ty nhà nước đã tìm mọi biện pháp tạo việc làm, nhưng không bố trí được việc làm;

b) Người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của công ty nhà nước nhưng không có việc làm (đang chờ việc), tại thời điểm sắp xếp lại, công ty vẫn không bố trí được việc làm.

2. Người lao động được tuyển dụng lần cuối cùng vào công ty quy định tại điểm c khoản 1 Điều 1 Nghị định này trước ngày 26/4/2002 (thời điểm có hiệu lực thi hành của Nghị định số 41/2002/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước

3. Người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của nông, lâm trường quốc doanh quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định này, được tuyển dụng lần cuối cùng vào nông, lâm trường trước ngày 21/4/1998 (riêng người lao động của nông, lâm trường quốc doanh thực hiện giải thể thì thời điểm tuyển dụng lần cuối cùng theo quy định tại khoản 2 Điều này), tại thời điểm sắp xếp lại, nông, lâm trường đã tìm mọi biện pháp tạo việc làm, nhưng không bố trí được việc làm và không thực hiện chế độ giao đất, giao rừng của nông, lâm trường.

Thủ tục ủy quyền để nhận lương hưu

Một bạn đọc (TP.HCM) hỏi: Ba tôi là cán bộ hưu trí, trước đây nhận lương hưu tại UBND phường. Vào tháng 10/2000, ba tôi xuất cảnh sang Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình và hiện đang sinh sống tại Mỹ. Nay ba tôi có nguyện vọng ủy quyền cho tôi nhận tiền lương hưu nhưng tôi không biết phải làm những thủ tục gì?

Trả lời:

Ba bạn làm giấy ủy quyền có sự xác nhận của sứ quán Việt Nam nơi ba bạn đang cư trú. Giấy ủy quyền có giá trị 6 tháng/lần. Bạn xuất trình giấy ủy quyền này cho bộ phận phát lương hưu tại địa phương nơi ba bạn đã từng nhận lương hưu để được nhận thay.
Đóng BHXH 3 tháng có được nhận trợ cấp?

Một số bạn đọc hỏi: NLĐ có thời gian tham gia BHXH đủ ba tháng thì khi nghỉ việc có được hưởng trợ cấp BHXH? Nếu được hưởng thì mức trợ cấp là bao nhiêu?

Trả lời:

Theo qui định tại khoản 1 điều 30 Nghị định 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ, những trường hợp đủ điều kiện nhận trợ cấp BHXH gồm:

Đủ tuổi hưởng lương hưu theo qui định tại điều 26 Nghị định 152/2006/NĐ-CP mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH.

Suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH:

Sau 12 tháng nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH.

Ra nước ngoài định cư hợp pháp.

Những trường hợp nêu trên mà đóng BHXH từ đủ 3 tháng đến dưới 1 năm được hưởng BHXH một lần với mức hưởng như sau:

Bằng 0,75 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH nếu đã đóng BHXH từ đủ 3 tháng đến đủ 6 tháng;

Bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH nếu đã đóng BHXH từ trên 6 tháng đến 12 tháng.

Được cấp bù kinh phí để thanh toán chế độ ốm đau, thai sản

Một số bạn đọc hỏi:Theo Luật BHXH người sử dụng lao động được giữ lại 2% tiền đóng BHXH để chi trả chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động. Nhưng nếu số tiền mà người sử dụng lao động giữ lại không đủ chi trả cho người lao động thì xử lý như thế nào?

Trả lời:

Theo Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH ngày 30/01/2007 của Bộ lao động - Thương binh và xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ (Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc) thì việc quyết toán chi trả chế độ ốm đau, thai sản theo qui định của người sử dụng lao động với tổ chức BHXH được thực hiện mỗi quý một lần.

Trường hợp số tiền quyết toán nhỏ hơn số tiền được giữ lại, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả lại, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả lại quỹ BHXH số dư chênh lệch vào tháng dầu quý sau.

Trong trường hợp số tiền chi trả chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động vượt nhiều so với số tiền được giữ lại trong quý, thì người sử dụng lao động chủ động quyết toán sớm hơn với tổ chức BHXH.

Tạm dừng lương hưu, trợ cấp BHXH

Một số bạn đọc hỏi: Khi nào việc hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH bị tạm dừng?

Trả lời:

Theo Nghị định 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ (Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc), người lao động đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khi thuộc trong các trường hợp sau đây:

- Chấp hành hình phạt tù nhưng không được hưởng án treo;

- Xuất cảnh trái phép;

- Bị tòa án tuyên bố là mất tích.

Xử phạt với mỗi hành vi vi phạm BHXH

Một số bạn đọc hỏi:Theo quy định hiện hành, các hành vi vi phạm quy định về BHXH sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Ngày 16/8/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 135/2007/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.

Theo đó, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về pháp luật bảo hiểm xã hội, cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền:

Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, cơ quan, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động có thời hạn hoặc không thời hạn theo quy định của pháp luật;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra sau đây:

a) Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội vào quỹ bảo hiểm xã hội trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định xử phạt đối với người có hành vi vi phạm về đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 134 Luật Bảo hiểm xã hội;

b) Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội trong năm đối với người sử dụng lao động có hành vi chưa đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội từ 30 ngày trở lên;

c) Buộc hoàn trả số tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định xử phạt đối với người sử dụng lao động;

d) Buộc sửa lại cho đúng, nộp lại giấy tờ đã làm sai.

Ngoài ra, cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả khác quy định tại Nghị định này.

Các đối tượng tinh giản biên chế

Ông Nguyễn Hữu Minh (Đống Đa, Hà Nội) hỏi: Qua báo chí, tôi được biết mới đây Chính phủ có quy định mới về chính sách tinh giản biên chế trong các cơ quan Nhà nước. Xin hỏi, chính sách này được áp dụng đối với những đối tượng nào?

Trả lời:

Ngày 8/8/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 132/2007/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế.
Nghị định này quy định về chính sách tinh giản biên chế đối với các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến cấp huyện; doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hoá, giao, bán, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản hoặc chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn; nông trường, lâm trường quốc doanh được sắp xếp lại theo quy định của pháp luật.
Về đối tượng áp dụng, tại Điều 2 Nghị định này đã quy định rõ, cụ thể là:
1. Cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức, biên chế để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhuiệm vụ, tổ chức, biên chế và tài chính theo quy định của pháp luật.
2. Người thôi giữ chức vụ lãnh đạo, bao gồm: cán bộ do bầu cử, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý do sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức hoặc không tái cử nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu, không bố trí được vào vị trí công tác mới.
3. Cán bộ, công chức, viên chức chưa đạt trình độ chuẩn theo quy định của vị trí công việc đang đảm nhận nhưng không có vị trí công tác khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại được để chuẩn hoá về chuyên môn; những cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị không hợp lý và không thể bố trí, sắp xếp được công việc khác.
4. Những người không hoàn thành nhiệm vụ được giao trong hai năm liền kề gần đây do năng lực chuyên môn, nghiệp vụ yếu hoặc sức khỏe không bảo đảm hoặc do thiếu tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức, kỷ luật kém nhưng chưa đến mức buộc phải thôi việc theo đánh giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
5. Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng, thành viên Ban Kiểm soát của các doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hoá, giao, bán, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản hoặc chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005; Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng của các nông, lâm trường quốc doanh sắp xếp lại theo quy định của Nghị định số 17012004/NĐ-CP ngày 22/9/2004 của Chính phủ về sắp xếp đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh nhưng không tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp, nông trường, lâm trường quốc doanh đó hoặc ở khu vực Nhà nước.

Cộng thời gian đóng BHXH bắt buộc và tự nguyện để hưởng chế độ hưu trí

Bà Bùi Thị Yên (Lý Thái Tổ, Hà Nội) hỏi: Đến tháng 10 năm nay tôi đủ 55 tuổi, những mới có 17 năm 5 tháng đóng BHXH. Từ tháng 1/2007 tôi muốn ký HĐLĐ mới để để đóng BHXH tự nguyện có được không? Nếu được tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, đến khi đủ 20 năm đóng BHXH, tôi có được hưởng chế độ hưu trí như đối với các trường hợp tham gia BHXH bắt buộc không?

Trả lời:

Theo Luật BHXH, BHXH tự nguyện được thực hiện từ năm 2008, nên bà chưa thể tham gia từ tháng 11/2007.
Theo Luật BHXH, lao động nữ đủ 55 tuổi nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 5 năm so với thời gian quy định thì được đóng tiếp BHXH tự nguyện cho đến khi đủ 20 năm để được hưởng chế độ quy định.
Tại khoản 1, Điều 79 Luật BHXH đã quy định: Người lao động đóng BHXH bắt buộc sau đó đóng BHXH tự nguyện thì thời gian đóng BHXH bắt buộc được cộng với thời gian đóng BHXH tự nguyện để làm cơ sở tính hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất.

Không thuộc đối tượng áp dụng Nghị định 132

Ông Nguyễn Thái Hậu (Quốc Oai, Hà Tây) hỏi: Tôi nguyên là cán bộ UBND xã. Đầu tháng 10/2005, tôi được giải quyết chế độ nghỉ chờ hưu. Nay tôi thấy trên phương tiện thông tin đại chúng đưa tin Chính phủ ban hành Nghị định 132 về giải quyết chế độ BHXH cho người nghỉ trước tuổi. Vậy trường hợp của tôi có được áp dụng theo quy định tại nghị định này hay không?

Trả lời:
Như đã trả lời bạn đọc Nguyễn Hữu Minh, Nghị định số 132/2007/NĐ-CP ngày 8/8/2007 của Chính phủ quy định về chính sách tinh giản biên chế với phạm vi và đối tượng áp dụng cụ thể như trên.
Trường hợp của ông, đã được giải quyết chế độ từ năm 2005, theo quy định tại Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21/10/2003 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn; không thuộc đối tượng áp dụng Nghị định

Có thể chờ để tham gia BHXH tự nguyện

Bạn Nguyễn Minh Vũ (quận 1, TP.HCM) hỏi: Công ty chúng tôi có một lao động nữ sinh năm 1952, làm công việc vệ sinh quét rác đường phố. Đến tháng 5/2007, lao động này có thời gian đóng BHXH là 17 năm 4 tháng, theo nguyện vọng muốn tự đóng BHXH cho đủ 20 năm để hưởng chế độ hưu trí có được không?

Trả lời:

Vấn đề ông hỏi, ông Cao Văn Sang- Giám đốc BHXH TP.HCM trả lời:

Hiện nay, chế độ BHXH tự nguyện chưa thực hiện (Theo Luật BHXH, chế độ này sẽ thực hiện từ tháng 1/2008). Chế độ này áp dụng cho những người còn trong độ tuổi lao động nhưng không thuộc diện tham gia BHXH hoặc đóng BHXH đủ 15 năm đến dưới 20 năm nhưng đã hết tuổi lao động (nam 60, nữ 55 tuổi) thì được đóng tiếp BHXH tự nguyện cho đến khi đủ 20 năm.

Trường hợp bạn hỏi, người lao động đã đến tuổi nghỉ hưu (nữ 55) nhưng thời gian tham gia BHXH là 17 năm 4 tháng, chưa đủ điều kiện nhận chế độ hưu hàng tháng, nhưng đủ điều kiện tham gia BHXH tự nguyện. Từ 1/8/2007, nếu Công ty không tiếp tục ký hợp đồng lao động để được tiếp tục tham gia BHXH thì người lao động làm thủ tục chốt sổ BHXH tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện cho đủ 20 năm để hưởng chế độ hưu trí hàng tháng.

Cách tính mức hưởng chế độ ốm đau

Ông Nguyễn Văn Mùi (Gia Lâm, Hà Nội) hỏi: Mức hưởng chế độ ốm đau của người lao động tham gia BHXH được tính như thế nào? Nếu trong tháng, người lao động nghỉ nhiều ngày thì việc đóng BHXH được thực hiện ra sao? Đơn vị sử dụng lao động có phải đóng BHXH trong thời gian người lao động nghỉ ốm không?

Trả lời:

Theo Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH ngày 30/1/2007 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, mức hưởng chế độ ốm đau theo thời gian quy định được tính như sau:

Mức hưởng chế độ ốm đau = Tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc/26 ngày x 75 (%) x Số ngày nghỉ việc được hưởng chế độ ốm đau.

Số ngày nghỉ việc được hưởng chế độ ốm đau được tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.Cũng theo Thông tư số 03, thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì cả người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH trong tháng đó. Thời gian này không tính là thời gian đóng BHXH.

Điều kiện về thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ thai sản

Một bạn đọc (đề nghị không nêu tên) hỏi:Tôi nghe nói để được hưởng chế độ thai sản, người lao động phải đáp ứng điều kiện về thời gian tham gia BHXH. Xin hỏi, qui định cụ thể về vấn đề này như thế nào? Có phải sau khi sinh con nếu rủi ro người mẹ bị chết thì người bố cũng được hưởng trợ cấp để nuôi con?

Trả lời:

Theo Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, lao động nữ sinh con và người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 4 tháng tuổi phải đóng BHXH từ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

Ví dụ: Chị B nghỉ việc vào tháng 8/2007 và sinh con vào ngày 16/12/2007, khoảng thời gian 12 tháng trước khi sinh con được tính từ tháng 01/2007 đến tháng 12/2007, nếu trong khoảng thời gian này chị B đã đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên thì chị B được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

Cũng theo quy định hiện hành, trường hợp mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng hưởng chế độ thai sản, cụ thể là:

- Trường hợp chỉ có mẹ tham gia BHXH, thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 4 tháng tuổi. Mức hưởng chế độ thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc của mẹ.

- Trường hợp cả cha và mẹ đều tham gia BHXH hoặc chỉ có cha tham gia BHXH, thì cha nghỉ việc chăm sóc con được hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 4 tháng tuổi. Mức hưởng chế độ thai sản được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc của cha.

Chế độ TNLĐ, BNN đối với quân nhân

Một số bạn đọc hỏi: Trong trường hợp nào quân nhân được hưởng trợ cấp tai nạn lao động?

Trả lời:

Tại Nghị định số 68/2007/NĐ-CP ngày 19/4/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đã quy định:

Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc Quân đội nhân dân; Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ và sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật thuộc Công an nhân dân; Người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân; Hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân; Hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân (gọi chung là người lao động), nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau thì được hưởng chế độ tai nạn lao động:

1. Bị tai nạn trong huấn luyện quân sự, trong học tập, rèn luyện, công tác, lao động sản xuất, thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của chỉ huy đơn vị, kể cả tại nơi làm việc hoặc ngoài nơi làm việc, trong giờ làm việc hoặc ngoài giờ làm việc.

2. Bị tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc, trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý (Trong khoảng thời gian hợp lý là khoảng thời gian cần thiết để người lao động đến cơ quan trước giờ làm việc hoặc trở về sau giờ làm việc theo quy định hoặc ngoài giờ làm việc theo yêu cầu của người chỉ huy đơn vị; Tuyến đường hợp lý là tuyến đường thường xuyên đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại).

Có thể chốt sổ chờ hưu

Bà Nguyễn Minh Thư (TPHCM) hỏi: Tôi sinh năm 1955, có thời gian đóng bảo hiểm đủ 30 năm. Nay muốn nghỉ hưu nhưng không biết khi áp dụng Luật BHXH thì tôi có đượcc làm thủ tục ngay hay không (tôi chấp nhận trừ 3% do chưa đủ tuổi)? Vì tôi nghe nói là phải bảo lưu chờ cho đến khi đủ tuổi.

Trả lời:

Vấn đề bà hỏi, ông Cao Văn Sang- Giám đốc BHXH TP.HCM trả lời:

Luật BHXH có hiệu lực từ 1/1/2007 không còn áp dụng chế độ hưu trí cho những người có đủ 30 năm đóng BHXH, nam độ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi. Vì vậy, trường hợp của chị mới 52 tuổi chưa đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí. Nếu sức khỏe kém, chị có thể xin giám định sức khỏe. Nếu Hội đồng giám định y khoa kết luận tỉ lệ suy giảm khả năng lao động trên 61% thì chị được nhận chế độ hưu trước tuổi. Mỗi năm nghỉ trước tuổi bị trừ 1%.

Trường hợp giám định y khoa có tỉ lệ 61% mà phải nghỉ việc thì chị chốt sổ và chờ đến năm 55 tuổi (đủ tuổi về hưu) để làm thủ tục nhận chế độ hưu trí.

Quyền lợi khi tham gia BHYT tự nguyện

Bà Nguyễn Thị Vân (Hà Tây) hỏi: Khi tham gia BHYT tự nguyện, người tham gia được hưởng những quyền lợi gì?

Trả lời:

Tại điểm b, khoản 1, mục III Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLT-BYT-BTC ngày 30/3/2007 của Bộ Y tế- Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT tự nguyện đã quy định: Người có thẻ BHYT khi KCB ngoại trú, nội trú tại các cơ sở KCB công lập và ngoài công lập (cơ sở KCB BHYT) được cơ quan BHXH thanh toán chi phí khi sử dụng các dịch vụ sau:

Khám bệnh, chẩn đoán, điều trị và phục hồi chức năng trong thời gian điều trị tại cơ sở KCB (theo danh mục do Bộ Y tế quy định); Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng; Thuốc, dịch truyền theo danh mục do Bộ Y tế quy định; Máu và các chế phẩm của máu; Các phẫu thuật, thủ thuật; Chăm sóc thai sản và sinh đẻ; Sử dụng vật tư, thiết bị ytế và giường bệnh.

c) Người tham gia BHYT tự nguyện khi KCB tại nơi đăng ký KCB ban đầu và ở cơ sở KCB khác theo giới thiệu chuyển viện phù hợp với tuyến chuyên môn kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế và trong các trường hợp cấp cứu tại các cơ sở KCB BHYT, được cơ quan BHXH thanh toán chi phí sử dụng các dịch vụ quy định tại điểm b, khoản 1 mục này theo giá viện phí hiện hành của nhà nước, cụ thể:

c1. KCB ngoại trú:

+ Được thanh toán 100% chi phí khi có chi phí dưới 100.000 đồng cho một đợt KCB ngoại trú;

+ Được thanh toán 80% chi phí KCB ngoại trú khi có chi phí từ 100.000 đồng trở lên; phần còn lại do người bệnh tự thanh toán với cơ sở KCB.

c 2. Khám, chữa bệnh nội trú:

+ Được thanh toán 80% chi phí khám, chữa bệnh nội trú; phần còn lại do người bệnh tự thanh toán với cơ sở KCB.

d) Trường hợp sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao có chi phí lớn(theo danh mục do Bộ Y tế ban hành sau khi thống nhất với Bộ Tài chính),được cơ quan BHXH thanh toán 80% chi phí nhưng không quá 20.000.000 đồng cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật đó; phần còn lại do người bệnh tự thanh toán với cơ sở KCB.

đ) Người tham gia BHYT tự nguyện khi KCB theo yêu cầu riêng, KCB tại cơ sở ytế không ký hợp đồng KCB BHYT, KCB ở nước ngoài, được cơ quan BHXH thanh toán theo chi phí thực tế theo tỷ lệ quy định tại điểm c và d của khoản này nhưng không vượt quá mức quy định tại Phụ lục của Thông tư này.

e) Đối với học sinh, sinh viên: Khi tham gia BHYT tự nguyện, ngoài quyền lợi KCB được hưởng theo quy định tại các điểm c và đ khoản này còn được hưởng quyền lợi về chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế trường học theo quy định hiện hành. Trường hợp tử vong được trợ cấp 1.000.000 đồng.

BHYT cho thân nhân làm công tác cơ yếu

Ông Trần Văn Tiến (Phủ Lý, Hà Nam) hỏi: Có phải thân nhân người làm công tác cơ yếu được hưởng chế độ BHYT bắt buộc? Đây có phải chế độ mà thân nhân người làm công tác cơ yếu được hưởng suốt đời?

Trả lời:

Theo Nghị định số 153/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ, thân nhân của người đang làm công tác cơ yếu là sĩ quan đang công tác tại Ban Cơ yếu Chính phủ và người đang làm công tác cơ yếu hưởng lương theo bảng lương cấp bậc quân hàm sĩ quan quân đội nhân dân không thuộc diện tham gia BHYT bắt buộc khác (bao gồm các đối tượng: bố đẻ, mẹ đẻ; bố đẻ, mẹ đẻ của vợ hoặc chồng; bố nuôi, mẹ nuôi của bản thân, của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi dưới 18 tuổi; con đẻ, connuôi từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị tàn tật mất khả năng lao động theo quy định của pháp luật) được hưởng chế độ BHYT bắt buộc.

Thân nhân người đang làm công tác cơ yếu được cấp thẻ BHYT theo quy định tại Nghị địnhnày được hưởng chế độ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Điều lệ BHYT ban hành kèm theo Nghị định số 63/2005/NĐ-CP ngày 16/5/2005 của Chính phủ. Cũng theo Nghị định số 153 nêu trên, khi người đang làm công tác cơ yếu nghỉ hưu, chuyển ngành, thôi việc; bị kỷ luật cho ra khỏi ngành cơ yếu hoặc bị chết thì thân nhân của họ chỉ được hưởng chế độ BHYT theo quy định tại Nghị định này cho đến thời điểm thẻ BHYT đã cấp hết giá trị sử dụng.

Chế độ thai sản tính theo mức lương bình quân

Bạn Nguyễn Hồng Vân (Công ty dịch vụ cơ quan nước ngoài) hỏi: Năm 2006 tôi đóng BHXH với mức lương cao hơn 9 triệu. Tôi mang thai vào tháng 7/2006 và sẽ sinh con vào khoảng tháng 2/2007. Vậy trợ cấp thai sản tôi sẽ được nhận như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định của Luật BHXH mức lương làm cơ sở tính trợ cấp thai sản là lương bình quân đóng BHXH 6 tháng trước khi nghỉ sinh. Nếu bạn sinh con tháng 2/2007, mức lương để tính chế độ thai sản được tính bình quân của mức lương nộp BHXH của tháng 8, 9, 10, 11, 12 năm 2006 và tháng 1/2007. Dù mức lương thực tế của chị trên 9 triệu đồng/tháng thì từ tháng 1/2007 mức lương nộp BHXH chỉ được tính 9 triệu đồng.

Nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe

Một số bạn đọc hỏi: Việc nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe đối với người lao động được thực hiện từ năm 2007 như thế nào?
Trả lời:

Theo Nghị định 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc:
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong một năm tính có ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần, ngày đi và về nếu nghỉ tại cơ sở tập trung số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc Ban Chấp hành Công đoàn lâm thời quyết định, cụ thể như sau:
- Tối đa 10 ngày đối với người lao động sức khoẻ còn yếu sau thời gian ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày;
- Tối đa 7 ngày đối với người lao động sức khỏe còn yếu sau thời gian ốm đau do phải phẫu thuật;
- Bằng 5 ngày đối với các trường hợp khác.
Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ một ngày:
- Bằng 25% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình;
- Bằng 40% mức lương tối thiểu chung nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ tại cơ sở tập trung, mức hưởng này tính cả tiền đi lại; tiền ăn và ở.

Không được tính thời gian hưởng BHXH

Ông Kiều Tấn Lực (phường Trường Thọ, Thủ Đức, TPHCM) hỏi: Tôi tham gia lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) từ năm 1986 đến tháng 8/1989 thì xuất ngũ và nhận trợ cấp khoảng 8.000 đồng. Đến tháng 1/1990 tôi được ký HĐLĐ với Xí nghiệp vật tư vận tải – Công ty điện lực 2 và làm việc cho đến nay. Vậy thời gian tôi tham gia lực lượng TNXP có được cộng nối vào thời gian công tác hiện nay để tính thời gian tham gia BHXH không?
Trả lời:

Theo công văn số 3634/LĐ-TBXH ngày 9/10/1997 của Bộ LĐTB&XH và Chỉ thị số 460/Ttg ngày 23/9/1978 của Thủ tướng Chính phủ, TNXP sau khi hết nhiệm kỳ phục vụ được tuyển ngay vào cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước thì được tính thời gian để hưởng BHXH kể từ ngày được tuyển vào TNXP.
Trường hợp của ông sau khi hết thời gian phục vụ đã được hưởng trợ cấp xuất ngũ. Một thời gian sau mới được tuyển vào doanh nghiệp Nhà nước nên không được tính thời gian phục vụ lực lượng TNXP để hưởng BHXH

Hưởng trợ cấp một lần theo Luật BHXH

Một số bạn đọc hỏi: Chúng tôi đã nghỉ làm việc và thôi đóng BHXH từ cuối năm 2006. Nếu chúng tôi muốn nhận trợ cấp một lần thì phải chờ đến bao giờ, mức trợ cấp tính như thế nào?

Trả lời:

Nghị định 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc có quy định: Người lao động bảo lưu thời gian đóng BHXH trước ngày 1/1/2007 thì trợ cấp BHXH một lần khi không đủ điều kiện hưởng lương hưu được giải quyết theo quy định tại Điều 30 Nghị định này.
Theo Điều 30, điều kiện hưởng BHXH một lần với trường hợp như trên là: Sau 12 tháng nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần.
Mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH.Khi tính mức hưởng BHXH một lần, nếu thời gian đóng BHXH có tháng lẻ dưới 3 tháng thì không tính; từ đủ 3 tháng đến đủ 6 tháng tính là nửa năm; từ trên 6 tháng đến 12 tháng tính tròn một năm.

Đóng tiếp đến khi đủ 15 năm đóng BHXH

Bà Vũ Thị Oanh (Thanh Hoá) hỏi: Tôi nguyên là Chủ tịch Hội phụ nữ xã (cán bộ chuyên trách). Năm ngoái tôi xin nghỉ công tác và được tự đóng tiếp BHXH để đến khi đủ tuổi để được hưởng chế độ hưu trí. Nay nếu theo Luật BHXH thì việc tự đóng BHXH của tôi có gì thay đổi không?

Trả lời:

Theo Nghị định 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, cán bộ chuyên trách cấp xã khi thôi đảm nhiệm chức vụ trước ngày 1/1/2007 mà có đủ 10 năm đóng BHXH trở lên, còn thiếu tối đa 5 năm thì đủ tuổi nghỉ hưu và đang tự đóng tiếp BHXH hằng tháng với mức đóng hằng tháng bằng tổng mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động theo mức lương tháng trước khi thôi đảm nhiệm chức vụ vào quỹ hưu trí và tử tuất cho tổ chức BHXH nơi cư trú cho đến khi đủ 15 năm đóng BHXH và đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ thì được hưởng chế độ hưu trí.

Nghỉ thai sản sau khi bị tai nạn

Bạn Nguyễn Thị Lành (KCX Linh Trung) hỏi: tôi có thai, sắp sinh con. Được biết theo Luật BHXH thì người bị thương tật 21% trở lên được nghỉ sau khi sinh 6 tháng. Trước đây, tôi đã bị tai nạn giao thông gãy chân nay đã lành. Xin hói có được nghỉ thai sản 6 tháng không?

Trả lời:

Theo quy định của luật BHXH và Nghị định 152/2006/NĐ CP hướng dẫn một số điều của Luật BHXH thì lao động nữ là người tàn tật có mức suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên được nghỉ thai sản 6 tháng. Trường hợp của chị chưa được xác định mức suy giám khả năng lao động do chấn thương, nên chưa thể khắng định sẽ được nghr 6 tháng. Hiện nay, chưa có hướng dẫn gì về trường hợp này. Có lẽ chị nên xin giám định khả năng lao động do thương tật tại Hội đồng giám định y khoa thành phố để có thể được nghỉ đủ tiêu chuẩn.

Thanh toán chi phí KCB nước ngoài

Ông Nguyễn Vũ Ninh (Ba Đình, Hà Nội) hỏi: Vừa qua người thân của tôi (có thẻ BHYT) đi phẫu thuật ở Singapore. Trong trường hợp này, người thân của tôi có được hưởng chế độ gì về BHYT không?

Trả lời:

Theo Thông tư liên tịch số 21/2005/TTLB- BYT-BTC ngày 27/7/2005 của liên Bộ: Tài chính- Y tế hướng dẫn thực hiện BHYT bắt buộc, trường hợp KCB ở nước ngoài thì được cơ quan BHXH thanh toán theo mức chi phí bình quân của các bệnh viện tuyến trung ương trên địa bàn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Cũng theo Thông tư này, đối với các cơ sở KCB trên địa bàn thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, mức thanh toán cho các tuyến được tính bằng 1,2 lần mức quy định cho các tuyến tương đương (Trong trường hợp điều trị nội trú, chi phí bình quân của tuyến trung ương là 900.000 đồng).
(theo bhxhgl.org.vn)
Share: